12 học giả đầu tiên của Quỹ Giáo dục Việt Nam

(Dân trí) - Chiều 11/6, tại TPHCM, Quỹ Giáo dục Việt Nam VEF đã có buổi họp báo giới thiệu 12 học giả đầu tiên của Chương trình Trao đổi Học giả.

“Đây thực sự là những học giả có năng lực trong các ngành khoa học kỹ thuật tại Việt Nam mà chúng tôi chọn được trong khóa đầu tiên của chương trình này. Họ đã trải qua một quy trình tuyển chọn rất cạnh tranh và minh bạch”- Tiến sĩ Võ Văn Tới, Giám đốc điều hành VEF cho biết.

 

Chương trình Trao đổi Học giả (VSP) là chương trình mới của VEF dành cho các công dân Việt Nam đã có bằng tiến sĩ các ngành khoa học tự nhiên, công nghệ, kỹ thuật và toán học.

 

Quỹ Giáo dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation - VEF) được thành lập theo 1 đạo luật của Quốc hội Hoa Kỳ năm 2000.

 

Theo đó, hàng năm Quốc hội Hoa Kỳ dành 5 triệu USD cho việc hỗ trợ giáo dục và đào tạo tại Việt Nam trong các lĩnh vực: khoa học, y tế, toán học và công nghệ cho tới năm 2018.

Chương trình này được xây dựng nhằm hỗ trợ việc đào tạo phát triển chuyên môn của các học giả bằng các hoạt động học tập, nghiên cứu và quan sát, được phối hợp thực hiện với các cơ sở giáo dục hàng đầu tại Hoa Kỳ.

 

Sau khi trở về nước, các học giả sẽ đào tạo lại cho những người khác những kỹ năng đã học tập được. Đây là một chương trình đào tạo theo phương pháp đào tạo lại.

 

Mỗi học giả của chương trình sẽ được hỗ trợ 2.000 USD/tháng trong suốt khóa học (từ 3 - 12 tháng); 1.500 USD (chương trình học dưới 6 tháng) hoặc 3.000 USD (chương trình học từ 6 - 12 tháng) cho chi phí tài liệu, thiết bị học tập; 2.500 USD cho các chi phí tham dự các hội thảo chuyên ngành; và nhiều chi phí khác cũng được hỗ trợ như: vé máy bay, khách sạn, xin visa…

 

Tùng Nguyên