12 năm ăn học, dại gì đánh đổi bằng “phao”
(Dân trí) - Khác với lo ngại của nhiều người là “phao” thi sẽ được tung ra trong ngày thi thứ 2 của kỳ thi tốt nghiệp THPT với 2 môn xã hội và Địa và Sử, nhiều thí sinh tại TPHCM cho rằng: “12 năm ăn học chờ đợi, dại gì đánh đổi bằng “phao”.
Hôm nay 3/6 là ngày thi thứ 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, đây được xem là ngày thi “khó ăn điểm” với rất nhiều thí sinh khi sẽ phải vượt vũ môn với các môn xã hội Địa lý và Lịch sử. Với sự góp mặt của hai môn xã hội này trong một đợt thi, trước đó tại nhiều tỉnh thành trong cả nước đã “rộ” lên phong trao chuẩn bị “phao”. Trong khi đó, nhiều thí sinh tại TPHCM chia sẻ lý do “nói không” với “phao” thi.
Nhiều nhóm HS tại TPHCM cùng “nói không” với phao thi.
“Cách đây mấy tuần, một số người bạn em cũng chuyền tay cho em tập “phao” môn Sử và Địa thủ sẵn vì “có còn hơn không”. Tuy nhiên, sau ngày thi đầu tiên em thấy đề vừa sức, chỉ cần mình nhớ các kiến thức căn bản là đủ điểm đỗ. Vậy cớ gì phải bàn đến việc dùng tài liệu cho đau đầu, căng thẳng thêm ra”, thí sinh tên Tuấn, HS Trường THPT Trưng Vương cho hay.
Cùng suy nghĩ như Tuấn, Quốc Anh (HS trường THPT Tơ - le - man) bày tỏ dù lực học của mình không phải giỏi, các môn xã hội lại càng "yếu thế” nên khá lo lắng trong ngày thi thứ 2. Tuy nhiên, Tuấn cùng nhóm bạn của mình khẳng định việc dùng “phao” không hề xuất hiện trong đầu họ vì: “12 năm ăn học, chờ đợi mới đến ngày hôm nay, dại gì đánh đổi bằng “phao”.
Em đánh giá, trải qua ngày thi đầu tiên với đề vừa sức, trong khi giám thị làm việc cực kỳ nghiêm túc, nhiều bạn có ý định quay cóp tài liệu sẽ thay đổi ý định.
“Đề không khó, giám thị canh gắt gao lại còn mấy chú thanh tra đảo qua đảo lại liên tục, dùng “phao” quay được chữ nào chưa biết nhưng đảm bảo… “lên thớt. Chưa kể, bị lập biên bản vì quay tài liệu thì xấu hổ không biết giấu mặt vào đâu cho hết, rồi còn đối mặt với bố mẹ nữa. Tự sức mà làm cho lành”, Quốc Anh cảnh báo.
Em Trần Quế Hân (Trường THPT Lương Thế Vinh) chia sẻ hầu hết bạn bè mình đều không có ý định dùng phao trong các môn thi xã hội như thông tin “phao” tràn ngập trước đó. Thí sinh này công nhận, số đông thí sinh bây giờ học ban A, nên quả thật rất “ngại” các môn xã hội yêu cầu phải nhớ, học thuộc và trình bày trôi chảy.
Tuy nhiên theo Hân, thi tốt nghiệp không phải là một cuộc đua thành tích mà chỉ là dịp để khảo sát năng lực của mỗi người với cửa ải kiến thức cơ bản nhất. Các môn xã hội nếu không đạt điểm cao thí sinh vẫn hoàn toàn có thể cố gắng ghi điểm ở những môn thế mạnh của mình để bù vào những môn yếu hơn là đã qua nổi tốt nghiệp.
“Em nghĩ chỉ cần nhớ các kiến thức cơ bản là mình đã làm được bài, đủ điểm để qua dễ dàng. Còn mang tài liệu, nếu không bị bắt thì cũng căng thẳng, lo sợ mất hết tự tin còn đâu tâm trí làm bài. Còn nếu bị bắt thì uổng công học bao nhiêu năm mà em chắc là không ai qua được mắt giám thị đâu nên đừng tự mình tước đi cơ hội của bản thân”, Hân phân tích.
Một thí sinh Trường THPT Phan Đăng Lưu thật thà cho biết, trước đó thấy bạn bè chuẩn bị nhiều “ruột mèo”, em cũng mua hết 65.000 đồng hai cuốn nhỏ li ti “đề phòng”. Nhưng khi hai môn Văn và Hóa làm bài rất tốt, hơn nữa sau khi “thám thính” thấy tình hình giám thị làm rất gắt, em bỏ ngay ý định “chết người” đó. “Em nghĩ đề chắc cũng không khó, cố gắng được điểm trung bình là ổn. Giờ nhét tài liệu vào người, tim đập chân run làm viết chữ còn không nổi thì làm được gì nữa”.
Thí sinh tại hội đồng thi trường Trần Đại Nghĩa nghe phổ biến nội quy phòng thi.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT ở các năm trước, hầu như đều có tình trạng thí sinh bị đình chỉ vì sử dụng tài liệu trong các môn thi xã hội. Theo quy định, thí sinh mang tài liệu vào phòng dù chưa sử dụng cũng sẽ bị đình chỉ thi ngay lập tức.
Sáng qua 2/6, trong lễ khai mạc kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012 tại TPHCM, ông Lê Hồng Sơn - giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM nhắn nhủ các thí sinh, với kỳ thi tốt nghiệp, chỉ với lực học trung bình và tâm lý tốt, các em học sinh đều có thể vượt qua được kỳ thi này. Vì thế một trong những điều các em cần chú ý là chấp hành nội quy, quy chế phòng thi để tránh những sai sót đáng tiếc.
Hoài Nam