Quảng Ngãi:
1.000 giáo viên tiểu học mất chỗ làm việc
Việc học sinh tiểu học ở Quảng Ngãi giảm đột ngột từ 3 năm qua, đã đẩy 1.000 giáo viên đang dạy ở cấp học này rơi vào tình cảnh ngặt nghèo: Về hưu thì chưa đủ tuổi, mà ở lại thì không có học trò.
Học sinh tiểu học giảm mạnh
Tỉ lệ tăng dân số giảm đã dẫn đến lượng học sinh tiểu học giảm, song các trường cao đẳng và trung học sư phạm thì lại vẫn rộng cửa để... tuyển sinh. Ba năm trở lại đây, khi tình trạng dôi dư giáo viên tiểu học đã báo động đỏ, thì họ mới khép cánh cửa tuyển sinh lại. Kết quả tất yếu là số giáo viên tiểu học ngày một dôi ra.
Năm học 2003-2004, tỉnh Quảng Ngãi giảm 13.000 học sinh tiểu học (tính tròn số); năm 2004-2005, giảm 10.000 em nữa; đến năm học này, chưa có con số cụ thể, nhưng ước chừng sẽ giảm 13.000 em. Như vậy, trong 3 năm qua, Quảng Ngãi đã giảm 36.000 học sinh tiểu học.
Nếu tính theo "chuẩn" của ngành giáo dục, một lớp học ở cấp tiểu học 30 em thì phải có 1,15 giáo viên tương ứng, thì việc giảm từng ấy học sinh đã và sẽ kéo theo khoảng trên 1.000 giáo viên không có học sinh để dạy.
Các trường đều lúng túng
Biện pháp đầu tiên để giải quyết tình trạng thừa giáo viên tiểu học là từ 3 năm qua, ngành giáo dục chỉ chừa một khe rất nhỏ cho việc tuyển sinh giáo viên tiểu học. Họ chỉ mở các lớp đào tạo giáo viên dạy nhạc và hoạ, là những môn đang thiếu.
Biện pháp tiếp theo là phòng giáo dục các huyện đều đóng sập các cửa tuyển dụng giáo viên tiểu học. Đối với các trường tiểu học, ban giám hiệu vô cùng khó xử vào mỗi mùa khai giảng, khi học sinh tiểu học vơi dần mà giáo viên của trường thì còn nguyên đó. Việc chọn ai trong số giáo viên hiện có thành người "dôi dư" cũng đã là việc vô cùng khó.
Các trường đã buộc phải làm những chuyện chẳng đặng đừng: Chuyển một số giáo viên có năng khiếu về âm nhạc và hội hoạ sang dạy các môn này; nếu giáo viên trường nào không có năng khiếu về hai môn này thì gửi đi học.
Một số giáo viên khác thì chuyển sang làm thư viện, làm văn phòng hoặc có những giáo viên chỉ làm mỗi một việc là... nghe điện thoại, như cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hoa ở Trường Tiểu học Bình Thanh Đông, huyện Bình Sơn chẳng hạn. Đối với miền núi, nhiều giáo viên phải dạy các lớp ghép; nghĩa là, trong một phòng học có đến 2-3 lớp khác nhau.
Đâu là lối thoát?
Dù các trường "phủi nóng" bằng các biện pháp kể trên, song số giáo viên dôi dư thì vẫn tiếp tục tăng vào mỗi năm học. Hiện tại, trong số 1.000 giáo viên dôi dư nói trên, có rất nhiều người đã ở vào tuổi cập kề nghỉ hưu, song các chế tài và quy định để mở cho họ lối thoát thì vẫn không có.
Một giáo viên muốn nghỉ hưu trước tuổi cần phải có một trong hai điều kiện sau đây: Thứ nhất, trong 2 năm gần đây, giáo viên đó phải "nghỉ ốm" 60 ngày, được xác nhận của cơ quan y tế và được bảo hiểm xã hội chi trả lương. "Tiêu chuẩn" này không có mấy người đạt.
Thứ hai, trong hồ sơ nhận xét của cơ quan chủ quản, cụ thể là hiệu trưởng, giáo viên đó phải là người "không hoàn thành nhiệm vụ". Chắc chắn, không một giáo viên nào muốn "hưu non" mà lại để cho người ta "phê" vào hồ sơ của mình những dòng như thế.
Giải pháp cuối cùng mà ông Lê Văn Vĩnh - Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Quảng Ngãi đưa ra chỉ là... hy vọng: "Đến năm 2008, rất nhiều giáo viên sẽ đến tuổi nghỉ hưu!". Nhưng đợi "giải pháp thời gian" này những 3 năm nữa, 1.000 giáo viên biết đi đâu, về đâu?
Theo Trần Đăng
Lao Động