200.000 cựu giáo chức sống ở mức nghèo khổ

GS Phạm Minh Hạc, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức cho biết, cả nước hiện có 800.000 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục về hưu, trong đó hơn 100.000 người mắc bệnh nghề nghiệp, những người về hưu trước năm 1970 hiện không được lương.

Từ thực tế trên, Quỹ Hỗ trợ cựu giáo chức giảm nghèo được thành lập với mục đích giúp đỡ vật chất và tinh thần cho những cựu giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (thu nhập dưới 200.000 đồng mỗi tháng). Hiện số tiền của quỹ khoảng 200 triệu đồng và đang chờ đón những tấm lòng hảo tâm.

Mặc dù nghèo khó, tuổi cao sức yếu, nhưng nhiều giáo viên vẫn luôn vươn lên sống có ích. Ở tuổi 90, thầy giáo già Bùi Văn Huyền (Ba Vì, Hà Tây) vẫn mở lớp học miễn phí tại nhà. Để có tiền duy trì lớp, từ năm 1973 tới nay, ông viết báo lấy nhuận bút.

“Tôi không có tiền của nên dùng sức giúp đỡ để các cháu tiến bộ, thành người công dân tốt. Nhiều phụ huynh có khả năng kinh tế muốn biếu tôi một khoản tiền nhưng tôi nhất định không lấy”, thầy Huyền nói.

Tối 18/11, tại chương trình “Vinh quang Nhà giáo Việt Nam”, Phó thủ tướng, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết, sắp tới, Chính phủ sẽ thực hiện chính sách mới về giáo dục, người nghèo được miễn phí học tập, người cận nghèo được giảm học phí còn những người dân khác theo khả năng của mình đóng góp phát triển nền giáo dục.

“Đến năm 2020, tất cả sinh viên tốt nghiệp đại học đều có thể sử dụng ngoại ngữ trong công việc, tất cả học sinh THPT có thể sử dụng ngoại ngữ trong giao tiếp bình thường. Chúng ta phấn đấu thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa miền núi và thành thị”, ông Nhân nói.

Theo Tiến Dũng
Vnexpress

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm