4 bước giúp giáo viên có một giáo án chất lượng

Cô Nguyễn Thị Thanh Hải - Trung tâm GDTX Tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ kinh nghiệm để có được một giáo án chất lượng đối với môn Địa lý nói riêng và các môn học khác nói chung với 4 bước cơ bản.

Xác định kiến thức cốt lõi

Sau bước đầu tiên là đọc kĩ sách giáo khoa, tóm tắt cuối bài, câu hỏi và bài tập mà sách giáo khoa đưa ra, cô Hải cho rằng, giáo viên cần xác định mục tiêu, kiến thức trọng tâm, kiến thức cốt lõi của bài.

Có người cho rằng, các kiến thức có trong bài cứ khai thác cho hết, thế là đạt mục tiêu bài học. Đó chỉ là quan niệm có tính chất đơn giản. Thực tế, việc xác định kiến thức cốt lõi rất quan trọng, quyết định hướng đi của tiết dạy.

Nếu xác định đúng, bài giảng của giáo viên sẽ trở nên ngắn gọn, tinh giản, vững chắc và đạt được mục tiêu bài học.

Xác định không đúng, bài giảng sẽ trở nên ôm đồm, dàn trải, các kiến thức trọng tâm, kiến thức cốt lõi khắc hoạ không rõ nét, phân bố thời gian không hợp lý đối với các nội dung kiến thức, mất nhiều thời gian vào các kiến thức không trọng tâm, không hoàn thành được khối lượng kiến thức và kỹ năng, không đạt được mục tiêu bài học.

Để xác định đúng mục tiêu, kiến thức trọng tâm, kiến thức cốt lõi của bài, theo cô Hải, giáo viên phải đọc kĩ nội dung sách giáo khoa và xác định vị trí của bài trong hệ thống kiến thức của chương, của giáo trình.

Trong đó, tóm tắt sách giáo khoa, câu hỏi cuối bài là gợi ý tốt về kiến thức trọng tâm, kiến thức cốt lõi mà học sinh phải nắm được sau khi học.
 
4 bước giúp giáo viên có một giáo án chất lượng

Bên cạnh đó, khi soạn giáo án, cô Hải cũng lưu ý, không nên quá lệ thuộc vào cách trình bày trong sách giáo khoa.

“Nói chung, các bài giảng được trình bày theo cấu trúc của sách giáo khoa, tuy nhiên ở một số bài có thể được trình bày theo cấu trúc khác tuỳ vào phương án giảng dạy của giáo viên, thể hiện ở các điểm như: Sắp xếp lại trình tự các phần, thêm hoặc bớt một số mục, một số kiến thức cần thiết.

Điều chủ yếu là căn cứ vào mục tiêu của bài để đưa ra cách trình bày hợp lý cho hiệu quả cao nhất” - cô Hải cho hay.

Đọc tài liệu tham khảo

Sách giáo khoa viết rất cô đọng, rất súc tích. Nếu không dành thời gian thích đáng cho việc đọc tài liệu tham khảo thì những điều chúng ta trình bày sẽ rất đơn sơ, ít có sức thuyết phục và dễ mắc phải lỗi về mặt kiến thức, điều này thấy rõ trong các trường hợp thầy giáo giảng giải các kiến thức, vận dụng kiến thức vào thực tế. Không ít giờ dạy đã rơi vào tình trạng này.

Việc đọc các tài liệu tham khảo về các nội dung liên quan đến bài giảng giúp chúng ta hiểu sâu, hiểu thấu đáo các kiến thức, điều đó làm cho việc trình bày các kiến thức của bài giảng được thực hiện một cách tự tin, chính xác, sâu sắc.

Tuy nhiên, trong giờ giảng chỉ trình bày ở một mức độ nhất định phù hợp với mục tiêu và yêu cầu của bài, của cấp học.

Có giáo viên để thể hiện bài giảng sâu bằng cách dùng kiến thức đại học để dạy cho học sinh phổ thông, điều đó chỉ làm cho bài giảng trở nên ôm đồm và mất thời gian vô ích của học sinh và đương nhiên không đạt được mục tiêu của bài học.

Bài giảng sâu thể hiện ở chỗ là làm cho học sinh hiểu rõ, hiểu đúng, nắm được bản chất của kiến thức và vận dụng được các kiến thức của bài học để trả lời các tình huống lý thuyết, bài tập và thực tiễn đặt ra.

Khi soạn bài, cần lưu ý đến tính thực tiễn, cần xác định xem những kiến thức nào của bài cần có những ví dụ minh hoạ hoặc vận dụng để giải quyết các tình huống lý thuyết, tình huống thực tiễn và bài tập đặt ra. Điều này vừa là yêu cầu của bài giảng vừa làm tăng tính sinh động của giờ dạy.

Lựa chọn phương pháp giảng dạy

Phương pháp giảng dạy cần được vận dụng linh hoạt tuỳ từng nội dung cụ thể của bài. Dù dùng phương pháp nào đều phải thể hiện được phương châm lấy học sinh làm trung tâm, rèn luyện khả năng tự học, tự nghiên cứu của học sinh.

Rèn luyện qua việc đọc thông tin, nghiên cứu hình vẽ, đồ thị, biểu đồ, bản đồ, số liệu thống kê,... trong sách giáo khoa từ đó rút ra các kết luận cần thiết phục vụ nội dung bài dạy.

Quan sát các hiện tượng trong tự nhiên và xã hội để rút ra các kết luận về mặt kiến thức hoặc để giải thích nó. Những điều này chính là điểm mới trong phương pháp dạy học hiện nay.

Trong quá trình soạn giáo án, nên cố gắng tìm cách chuyển đổi nội dung bài dạy thành các tình huống có vấn đề để dẫn dắt học sinh tự khám phá kiến thức. Điều này vừa là yêu cầu của phương pháp dạy học vừa làm tăng tính sinh động của giờ dạy.

Thực tế, có những bài, những nội dung kiến thức khó chuyển thành các tình huống có vấn đề. Trong trường hợp đó, đòi hỏi người thầy phải dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm tòi, cân nhắc.

Với sự tâm huyết và làm việc có trách nhiệm với nghề nghiệp, dần dần giáo viên sẽ có khả năng chuyển đổi các nội dung phức tạp thành các tình huống có vấn đề. 

Nhưng lưu ý, các câu hỏi đặt ra phải hợp lý, có tính định hướng, có tác dụng phát huy trí lực học sinh, tránh sử dụng các câu hỏi vụn vặt, quá đơn giản ít có ý nghĩa làm tốn thời gian và vô ích, đặc biệt tránh các câu hỏi mà học sinh chỉ cần đọc nguyên xi câu chữ có sẵn trong SGK

Theo Hải Bình
Giáo dục & Thời đại
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm