Thay đổi về chất cho nguồn nhân lực nghề chất lượng cao

(Dân trí) - Tổng cục dạy nghề vừa cử 96 giảng viên ở nhiều trường ĐH, CĐ nghề sang Malaysia học kỹ năng nghề. Đây là lớp học thí điểm đầu tiên của cả nước thực hiện đào tạo nghề chất lượng cao.

Lớp học thí điểm này là công việc đầu tiên trong Bản ghi nhớ thỏa thuận của việc hợp tác trong các chương trình đào tạo nghề giữa Tổng Cục dạy nghề - Bộ Lao động và Thương binh Xã hội, Tập đoàn giáo dục quốc tế SEG - Malaysia và Công ty Cổ phần tiến bộ quốc tế (AIC) vừa ký kết.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề, cho biết: “Mục đích của bản ghi nhớ này là các bên cùng thống nhất tìm kiếm cơ hội hợp tác với nhau trong lĩnh vực dạy nghề, bao gồm: Tư vấn đưa ra các giải pháp dạy nghề, đáp ứng nhu cầu nhân lực có tay nghề cho phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam; Tư vấn về hệ thống chuẩn giáo viên dạy các nghề đạt tiêu chuẩn quốc tế và khu vực; xây dựng các chương trình giảng dạy, phần mềm giảng dạy cho một số nghề đào tạo đầu tư cấp độ quốc tế và khu vực; Tư vấn đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị cho việc dạy và học nghề tại Việt Nam theo các chuẩn; Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề như bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề, đào tạo ngoại ngữ…”.
 
Thay đổi về chất cho nguồn nhân lực nghề chất lượng cao - 1
Những giảng viên trẻ Việt Nam tại Trung tâm đào tạo kỹ năng nghề CIAST thuộcTập đoàn giáo dục quốc tế SEG - Malaysia.

Gặp gỡ với đoàn báo chí Việt Nam sang thăm nơi đào tạo kỹ năng nghề thí điểm cho 96 giảng viên Việt Nam tại Trung tâm CIAST của Tập đoàn giáo dục quốc tế SEG - Malaysia, giảng viên, thạc sĩ Nguyễn Minh Sự, trường CĐ Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc hồ hởi cho biết: “Sang đây chúng tôi được học cách thức tổ chức lớp học, rèn luyện kỹ năng thực hành nghề đạt chuẩn khu vực và nâng cao trình độ ngoại ngữ. Đây là cơ hội tốt cho chúng tôi, bởi ở Việt Nam chưa có điều kiện thực hành nhiều”.

Còn giảng viên Nguyễn Đăng Thọ, khoa Điện tử trường CĐ nghề Cơ điện Phú Thọ, tâm sự: “Ở đây công nghệ mới hơn Việt Nam vì công nghệ họ được đầu tư đồng bộ. Sang đây học chúng tôi mở mang được nhiều kiến thức, nâng cao được kỹ năng nghề và kỹ năng sử dụng trang thiết bị”.

Nhận xét về chương trình học, giảng viên Ôn Thị Chung, khoa Điện trường CĐ nghề Kỹ thuật công nghệ, cho hay: “So với Việt Nam, mặt bằng thiết bị xưởng kỹ thuật ở đây đồng đều và hiện đại hơn rất nhiều. Về mặt đào tạo khác hẳn Việt Nam. Ở Malaysia họ lồng ghép lý thuyết với thực hành song song với nhau chứ không như ở mình trang bị lý thuyết trước thực hành sau. Ở Việt Nam học thực hành theo nhóm còn ở đây mỗi học viên được thực hiện trên bài thực hành riêng. Sang đây học tôi cho đó là bước đột phá về kỹ năng nghề. Mục tiêu học của chúng tôi là đạt được kỹ năng chuẩn của khu vực”.

Được biết, Tập đoàn giáo dục SEG có trường ĐH SEGI là 1 trong 3 trường trên tổng số 400 trường ĐH của Malaysia xếp hạng 6 sao, dẫn đầu trên cả nước về chất lượng đào tạo. Hiện trường có 27.000 sinh viên đang theo học. Tổng diện tích của trường khoảng 10 mẫu Anh và Chính phủ Malaysia vừa cấp 26 ha để xây dựng trung tâm giáo dục tầm cỡ quốc tế. Thế mạnh đào tạo của trường là các ngành nghề Nghệ thuật và Nhân văn, Khoa học Xã hội và Luật, Toán học, Máy tính, Y học, Dược, Khoa học, Dịch vụ, Quản lý khách sạn ngành nghề…

Trao đổi với Dân trí, ông Bruce Lim, Phó Chủ tịch thường trực Ban phát triển Tập đoàn SEG, cho biết: “Tập đoàn SEG tập trung vào lĩnh vực đào tạo chất lượng, coi trọng phần cứng và phần mềm. Phần cứng là giáo viên, sinh viên, cơ sở vật chất và phần mềm là trí tuệ và tâm huyết. Đây là 2 yếu tố thành công của SEG. Bên cạnh đó, không chỉ tạo môi trường học tập, bằng cấp cho sinh viên mà chúng tôi liên kết với nhiều ngành nghề để tạo việc làm ngay khi sinh viên khi ra trường”.
 
Thay đổi về chất cho nguồn nhân lực nghề chất lượng cao - 2
Quang cảnh trường ĐH SEGI - Malaysia.

Nói về hợp tác giữa SEG và Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế (AIC) Việt Nam, ông Bruce Lim cho hay: “AIC là Công ty lớn của Việt Nam được Tổng Cục dạy nghề ủy quyền thực hiện việc hợp tác đào tạo này. Tập đoàn SEG được Chính phủ Malaysia ủy thác cho SEGI đào tạo chuẩn giáo viên và cùng hợp tác liên kết với Việt Nam thực hiện đào tạo kỹ năng nghề cho nguồn nhân lực mỗi nước bởi chúng tôi đã xây dựng được chương trình chuẩn từ giáo dục mầm non tới đại học. Chuẩn của đào tạo nghề tại Malaysia chúng tôi là chuẩn theo khu vực và quốc tế. Tôi được biết, chuẩn kỹ năng nghề ở Việt Nam là từ bậc 1 - 5 nhưng ở Malaysia chúng tôi là từ 1 - 8”.

Thứ trưởng Bộ Lao động thương binh và Xã hội Nguyễn Ngọc Phi đánh giá cao đội ngũ cao cấp của trường SEGI không chỉ có cơ sở đào tạo rộng lớn, trang thiết bị dạy nghề hiện đại mà kinh nghiệm giảng dạy, đào tạo chất lượng.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi cho hay: “Trường Đại học SEGI có thể đáp ứng được các yêu cầu đào tạo nghề rất tốt, đặc biệt là vốn ngoại ngữ. Chương trình đào tạo nghề của SEGI hoàn toàn đáp ứng với yêu cầu cho công tác dạy nghề của Việt Nam”.

Hồng Hạnh