“3 chân” cùng đến trường

(Dân trí) - Suốt 5 năm qua, sinh viên Nguyễn Thị Hậu (lớp Công tác xã hội K30, Đại học Khoa học Huế) đã làm tình nguyện “đôi nạng sống” hàng ngày giúp Châu Anh, cô bạn tật nguyền được đến trường cấp 3 rồi học tiếp lên đại học.

Năm một tuổi, Châu Anh bị liệt chân phải vì tiêm thuốc kháng sinh. Lớn lên với đôi chân không lành lặn, dù không ít lần tự ti về bản thân, cô bạn tật nguyền này vẫn quyết tâm đến lớp.

Vào học lớp 10, Châu Anh làm quen với Nguyễn Thị Hậu, cô bạn gái học cùng lớp. Thông cảm với cảnh ngộ của bạn, Hậu quyết định giúp Châu Anh đến lớp. Kể từ ngày đó, Hậu đã thay gia đình Châu Anh đưa bạn đến trường trên chiếc xe đạp cũ. Dù xa trường đến 3 km, không một bữa nào Hậu xao lãng "nhiệm vụ" của mình.

Suốt ba năm học ở trường cấp III Quỳ Châu, Hậu lặng lẽ giúp đỡ Châu Anh đến trường và thầm mong cô bạn sẽ thực hiện được ước mơ vào đại học. Thời gian sắp kết thúc lớp 12, Hậu và Châu Anh cùng đặt quyết tâm thi vào ngành công tác xã hội - Đại học Huế với mong muốn sau này có thể giúp đỡ được nhiều người.

Mùa khai trường năm 2006, đôi bạn đã gặp lại nhau tại phân hiệu Đại học Huế ở Quảng Trị. Một lần nữa, Hậu xin phép gia đình Châu Anh và bố mẹ mình để hai người ở cùng phòng trọ để tiện giúp bạn đến trường. Trên chiếc xe đạp cọc cạch, Hậu lại đèo Châu Anh đến trường rồi cõng Châu Anh ngược cầu thang lên lớp. Hai năm đại học trôi qua, hai người bạn với “3 chân” vẫn hàng ngày dìu dắt nhau đi học.

“3 chân” cùng đến trường - 1

Nhưng không phải lúc nào công việc giúp bạn cũng suôn sẽ đối với Hậu. Có hôm, Hậu bị cảm nặng nhưng không muốn để Châu Anh giặt giũ, nấu ăn. Cô bạn lại gượng dậy làm việc, rồi cảm nước và ốm nặng hơn phải nghỉ học mấy ngày liền.

“Mình thật may mắn khi có người bạn như thế, Hậu không bao giờ để mình làm việc gì, chỉ một nhiệm vụ là học cho tốt”, Châu Anh nói. Được bạn tận tình giúp đỡ suốt mấy năm nay, Châu Anh không bị bỏ dở ước mơ đến trường. Cô mong muốn khi ra trường sẽ được làm việc phù hợp để giúp đỡ những trẻ em tàn tật, khó khăn tự tin vươn lên trong cuộc sống.

Trong căn phòng nhỏ nhưng gọn gàng sạch sẽ, Hậu đang chuẩn bị cho bữa cơm trưa sinh viên.

“Chăm sóc cho Châu Anh là một trong những việc đầu tiên của ngành học mà mình đã chọn”, Hậu lý giải thật giản dị về hành động rất đỗi tốt đẹp của mình.

Trần Văn Tú - Nguyễn Dương