10 năm “nhử ống lươn” nuôi con vào giảng đường
(Dân trí) - Dù mưa nắng, giông bão hay lũ lụt, 2 vợ chồng Hợp Lan đều ở ngoài ruộng bắt từng con cá, con cua, con lươn…Khổ vậy nhưng ông bà vẫn cố gằng hết mình nuôi con ăn học thành tài. Nhưng chặng đường đó không phải lúc nào cũng suôn sẻ!
“Cái nghề sinh ra từ cái khổ”
Con đông, gia đình khó khăn, hai vợ chồng đều thuộc diện bệnh binh 2, mất sức trên 60% nhưng vẫn không ngừng lao động kiếm từng đồng tiền nuôi 4 đứa con ăn học nên người. Vì cái chữ, vì những bữa thiếu ăn mà hai vợ chồng đã trải qua không biết bao nhiêu nghề để cuối cùng đưa đẩy thế nào mà nổi tiếng với cái tên “Hợp Lan lươn trúm”.
“Vượt hàng trăm cây số lên Tương Dương, Con Cuông…vào rừng ăn trộm củi đem đi bán. Nhưng “Đi đêm lắm có ngày gặp ma” làm được 3 năm thì bỏ nghề”, ông nói. Rồi chuyển sang làm nghề xe lai cũng chỉ hơn năm thì nghỉ vì sức khỏe yếu. Theo một lời khuyên của người bạn thân, hai vợ chồng chuyển nghề mới “nhử ống lươn”.
“Thấy nó cũng nhẹ nhàng, chịu khổ một tý cũng kiếm được kha khá tiền. Hai vợ chồng tôi quyết “sống còn” với nghề. Mười năm năm lăn lộn ngoài ruộng, mất ăn, mất ngủ người thì ngày một héo mòn đi nhưng vì cái chữ cho con thì vất vả mấy cũng chịu được”, ông nói.
Một ngày như vậy ông bà cũng thu vén được 50.000đ -80.000đ. Bảy miệng ăn trông chờ vào những con lươn.
Cái nghề lươn trúm từ đó cũng nổi tiếng khắp nơi. “Nổi tiếng không phải nhiều tiền mà vì cái đồng tâm chịu khổ của hai vợ chồng, cái mùi tanh khi ai đó đến nhà chơi không quá 10 phút là họ chào tạm biệt ra về”, ông Hợp vui vẻ nói.
Đưa 4 con đi thi đại học
Bốn người con đứa nào cũng học giỏi nổi tiếng cả xã và cũng đồng nghĩa với việc bố nó cùng con đi thi đại học!
Năm 1998, Trần Quang Tình cùng bố vào Nam ra Bắc, kết quả đậu 3 trường: ĐH Đà Lạt, Huế, Luật Hà Nội. Hồi đó, anh đã trở thành đề tài cho bà con trong xã mỗi lần nói chuyện nhưng học được 2 năm ĐH Đà Lạt thì Tình bị đuổi vì tội “Thi hộ đại học. Gia đình quá sốc nhưng đành cắn răng chịu đựng. Đình chỉ thi một năm, anh ở nhà đi đào trùn, bắt cua nhử lươn.
Năm 2001, hai bố con lại ra Bắc. Thật bất ngờ, anh đậu tiếp 3 trường: Luật HN, SP Thái Nguyên, CĐ Vinh. Niềm vui hòa lẫn nỗi buồn, con đậu nhưng luôn lo sợ. Ngày lên đường nhập học, ông phải cất công đưa anh ra tận trường Thái Nguyên và dặn dò không biết bao nhiêu điều.
Hiện anh đang công tác tại trường THCS Hợp Lý - Lập Thạch - Vĩnh Phúc. Năm 2007 anh được nhà trường trao bằng giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.
Ở cái tuổi 55 ông Hợp tiếp tục đưa hai cô con gái đi thi. Lần thứ nhất không đậu ông động viên con tiếp tục thi lần hai: “Cùng con đi thi ĐH nhờ vậy mà tôi mới được đi đây đi đó” ông cười kể lại.
Nguyễn Thị Quê và Nguyễn Thị Thắm hiện đang công tác tại khoa điều dưỡng bệnh viện Thái Bình Dương ở Quảng Nam. Còn cậu con út Trần Quang Thiết đang học lớp 12 sắp tới ông lại tiếp tục đưa con đi thi ở cái tuổi lục tuần.
Mười năm đi nhử ống lươn nuôi con vào giảng đường đầy gian truân, vất vả nhưng vui vì ba đứa con đều thành đạt. Ở cái tuổi ngũ tuần nhưng vẫn cùng hai chiếc xe đạp cộc cạch ra đồng nhử ống lươn. Khi hỏi “Con cái đã trưởng thành đã có nghề nghiệp ổn định. Sao ông bà không nghỉ đi?”, ông vẫn nói: “Còn sức thì tôi vẫn làm. Như vậy để con cái thấy bố mẹ vất vả mà cố gắng”.
Với chặng đường nuôi con ăn học vất vả năm 2005 gia đình ông đã được xã Xuân Sơn cấp bằng “Gia đình hiếu học”
Trương Hoa