6 năm, đầu tư hơn 60 triệu USD cho phát triển giáo dục THPT

(Dân trí) - Sáng nay 8/4, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị tổng dự án Phát triển giáo dục THPT. Theo đó sau 6 năm triển khai hoạt động, Dự án Phát triển giáo dục THPT đã đạt được những kết quả quan trọng, thể hiện đặc biệt rõ nét ở các địa phương vùng khó khăn.

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, tổng giá trị trao thầu (vốn ADB) đến ngày 28/2/2011 là hơn 60 triệu USD, chiếm 95% nguồn vốn và giá trị giải ngân là hơn 57 triệu USD chiếm 89,5% giá trị vốn vay.
 
6 năm, đầu tư hơn 60 triệu USD cho phát triển giáo dục THPT - 1

Quang cảnh hội nghị tổng kết dự án phát triển giáo dục THPT.
 
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhận định dự án phát triển giáo dục THPT ra đời đúng vào giai đoạn đổi mới chương trình giáo dục THPT nên kịp thời đáp ứng yêu cầu đổi mới và sớm phát huy hiệu quả, tác động.

22 tỉnh vùng khó khăn được hưởng thụ từ dự án phát triển giáo dục THPT bao gồm: Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Hòa Bình, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Đắk Nông, Đắk LắK, Gia Lai, Kon Tum, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Đồng Tháp.

Bên cạnh đó, dự án đã tác động toàn diện vào đổi mới chương trình giáo dục THPT như hỗ trợ quá trình triển khai thí điểm, triển khai đại trà chương trình và sách giáo khoa mới; hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường THPT, nhất là các trường ở 22 tỉnh vùng núi, vùng sâu xa, vùng đặc biệt khó khăn; bồi dưỡng tăng cường năng lực cho giáo viên, tập trung vào đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá và hỗ trợ đổi mới quản lý giáo dục THPT.

Ông Trần Như Tỉnh - Vụ trưởng, Trưởng ban điều hành dự án cho hay, những con số mà 22 tỉnh khó khăn được hưởng thụ từ dự án rất ấn tượng. Cụ thể có 2.441 phòng học, thư viện, phòng thí nghiệm, máy tính, phòng ở nội trú được xây dựng; 205 trường THPT được trang bị đồ gỗ; 203 trường được xây mới; 128 trường chuẩn, 22 trường PTDTNT, 3 trường chuẩn quốc tế, 38 trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp - dạy nghề, 5 trường THPT kỹ thuật thí điểm, 4 trường thực hành sư phạm, 70 trường THPT thí điểm được cung cấp trang thiết bị; 64 Sở GD-ĐT được trang bị thiết bị EMIS; 71.530 giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được bồi dưỡng tập huấn kiến thức và nghiệp vụ quản lý, dạy học ở cấp trung ương; 83.824 giáo viên ở cơ sở được bồi dưỡng từ giáo viên cốt cán; cung cấp hàng triệu cuốn sách, tài liệu các loại phục vụ chương trình, sách giáo khoa mới...

Ông Tỉnh cũng cho rằng, Dự án Phát triển giáo dục THPT đã góp phần đưa sự nghiệp giáo dục THPT ở 22 tỉnh khó khăn phát triển, giảm dần khoảng cách với giáo dục THPT trên toàn quốc. Nó thể hiện ở việc phát triển trường, lớp và giảm khoảng cách đến trường học của HS. Số HS nói chung, số HS nữ, HS dân tộc thiểu số cấp THPT 22 tỉnh tăng nhanh hơn các tỉnh khác. Số phòng học, phòng học bê tông kiên cố THPT 22 tỉnh tăng nhanh, tỉ lệ lớp/phòng giảm tạo điều kiện thuận lợi nâng cao chất lượng giáo dục. Giáo viên, giáo viên nữ, giáo viên người dân tộc bậc THPT 22 tỉnh tăng cao hơn 2 lần so với tỷ lệ chung của toàn quốc.

Đặc biệt hơn cả là con số ấn tượng về tỷ lệ tốt nghiệp THPT và đỗ vào ĐH, CĐ. Theo thống kê kết quả thi tốt nghiệp THPT 4 năm gần đây (từ khi thực hiện cuộc vận động “2 không”) thì tỷ lệ đỗ trung bình của 22 tỉnh liên tục tăng nhanh. Cụ thể, nếu năm 2007 chỉ có 49,85% thì đến năm 2008 đã tăng vọt lên 64,17%, năm 2009 tăng lên 73,0% và năm 2010 tăng lên con số 85,56%. Số đỗ ĐH, CĐ ngày càng tăng cả về số lượng tuyệt đối và tỉ lệ trên đầu dân số. Tuy số đỗ vẫn thấp hơn các tỉnh ngoài dự án, nhưng đã giảm dần khoảng cách.

Dự án phát triển giáo dục THPT vay vốn Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) được triển khai theo hiệp định tính dụng kí kết giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng ADB nhằm mục tiêu góp phần xóa đói giảm nghèo ở nước ta thông qua phát triển và cải thiện giáo dục THPT.

Dự án được triển khai với 3 thành phần cơ bản là hỗ trợ các điều kiện cải thiện chất lượng giáo dục THPT thông qua hỗ trợ thí điểm và triển khai đại trà chương trình, sách giáo khoa và phương pháp dạy học THPT mới; nâng cao cơ hội tiếp cận, tính công bằng và sự tham gia giáo dục THPT ở các vùng khó khăn và tăng cường quản lý giáo dục THPT thông qua nghiên cứu, thí điểm 6 sáng kiến về phân cấp quản lý và ứng dụng CNTT trong quản lý. Kết quả, đến nay, dự án đã hoàn thành các mục tiêu đề ra, nhiều chỉ tiêu đã vượt thiết kế ban đầu. Dự án này dự kiến kết thúc vào ngày 30/6/2011.

 

Nguyễn Hùng