43 suất học bổng thạc sỹ toàn phần của Quỹ Ford
(Dân trí) - Chương trình IFP cấp 43 suất học bổng cho năm 2010 là năm cuối cùng của chương trình học bổng 10 năm (2001 - 2010). Học bổng IFP sẽ hỗ trợ toàn phần cho các chương trình Thạc sĩ tại các trường đại học chính quy ở nước ngoài.
Chương trình IFP hiện đã được triển khai tại 22 nước trên thế giới nơi Quỹ Ford có hoạt đông tài trợ. Tại Việt Nam, Trung tâm Trao đổi Giáo dục với Việt Nam (Center for Educational Exchange with Vietnam-CEEVN) quản lý chương trình này.
IFP tạo cơ hội học tập và nghiên cứu sau đại học cho các cá nhân xuất sắc, những người có khả năng sử dụng kiến thức tiếp thu được để đóng góp tích cực chuyên môn của mình cho sự phát triển của đất nước và sự công bằng về kinh tế, xã hội trên thế giới.
Chương trình IFP tích cực chiêu sinh từ các nhóm và cộng đồng xã hội thiếu cơ hội tiếp cận với các nguồn học bổng đào tạo sau đại học. Hiện nay đã có 224 công dân Việt Nam từ 53 tỉnh và thành phố (trong đó có 52 người thuộc 18 nhóm dân tộc thiểu số) đã nhận học bổng IFP học tập, nghiên cứu tại 10 nước trên thế giới; 98 người tốt nghiệp và đã trở về nước công tác.
Người dự tuyển có thể tham gia dự tuyển dành học bổng theo học chương trình Thạc sĩ thuộc 1 trong các ngành hoặc lĩnh vực nghiên cứu được liệt kê. Người trúng tuyển sẽ được theo học tại bất kỳ một trường đại học nào trên thế giới, với điều kiện họ được nhận vào học một chương trình chính quy mà IFP chấp nhận. IFP sẽ giúp đỡ sắp xếp chương trình học cho tất cả những người trúng tuyển.
IFP tạo điều kiện cho những người trúng tuyển được bổ sung thêm ngoại ngữ, qua một chương trình học tập trung từ 3 đến 5 tháng, nhằm nâng cao vốn ngoại ngữ sẵn có để đủ điều kiện theo học một chương trình Thạc sĩ ở nước ngoài.
Điều kiện dự tuyển chương trình IFP tại Việt Nam
- Đối tượng dự tuyển phải là công dân Việt Nam hiện đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, ưu tiên: Nam và nữ công dân thuộc mọi nhóm dân tộc thiểu số; Nam và nữ công dân sinh sống và làm việc tại các vùng nông thôn, các thị trấn, thị xã, và thành phố trực thuộc các tỉnh; Nữ công dân sinh sống và làm việc tại các thành phố lớn.
- Đã có bằng tốt nghiệp đại học chính quy với kết quả học tập đạt loại Trung bình Khá trở lên;
- Sau khi tốt nghiệp đại học người dự tuyển phải có ít nhất ba năm kinh nghiệm công tác có liên quan đến ngành muốn theo học và có kinh nghiệm trong các hoạt động phục vụ cộng đồng hoặc liên quan đến phát triển
- Phải chọn ngành học Thạc sĩ thuộc một lĩnh vực học thuật tương ứng với các ngành được IFP chấp nhận.
- Có kế hoạch áp dụng kiến thức sẽ tiếp thu được nhằm góp phần giải quyết các vấn đề xã hội đang được quan tâm tại đất nước mình.
- Không có người trong gia đình đã được nhận học bổng của IFP hoặc Ford Foundation.
Học bổng IFP đặc biệt ưu tiên cho các cá nhân thuộc các nhóm hoặc cộng đồng thiếu cơ hội tiếp cận với các chương trình học bổng đào tạo sau đại học. Những công dân thuộc mọi nhóm dân tộc đang sinh sống và làm việc tại các vùng khó khăn đều được khuyến khích tham gia dự tuyển chương trình học bổng IFP.
Các ngành học được IFP tài trợ
Người dự tuyển phải chọn ngành học Thạc sĩ và nội dung nghiên cứu liên quan đến một trong các lĩnh vực sau: (Không có học bổng cho Tiến sĩ) Môi trường & Phát triển, Khoa học Xã hội & Nhân văn, Y tế, Nghệ thuật & Văn hóa, Giáo dục, Quản lý Nhà nước & các Tổ chức Nhân dân, Thông tin Đại chúng, Phát triển Cộng đồng, Kinh tế
Quy trình xét tuyển
Hồ sơ đăng ký dự tuyển của người dự tuyển phải gửi tới Trung Tâm Trao Đổi Giáo Dục với Việt Nam (CEEVN) trước ngày hết hạn.
Một Hội đồng Tuyển chọn Độc lập sẽ xét duyệt những hồ sơ hoàn chỉnh, tiến hành phỏng vấn những ứng cử viên đạt tiêu chuẩn và quyết định danh sách đề xuất nhận học bổng IFP.
IFP xét tuyển dựa trên cơ sở đối tượng ưu tiên của IFP, cũng như kinh nghiệm công tác trước đấy của người dự tuyển, tiềm năng phát triển về chuyên môn, có tâm huyết phục vụ cộng đồng, đất nước và khả năng học tập, để theo đuổi một chương trình học sau đại học ở nước ngoài.
Thông tin chi tiết có thể xem tại website: http://ceevn.acls.org/ceevn/
Nguyễn Hùng