Cà Mau:
5 năm, đầu tư hơn 1.390 tỷ đồng cho giáo dục-đào tạo, dạy nghề
(Dân trí) - Trong 5 năm qua (từ 2011-2015), tổng số vốn đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề tại Cà Mau ước đạt 1.391 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương hỗ trợ 230 tỷ đồng, vốn ODA 23 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 1.095 tỷ đồng và nguồn vận động xã hội hóa là 42 tỷ đồng
100% cán bộ, quản lý và giảng viên đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn
Theo đánh giá của Tỉnh ủy Cà Mau, trong 5 năm qua (từ 2011- 2015), đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên từng cấp học được tăng cường về số lượng, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ. 100% cán bộ, quản lý và giảng viên đạt trình độ chuẩn và đa số đạt trên chuẩn; chất lượng, hiệu quả giáo dục đào tạo tiếp tục có những chuyển biến tích cực ở tất cả các bậc học, cấp học; đã hoàn thành phổ cập giáo dục THCS và thực hiện phổ cập giáo dục THPT ở những nơi có điều kiện; tỷ lệ trẻ em và học sinh đúng độ tuổi đến trường ngày càng tăng; học sinh lên lớp và tốt nghiệp đạt tỷ lệ cao.
Các cấp, các ngành trong tỉnh đã đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức nhằm nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý nhà nước, tin học, ngoại ngữ, kỹ năng thực hành… Đến nay, tỉnh đã cử đi đào tạo bồi dưỡng hơn 90.600 lượt cán bộ, tăng 79.056 lượt so với giai đoạn 2006 - 2010.
Trong đó, đáng chú ý như thực hiện đề án MêKông 120 Cà Mau (Đề án đào tạo nguồn nhân lực có trình độ sau đại học ở nước ngoài của tỉnh giai đoạn 2006- 2015 bằng ngân sách địa phương), tỉnh đã chọn cử 137 ứng viên tham gia với kinh phí được duyệt đầu năm 2006 là gần 60 tỷ đồng. Đến nay, có tổng số 108 ứng viên được cử đi học (trong đó 20 ứng viên theo học chương trình Tiến sĩ và 88 ứng viên theo học chương trình đào tạo Thạc sĩ). Khi đề án kết thúc, tỉnh Cà Mau sẽ có 120 cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ sau đại học, trong đó có 20 Tiến sĩ và 100 Thạc sĩ.
Việc đào tạo trình độ đại học, trung cấp cũng đã đào tạo được 1.422 người, tăng 1.210 người so với đầu năm 2010 (đại học 684 người và trung cấp 738 người). Hiện nay có trên 80% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ từ trung cấp chuyên môn trở lên. Đào tạo lý luận chính trị từ trung cấp trở lên cho 2.387 cán bộ, công chức, viên chức, tăng 1.118 người so với năm 2010.
Sau khi có các cơ chế, chính sách về hỗ trợ kinh phí đào tạo và thu hút nguồn nhân lực của tỉnh, đến nay đã thu hút về tỉnh 1 Tiến sĩ, 14 Thạc sĩ, 1 đại học; thu hút 30 giáo viên về vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc Khmer công tác. Đến nay, cấp Tiểu học và THCS trong tỉnh đã đủ giáo viên theo định mức quy định. Các chế độ chính sách cho giáo viên mầm non, giáo viên công tác tại các cơ sở giáo dục chuyên biệt cũng được thực hiện khá tốt.
Đội ngũ y bác sĩ được nâng cao trình độ chuyên môn và y đức. Hiện 100% xã phường, thị trấn có từ 1- 2 bác sĩ, đã cơ bản đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, chất lượng khám chữa bệnh cũng được nâng lên. Dự kiến đến cuối năm 2015 bình quân có 9,8 bác sĩ, dược sĩ đại học/1 vạn dân (đứng thứ 2 khu vực ĐBSCL, sau TP Cần Thơ).
Tỉnh Cà Mau cũng cho biết, tỉnh cũng đẩy mạnh việc mở rộng hợp tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực với nhiều địa phương, các cơ sở ngoài tỉnh. Hiện nay, đã có 2 cơ sở đào tạo ngoài tỉnh liên kết mở chi nhánh tại Cà Mau, trong đó có Phân hiệu ĐH Bình Dương đã tuyển sinh, đào tạo bậc ĐH 1.974 sinh viên và sau đại học là 125 sinh viên các ngành quản trị kinh doanh, kế toán, xây dựng, công nghệ thông tin…Bên cạnh đó, còn có cơ sở của Trường ĐH Tôn Đức Thắng chuẩn bị đi vào hoạt động.
Đến cuối năm 2014, tổng số cán bộ, công chức, viên chức từ cấp huyện trở lên có 24.152 người (tăng 2.248 người so với năm 2010), trong đó có 9 Tiến sĩ (chiếm 0,03%), Thạc sĩ 423 người (chiếm 1,75%), đại học 14.974 người (chiếm 62%), cao đẳng 2.655 người (chiếm 11%), trung cấp 5.346 người (chiếm 22,13%), sơ cấp 67 người (chiếm 0,28%), chưa qua đào tạo 678 người (chiếm 2,80%). Tổng số cán bộ, công chức cấp xã là 2.166 người; trong đó trình độ trung cấp chuyên môn trở lên là 1.797 người (chiếm 82,96%).
Khuyến khích mở cơ sở đào tạo nghề và sử dụng lao động sau đào tạo
Tỉnh ủy Cà Mau cũng nhìn nhận chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn khá nhiều hạn chế như nguồn nhân lực trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao so với dân số, nhưng tỷ lệ lao động phổ thông, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp là chủ yếu; thiếu công nhân lành nghề và nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; số sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp tốt nghiệp ra trường chưa có việc làm ổn định còn cao; quản lý nhà nước về giáo dục, dạy nghề từng lúc thiếu tập trung, có lĩnh vực còn chồng chéo, đầu tư dàn trải, kém hiệu quả; chính sách thu hút những người có trình độ cao về làm giáo viên dạy nghề còn bất cập; nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, muốn cho con em theo học đại học và làm việc trong các cơ quan nhà nước hoặc tìm việc làm ở các tỉnh, thành phố có thu nhập cao.
Tỉnh ủy Cà Mau cũng đề ra một số giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời gian tới như tăng cường quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, trường lớp, gắn với kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong hệ thống giáo dục và dạy nghề; tập trung đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ,… góp phần chuẩn hóa đội ngũ cán bộ công chức; rà soát, sắp xếp, bố trí sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức đúng với chuyên môn nghiệp vụ; quan tâm sử dụng cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ trẻ.
Một trong những giải pháp ưu tiên là tập trung khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư mở các trường, cơ sở dạy nghề hoặc liên kết, phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo nghề cũng như sử dụng lao động sau đào tạo; các trường liên kết với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, ưu tiên những cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với những ngành mũi nhọn của tỉnh.
Huỳnh Hải