20 năm nuôi ước mơ vào đại học
20 năm đối với một đời người không dài cũng không phải ngắn. Nhưng 20 năm so với tuổi thanh xuân của một con người quả thật quý giá biết bao. Vậy mà anh vẫn hy vọng, chờ đợi để thực hiện ước mơ của mình dẫu cuộc đời luôn dành cho anh bao thử thách nghiệt ngã.
Nguyễn Văn Gia sinh ra ở thị xã Đồng Hới, Quảng Bình. Năm lên 10 tuổi, anh được gia đình gửi đến ở nhờ nhà bác ruột ở Hà Tây để tránh bom đạn chiến tranh. Người bác không con nên thương cháu. Chính điều đó đã làm cho người bác dâu lo sợ chồng lấy tiền cho cháu. Những lúc bác đi làm xa, ở nhà cậu bé bị người bác dâu đánh đập, hành hạ đủ điều.
Rồi một ngày, không thể chịu đựng hơn được nữa, Gia nhảy tàu tìm đường về quê. Tai nạn bất ngờ xảy ra, Gia vĩnh viễn mất đi chân phải. Bước ngoặt đau đớn đó đã làm thay đổi cả cuộc đời anh.
5 lần viết thư xin được đi học
Năm 1978, tốt nghiệp PTTH, anh Gia hăm hở đăng ký dự thi đại học nhưng hồ sơ bị trả về do quy chế nhà trường không tiếp nhận thí sinh khuyết tật. Suốt 5 năm sau đó, cứ đến mỗi mùa thi, anh viết thư gửi Thủ tướng Phạm Văn Đồng trình bày nguyện vọng được học tiếp lên đại học. Chờ đợi mãi không được, anh đánh liều nộp hồ sơ dự tuyển nhưng giấu chi tiết bị khuyết tật.
Năm đó, anh trúng tuyển vào chuyên ngành kế toán trường Trung học Ngân hàng Hà Bắc. Ước mơ tưởng như trong tầm tay, nào ngờ khi biết anh là người khuyết tật, nhà trường đã từ chối tiếp nhận hồ sơ nhập học của anh. “Đó là một cú sốc quá lớn đối với tôi. Cả năm trời, đêm nào nằm ngủ tôi cũng mơ thấy ác mộng. Nhiều lúc giật mình tỉnh giấc, ngỡ mình đang đi học, tôi cuống cuồng choàng dậy vơ lấy sách vở… rồi ngơ ngẩn nhớ ra sự thật. Thất vọng, đau khổ mãi ám ảnh cuộc đời tôi, làm tôi luôn ở trong trạng thái hoảng loạn tinh thần. Sau này, khi đã chính thức bước chân vào giảng đường Đại học, tôi vẫn không tin đó là sự thật. Đêm đêm, tôi lại nằm mơ thấy mình bị… đuổi học. Rồi lại hoảng loạn, căng thẳng…”.
Vào đại học khi đã 38 tuổi
Sau bao nỗ lực, cố gắng hết sức, cánh cửa vào đại học dường như vẫn khép lại, chối từ. Âm thầm chôn chặt ước mơ, chấp nhận cuộc sống hiện tại, anh lấy vợ, sinh con và bắt đầu với nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền”. Những năm 1990, không tìm được việc làm ở quê, nghe nhiều người nói Sài Gòn là mảnh đất lành, Gia khăn gói vào Nam.
Hành trang anh mang theo chỉ có chiếc xe đạp cũ. Không bà con thân thích, không định hướng, anh chỉ mong vào Nam để tìm công ăn việc làm, đỡ đần thêm cho gia đình. Công việc đầu tiên của anh ở xứ người là đi bán vé số. Ngày ngày anh cưỡi “con ngựa sắt” rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm từ Đồng Nai đến Thủ Đức. Khuya dậy sớm nấu cơm ăn rồi rong xe đến tối mịt mới về nhà. Mệt mỏi, gian nan là thế nhưng mỗi ngày chỉ bán được 150 - 200 tờ. Rồi anh vào làm công nhân trong một xí nghiệp dành cho người tàn tật. Một lần tình cờ đọc báo thấy giới thiệu trường dạy nghề cho người tàn tật (Trường Kỹ nghệ 2 bây giờ), mơ ước đến trường trỗi dậy trong anh. Biết anh có ý định đi học lại, Phó Giám đốc xí nghiệp mắng anh là người không biết thân phận, đứng núi này trông núi nọ và thẳng tay đuổi việc anh.
Không khuất phục, anh quay về với nghề bán vé số, âm thầm nộp hồ sơ vào học ở trường nghề. Sau 2 năm theo học ngành sửa chữa điện tử, đến năm 1998, anh tiếp tục nộp đơn thi vào Khoa Điện - Điện tử trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Anh Gia tâm sự: “Tôi chính thức bước chân vào cổng trường đại học khi đã 38 tuổi. Chưa kịp mừng thì đã phải lo. Mang tiếng vào Sài Gòn tìm việc làm phụ vợ nuôi con, giờ đi học tiền đâu gửi về cho vợ...? Rối rắm trăm bề. Cũng may bà xã thông cảm động viên mình đi học”.
Những năm tháng học đại học, anh phải thường xuyên “thổi kèn”, uống nước lã thay cơm để có tiền trang trải chi phí học tập. Thư viện không đủ chỗ cho sinh viên, anh nằm sấp trên giường học bài đến quá nửa đêm, đánh vật với từng con tính, từng môn học… để san bằng khoảng cách tri thức sau 20 năm gián đoạn. Chứng viêm đại tràng, kết quả của những ngày ăn uống kham khổ và “tật” nằm sấp mỗi khi cần suy nghĩ, tư duy “ghi dấu” khoảng thời gian làm sinh viên của anh.
Nhận được tấm bằng cử nhân sau hơn 4 năm đèn sách, trở thành giảng viên bộ môn Điện - Điện tử trường Cao Đẳng Bán công Công nghệ và Quản trị Doanh nghiệp khi đã ngoài 40, anh Gia vẫn đang miệt mài trau dồi kiến thức, cập nhật thông tin chuyên ngành để tự nâng cao tri thức. “Thời đại thông tin, mình phải học để vừa không tụt hậu, vừa tự làm mới mình và đáp ứng nhu cầu học hỏi của học trò” – anh Gia cười hiền.
Theo Đông Nghi
Người Lao Động