Thí sinh khó đạt điểm tuyệt đối ở đề thi tổ hợp Khoa học tự nhiên đợt 2

Nguyễn Quỳnh

(Dân trí) - Đề thi các môn tổ hợp Khoa học tự nhiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đợt 2 phân hóa rõ. Thí sinh nắm vững kiến thức SGK dễ dàng đạt 5-5,5 điểm nhưng khó đạt mức tuyệt đối.

Môn Hóa: Nắm vững kiến thức SGK thì dễ dàng đạt 5-5,5 điểm

Cô Nguyễn Thị Tùng Diệp, giáo viên môn Hoá học, Trường THPT Thăng Long (Hà Nội) nhận định, so với đợt 1, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2020 môn Hóa học đợt 2 giữ nguyên tỉ lệ số câu hỏi lý thuyết/bài tập là 30/10.

Độ khó cũng tương đương khi đề chỉ có 3 câu hỏi ở mức độ vận dụng cao tập trung khai thác kiến thức hóa học hữu cơ học kì I lớp 12. Các kiến thức hóa học vô cơ ở học kì II lớp 12 được đưa vào đề chỉ ở mức độ cơ bản.

Theo cô Diệp, điều này phù hợp với thực tế dạy và học của học kì II trong bối cảnh bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19, đồng thời, bám sát với chương trình tinh giản mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố.

Cụ thể, tỉ lệ số câu hỏi ở mức độ biết - thông hiểu/vận dụng/vận dụng cao thay đổi không đáng kể (đề lần 1 là 29/8/3; đề lần 2 là 28/9/3). Đồng thời, tăng tỉ trọng số lượng câu hỏi thuộc chương trình hóa học lớp 11 (đề lần 2: 8 câu; đề lần 1: 5 câu).

Thí sinh khó đạt điểm tuyệt đối ở đề thi tổ hợp Khoa học tự nhiên đợt 2 - 1

Đề thi các môn tổ hợp Khoa học tự nhiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đợt 2 phân hóa rõ.

Đánh giá chung, cô Diệp cho rằng, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2020 môn Hoá học đợt 2 phù hợp với tiêu chí xét tốt nghiệp THPT. Thí sinh chỉ cần nắm vững kiến thức sách giáo khoa (SGK), học sinh dễ dàng đạt được điểm 5 - 5,5.

Đồng thời, đề cũng có tính phân hóa rõ khi một số câu hỏi ở mức độ vận dụng và vận dụng cao đòi hỏi học sinh phải nắm vững kiến thức, có kĩ năng giải toán tốt mới giải được, theo đó, đáp ứng được tiêu chí xét tuyển sinh vào các trường đại học và cao đẳng.

Đề Sinh học: Có câu hỏi liên quan đến dịch Covid-19

Nhận xét đề thi môn Sinh học (mã đề 221) đợt 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, cô giáo Vũ Thị Sen (trường THPT Trần Nhân Tông, Hà Nội) cho rằng: Nội dung đề thi khá tương đồng với đề môn Sinh học đợt 1 và sát với đề minh họa đã được Bộ GD&ĐT công bố trước đó.

Cách đặt câu hỏi trong đề thi khá quen thuộc, không làm khó, không đánh đố, không có hiện tượng “Toán học hóa Sinh học”.

Cô Chu Thị Thu Hương, giáo viên Trường THPT Việt Nam - Ba Lan (Hà Nội) cho biết thêm, đề thi có câu hỏi mang tính thời sự, như câu 109 có nội dung liên quan đến dịch Covid-19.

Để trả lời được câu hỏi này, đòi hòi thí sinh phải cập nhật thực tế về đại dịch này. Đây thực chất là câu dễ để học sinh “ăn điểm” nhưng đồng thời cũng giúp các em hiểu việc học kiến thức ở nhà trường có thể gắn với giải quyết các vấn đề trong thực tế cuộc sống.

Theo cô Hương, đề thi có sự phân hóa từ câu 112 - 120. Độ khó tăng lên để phù hợp với xét tuyển đại học, cao đẳng. Đặc biệt, 4 câu cuối của đề thi có độ phân hóa cao.

Thí sinh khó đạt điểm tuyệt đối ở đề thi tổ hợp Khoa học tự nhiên đợt 2 - 2

Thí sinh nắm vững kiến thức SGK dễ dàng đạt 5-5,5 điểm tổ hợp KHTN nhưng khó đạt mức tuyệt đối.

Thí sinh khó đạt điểm tuyệt đối

Theo giáo viên dạy môn Vật lý của một số trường THPT nhận định, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2020 môn Vật lý đợt 2 có độ khó tương đương đề đợt 1, đảm bảo mục tiêu xét tốt nghiệp và có sự phân hoá để tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Giáo viên Nguyễn Thùy Linh, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đánh giá, đề thi môn Vật lý đợt 2 nhìn chung có cấu trúc tương tự đề đợt 1 và như các năm trước.

Đa số các câu hỏi thuộc chương trình lớp 12, khoảng 5 câu thuộc chương trình lớp 11 chiếm khoảng 12,5%.

Có 32 câu ở mức độ biết và vận dụng thấp. 8 câu cuối ở mức độ vận dụng và vận dụng cao, có sự phân hóa, nội dung kiến thức chủ yếu thuộc chương trình học kỳ 1 của lớp 12.

Các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao yêu cầu học sinh nắm vững và vận dụng linh hoạt kiến thức đã học và có kỹ năng làm bài tốt.

Cô Đặng Thu Hà, giáo viên Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội) cũng đồng quan điểm trên. Theo cô Hà, cấu trúc đề thi môn Vật lý đợt 2 tương đối sát với cấu trúc đề minh họa của Bộ GD&ĐT.

Đề được sắp xếp theo mức độ từ dễ đến khó, câu hỏi khoa học, rõ ý, không gây khó khăn hiểu nhầm cho học sinh khi lựa chọn các phương án trả lời. Điều này thuận lợi cho học sinh trong quá trình làm bài. Các em có thể làm tuần tự từ câu đầu tiên cho đến những câu cuối cùng.

Khoảng 15% câu ở mức vận dụng cao ở đề đợt 2 có độ khó tương đương với các câu vận dụng cao ở đề đợt 1. 

Về kết quả, cô Thùy Linh nhận định: “Theo đánh giá của cá nhân tôi thì điểm trung bình của các thí sinh là khoảng 7 điểm. Các học sinh nắm vững kiến thức cơ bản và tính toán cẩn thận có thể đạt 8 điểm. Tương tự như đề đợt 1, thí sinh cũng sẽ khó đạt điểm 10 tuyệt đối.”

Còn theo cô Thu Hà, với đề thi như vậy, học sinh học cơ bản có thể đạt được khoảng điểm 7-8, học sinh khá giỏi có thể đạt điểm 8-9, điểm 10 nếu có cũng không sẽ không nhiều, phổ điểm có thể rơi vào mức điểm 7-8 và có thể giống với phổ điểm của đề thi đợt 1.

Cô Thuỳ Linh và cô Thu Hà đều cho rằng, đề chưa có nhiều câu hỏi mang tính ứng dụng thực tế, câu hỏi liên quan đến thực hành cũng chỉ ở mức thông hiểu; không có khác biệt so với đề đợt 1 và đề thi các năm trước.