15 năm đi học bằng tay

(Dân trí) - Nỗi đau giáng xuống đời Long như định mệnh. Vừa tròn 8 tháng tuổi em đã bị liệt hai chân, đúng ngày tròn 2 tuổi lại phải đội tang cha. Giữa đại ngàn Trường Sơn, cậu bé này vẫn bò lết qua những ngọn đồi, con suối đi tìm con chữ.

Lăn tìm con chữ

 

Người dân ở bản Tả Ri 2, xã Húc, huyện Hướng Hoá, Quảng Trị chảy nước mắt khi thấy đứa con của bản bò lết vượt núi đến trường. Còn bà Hồ Thị Tiên - mẹ của Long, thì không còn nước mắt để khóc nữa mà chỉ thủ thỉ động viên con vượt qua đoạn trường trên hành trình đi tìm con chữ.

 

Nghe Hồ Văn Long (chàng sinh viên năm 2 - CĐSP Quảng Trị) kể về ngày đầu tiên đến lớp, có lẽ trên đời này không có đứa trẻ nào có tuổi thơ bất hạnh như em.

 

Không biết bao lần “cố gắng vượt lên số phận” đó, Long đã bị rơi như một vật tự do từ trên sườn núi. Có lần máu té cả người và Long chỉ biết ôm vết thương một mình ngồi khóc giữa núi. “Nhưng không gì buồn hơn khi nhìn bạn bè tung tăng đến lớp. Cứ mỗi lần em đòi đi học là mẹ không nói gì mà chỉ ôm em khóc. Có đêm mẹ ngồi một mình ngoài cửa nhìn về phía núi khóc nức nở. Mẹ bảo: Mẹ không xuống núi xin cho con học được, vì mẹ không biết tiếng Kinh...” - Long nghẹn ngào kể về tuổi thơ của mình.

 

Rồi một ngày, các thầy cô giáo miền xuôi lên núi dạy xoá mù. Long nhớ lại: Đứng ngoài cửa nhà rông của bản nhìn các bạn học mà em ứa nước mắt, không dám xin vào. Em lê từng bước về nhà khi trời đang đổ mưa, mách với mẹ chuyện ở bản mình có lớp học xoá mù. Sáng hôm sau lúc rạng trời, hai mẹ con ôm nhau qua nhà ông trưởng bản xin cho vào học. Thương thân phận cậu bé mồ côi tàn tật, trưởng bản Tả Ri 2 xin cho Long được tham gia học lớp xoá mù.

 

Nghịch nỗi, ngày các thầy cô giáo trở về xuôi cũng đồng nghĩa với việc Long chịu cảnh thất học. “Ngày chia tay cô giáo em buồn đến nao lòng. Ước mơ học tập tan biến. Em đau đớn như bị bại liệt lần thứ hai vậy”.

 

Để thực hiện ước mơ của mình Long vượt qua năm quả đồi từ bản Tả Ri 2 đến Trường Tiểu học xã Húc để xin học. Sau một ngày vật lộn với núi rừng Long cũng tìm gặp được thấy hiệu trưởng Trần Văn Vinh để trình bày gia cảnh và ý nguyện của mình. Cảm kích trước tấm thân gầy hiếu học của cậu bé thầy Vinh nhận em vào học như vẫn rất lo vì không biết trình độ của cậu học trò này.

 

“Đó là một buổi sáng mà suốt đời em không bao giờ quên được. Mọi người nhìn em với ánh mắt ái ngại. Có lẽ bấy giờ thầy Vinh là người hiểu em nhất, thầy đã cho em một cơ hội lớn để em thực hiện ước mơ” - Long kể.

 

Còn trong ký ức của thầy Vinh, “thấy Long hiếu học như vậy tôi quý lắm, nhưng cũng hơi lo vì sợ Long không theo kịp bạn bè. Vậy nên tôi quyết định kiểm tra trình độ em học trò đặc biệt này. Tôi thật sự bất ngờ trước những câu trả lời của Long, tuy mới chỉ học một năm xóa mù mà kiến thức em nắm rất vững. Thế là nhà trường quyết định đặc cách cho Long theo học”.

 

Long hòa nhập với môi trường mới rất nhanh, học kỳ một năm đó, Long đứng đầu lớp. Nhà cách trường hơn 10km,để Long có điều kiện học tập, thầy Vinh “linh động” cấp cho Long một phòng trọ ngay trong trường để em ở lại. “Ngày đó miếng ăn khó lắm. Mỗi tuần mẹ mang cho em mười lon gạo, mùa mưa về, nước lũ dâng cao, mẹ không kịp mang gạo ra nhiêu khi cả tuần em chỉ sống có vài lon gạo. May mà em được các thầy cô trong trường cưu mang chứ không thì…” - Long ngậm ngùi kể lại.

 

Mùa đông năm 1999, mọi người tưởng Long đã mất tích trong một lần hiếm hoi được về thăm nhà. Long đã bị cuốn trôi trong dòng chảy xiết của trận lũ quét nhưng may mắn gặp một cây gỗ bị lũ cuốn về chắn ngang đoạn sông, ngăn Long lại, Long bám được cành cây khô bò lên bờ nên thoát chết.

 

Thương tình cậu học trò tật nguyền các thầy cô ở trường đã góp tiền mua cho Long một chiếc xe lăn. Có xe lăn rồi nhưng Long đành bó tay bởi địa hình đồi dốc ở đây không thể đi được.

 

Ước mơ giản dị

 

15 năm đi học bằng tay - 1

Long miệt mài làm bài tập bên chiếc máy vi tính.

Lên lớp 9, Long được chuyển về trường THCS thị trấn Cam Lộ để tiện cho việc học hành. Lần đầu tiên được tiếp xúc với máy vi tính Long đã “kết thân” với môn học này. Ngoài giờ học chính thức ở trường, nghe đâu có mở lớp tin học là Long mò đến xin học. Vì vậy, năm lớp 10 em đã có bằng B vi tính. “Thấy máy vi tính là em mê mẩn quên cả ăn. Hồi đó, ở Cam Lộ có mở lớp tin học dành cho cán bộ huyện, em lết tới xin học cho bằng được”.

 

Rồi một ngày, ước mơ lớn nhất của cuộc đời đã đến với Long. Năm 2005, Long trở thành học sinh dân tộc Vân Kiều đầu đầu tiên đỗ vào hệ chính qui ngành Công nghệ thông tin - Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị. “Em tưởng mình không thể tiếp tục theo đuổi ước mơ học tập nhưng rất may một người hảo tâm ở Đông Hà đã cho em một chỗ ở không mất tiền”.

 

Bây giờ mẹ em cũng đỡ khổ một phần rồi vì em đã kiếm được ít tiền khi có ai thuê đi sửa máy vi tính. Nhưng tội mẹ em quá, bà không biết tiếng Kinh, nhớ con muốn về thăm cũng không dám đi. Hôm trước bão số 6 nhà bị tốc mái, không biết mẹ lấy tiền đâu để lợp lại nhà, em muốn về bên mẹ mà không thể ...” - Long nói không ra tiếng trong nước mắt.

 

Hành trình của cậu bé tật nguyền mang theo khát vọng đến giảng đường quả là gian nan. Con đường mà Long đang bước còn lắm chông gai nhưng ước mơ của em sao mà giản dị: “Ước chi mai này ra trường đem tin học trở về quê hương dạy cho đồng bào dân tộc mình...

Nguyên Linh - Hữu Khá