TPHCM dành hơn 408 tỷ đồng phổ cập, nâng cao tiếng Anh cho HS

(Dân trí) - Hôm nay 25/6, Sở GD-ĐT TPHCM bắt đầu triển khai đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dùng tiếng Anh cho học sinh thành phố năm học 2012 - 2013. Tổng kinh phí để thực hiện đề án này là hơn 408 tỷ đồng.

Trong đó, hơn 336 tỷ đồng là kinh phí xây dựng phòng học ngoại ngữ và trong thiết bị; còn lại hơn 72 tỷ đồng là kinh phí cho các chương trình đào tạo.
Theo đề án, dự kiến năm học 2012 - 2013 thành phố sẽ tuyển 100 giáo viên tiếng Anh bản ngữ. Đối với giáo viên bản ngữ, yêu cầu phải có bằng cử nhân sư phạm và một trong các chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh cho người nước ngoài như: TESOL, TKT, TEFT... Từ nay đến hết năm 2020, phấn đấu mỗi trường có ít nhất một giáo viên (GV) bản ngữ.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, số lượng GV tiếng Anh người Việt hiện có trong năm học 2011 - 2012 là 4.020 GV. Dự kiến, sẽ tuyển thêm 762 GV, ưu tiên người tốt nghiệp ĐH Sư phạm, ngành Sư phạm tiếng Anh ở các trường đại học có chứng chỉ:

Đối với GV Tiểu học, THCS: có chứng chỉ FCE tổi thiểu 60 điểm hoặc chứng chỉ TOEFL iBT do Viện khảo thí giáo dục hoa kỳ (ETS) cấp tương đương trình độ B2, hoặc chứng chỉ IETS tối thiểu 5.5 điểm, hoặc chứng chỉ CAE tối thiểu 45 điểm hoặc các chứng chỉ khác được công nhận tương đương đạt năng lực ngoại ngữ bậc 4 (B2) trở lên theo Khung tham chiếu năng lực ngoại ngữ chung châu Âu.

Đối với GV THPT, GDTX, CĐ và TCCN: có chứng chỉ FCE tối thiểu 80 điểm hoặc chứng chỉ TOEFL iBT do ETS cấp tương đương trình độ C1 hoặc chứng chỉ IETS tối thiểu 6.5 điểm hoặc chứng chỉ CAE tối thiểu 60 điểm. Hoặc các chứng chỉ khác được công nhận tương đương đạt năng lực ngoại ngữ bậc 5 (C1) trở lên theo Khung tham chiếu năng lực ngoại ngữ chung châu Âu.

Bên cạnh đó tiếp tục tổ chức khảo sát chứng chỉ FCE và bồi dưỡng cho GV các cấp học. Ông Nguyễn Hoài Chương - phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết sẽ bằng mọi cách để nâng chất lượng đội ngũ GV hiện có lên chứ không loại bỏ họ. Ngoài việc tổ chức lớp bồi dưỡng thì vấn đề tự học của GV rất quan trọng nhưng phải có chế độ để khuyến khích GV tích cực tham gia. Ông Lê Hồng Sơn - giám đốc sở GD-ĐT cho biết Về phần chế độ chính sách cho đội ngũ GV thì trong đề án cũng nêu rõ kinh phí gồm 50% ngân sách cấp và 50% là xã hội hóa thì các chương trình tiếng Anh được thực hiện theo khung rất thoáng. Sở đã tính toán để tạo điều kiện tốt nhất để thu hút, giữ chân các GV tiếng Anh dạy ở các trường. Ông Sơn nhấn mạnh: “Yên tâm là có cơ chế để tăng thêm điều kiện để trường tổ chức hoạt động trong đó có việc trả thù lao cho GV và đồng thời GV tiếng Anh đạt chuẩn trình độ sẽ được đề nghị cấp chế độ tương đương GV dạy các trường chuyên (tức được phụ cấp thêm 70% lương tháng)”.

Theo phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Hoài Chương, đề án này là một chương trình được thành phố đầu tư rất lớn. Trong đó, bậc tiểu học là bậc cực kỳ quan trọng là nền tảng cho các bậc học sau, nếu làm tốt chì chất lượng ở các bậc sau sẽ rất cao. Theo kế hoạch của đề án, năm học 2012 - 2013 mục tiêu sẽ có 100% các trường ở bậc học này đều có dạy 1 trong các chương trình tiếng Anh cho học sinh. Cụ thể là: Chương trình tiếng Anh theo đề án 2020 của Bộ GD-ĐT; chương trình tiếng Anh tăng cường; chương trình tiếng Anh tự chọn. Thời lượng tiết học các chương trình được thiết kế 4 tiết trở lên/tuần, riêng chương trình tiếng Anh tăng cường thì thời gian học là 8 tiết/tuần.

Còn lại, ở bậc học THCS ngoài chương trình tiếng Anh của Bộ GD-ĐT (3 tiết/tuần) thì có thêm chương trình tiếng Anh tăng cường (8 tiết/tuần) và chương trình tiếng Anh mới thí điểm của Bộ GD-ĐT theo đề án 2020 (3 tiết/tuần). Bậc THPT cũng gồm chương trình tiếng Anh của Bộ GD-ĐT, chương trình tiếng Anh tăng cường; đặc biết là chương trình dạy và học các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh (dành cho học sinh lớp 10).

Tài liệu để giảng dạy chỉ được sử dụng một trong ba tài liệu của Nhà xuất bản Oxford, nhà xuất bản Pearson và Nhà xuất bản Giáo dục.

Lê Phương