13 tuổi tạo ra công cụ nhằm cải thiện tỷ lệ sống ở bệnh nhân ung thư tuyến tụy
(Dân trí) - Tỷ lệ sống của bệnh nhân mắc ung thu tuyến tụy chỉ vào khoảng 9% trong 5 năm và khoảng 1% trong 10 năm - tỷ lệ này đã không cải thiện đáng kể trong 40 năm qua. Tuy nhiên, Rishab Jain, 13 tuổi, đã thay đổi những số liệu thống kê này bằng công cụ dựa trên AI – Trí tuệ nhân tạo, giúp cải thiện việc theo dõi tuyến tụy trong xạ trị.
Jain đã giành được giải thưởng Giáo dục Khám phá dành cho các nhà khoa học trẻ - Discovery Education 3M Young Scientist 2018 trị giá 25.000 USD.
Rishab Jain đang học lớp 8, đến từ Portland, Oregon. Cậu bé nói: “Tất cả bắt đầu vào mùa hè năm 2017 khi em đến thăm anh trai ở Boston, và ở đó em đã tìm hiểu một số nghiên cứu. Kết quả số liệu thống kê thấp đến mức đáng ngạc nhiên về ung thư tuyến tụy, ví dụ như tỉ lệ sống của nó.
Hiện nay, khi ung thư tuyến tụy được phát hiện ở giai đoạn cuối, các bác sĩ sẽ cố gắng sử dụng xạ trị để giúp điều trị, nhưng theo thời gian phương pháp đó không đủ hiệu quả.
Trong khi đó, em thích trí thông minh nhân tạo, vì vậy em tự hỏi liệu có thể kết hợp kiến thức của mình trong hai lĩnh vực để giúp giải quyết vấn đề hay không.
Và em đã tạo ra một công cụ dựa trên trí thông minh nhân tạo có tên PCDLS Net để cải thiện tuyến tụy trong điều xạ trị ung thư tuyến tụy”.
Jain đã liên lạc với hơn 253 bác sĩ và nhận được khoảng 30 câu trả lời từ các chuyên gia hàng đầu tại các tổ chức, trung tâm ung thư và trên toàn thế giới.
Gần tuyến tụy có các cơ quan khác như dạ dày và gan, và ngoài ra, nó cũng ở ngay dưới phổi khiến các khối u có thể di chuyển trong một số phương pháp điều trị.
Tuyến tụy cũng rất khó tiếp cận, nằm ngay tại trung tâm của bụng, bên cạnh tủy sống, vì vậy trong phẫu thuật và sinh thiết, rất khó tìm ra tuyến tụy để áp dụng điều trị bức xạ.
Công cụ của Jain có thể tìm chính xác vị trí của tuyến tụy trong chụp CT hoặc MRI và xuất kết quả ngay lập tức. Hiện tại, các bác sĩ phải sử dụng một lớp phủ khoảng 7 milimet bức xạ quanh tuyến tụy, và điều này có thể ảnh hưởng đến hàng triệu tế bào khỏe mạnh, công cụ mà Jain phát minh có thể giảm diện tích đó xuống còn khoảng 4 milimét, cải thiện chất lượng chăm sóc bệnh nhân.
Ngoài ra, Rishab Jain còn có một kế hoạch 5 năm chi tiết về cách thương mại hóa toàn cầu công cụ của mình, PCDLS Net, đồng thời giúp cải thiện tỷ lệ sống sót ung thư tuyến tụy.
Cậu nói thêm: “Tôi hình dung ra sẽ tạo dựng quan hệ đối tác với một bệnh viện, tôi sẽ cần phải tiến hành thử nghiệm lâm sàng.
Tôi muốn tiếp tục theo đuổi y học và kỹ thuật khi tôi lớn lên. Tôi đang nghĩ về việc trở thành bác sĩ phẫu thuật hoặc kỹ sư y sinh và tiếp tục nghiên cứu y học. Tôi muốn tạo ra sự khác biệt cho cuộc sống của mọi người”.
Thái Hằng
(Theo Buisiness Insider)