Thành tựu của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế - 50 năm nhìn lại

(Dân trí) - Với những dấu ấn và thành tựu đã đạt được trong 50 năm qua,Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế đã và đang ươm mầm cho nhiều thế hệ tài năng trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

PGS.TS Trần Văn Hòa, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Huế cho biết, cách đây 50 năm, vào năm 1969, Khoa Kinh tế nông nghiệp (tiền thân của Trường Đại học Kinh tế ngày nay) trực thuộc Đại học Nông nghiệp II Hà Bắc đã được thành lập. Trải qua các giai đoạn chuyển đổi đầy thử thách và khó khăn với các tên gọi khác nhau: Khoa Kinh tế, Đại học Nông nghiệp II Huế (1984-1995); Khoa Kinh tế, Đại học Huế (1995-2002) ở mỗi giai đoạn Khoa đều để lại những thành tích, dấu ấn đáng tự hào khẳng định truyền thống vẻ vang và sức mạnh nội lực không ngừng vươn lên.

Ghi nhận những thành tựu và cống hiến đó ngày 27 tháng 9 năm 2002, trên cơ sở Khoa Kinh tế trực thuộc Đại học Huế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 126/QĐ-TTg về việc thành lập Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế. Cho đến hôm nay, trải qua 50 năm, Trường Đại học Kinh tế đã không ngừng lớn mạnh. Đội ngũ cán bộ, giảng viên tăng nhanh cả về lượng và chất, cơ sở vật chất khang trang; chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học ngày càng được nâng cao. Vị thế và uy tín của Trường ngày càng được khẳng định trên hệ thống giáo dục trong nước và từng bước vươn ra thế giới.

Thành tựu của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế - 50 năm nhìn lại

Trong suốt 50 năm đó, các thế hệ cán bộ, giảng viên đã không ngừng nỗ lực phấn đấu và có những đóng góp, cống hiến quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Nhà Trường.

Thành tựu của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế - 50 năm nhìn lại - 1
Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế 50 năm qua đã có nhiều thành tích nổi trội

Trong giai đoạn 2002 - 2019, bằng nhiều chủ trương, hình thức tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng thích hợp, Trường đã nhanh chóng xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của việc mở rộng quy mô đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đến nay, đội ngũ cán bộ, giảng viên của Nhà trường đã có 296 người, trong đó có 13 Phó Giáo sư, 38 Tiến sĩ, 160 Thạc sĩ. Cán bộ giảng dạy có trình độ sau đại học chiếm gần 87,4%. Trong đội ngũ cán bộ giảng dạy của Trường có gần 60% có đủ khả năng về trình độ ngoại ngữ để tự chủ về học thuật và làm việc trực tiếp với các tổ chức quốc tế.

Sau ngày thành lập, Trường Đại học Kinh tế đã đẩy mạnh công tác đào tạo theo hướng mở rộng dần quy mô, ngành nghề đào tạo hợp lý, cân đối trên cơ sở đảm bảo chất lượng đào tạo; chủ động hợp tác, mở rộng liên kết đào tạo với các trường đại học tiên tiến ở trên thế giới với nhiều hình thức và cấp độ khác nhau. Có thể khái quát 03 giai đoạn phát triển của Trường trong hoạt động đào tạo như sau:

Giai đoạn 2002 - 2010: Nếu như năm 2002 (khi mới thành lập), Trường Đại học Kinh tế chỉ có 5 chuyên ngành đào tạo đại học, 2 chuyên ngành đào tạo cao học thì đến năm 2010 Trường Đại học Kinh tế đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đại học Huế cho phép đào tạo 13 chuyên ngành đại học; 1 Chương trình liên kết với Đại học Rennes 1, Cộng hòa Pháp đào tạo đồng cấp bằng ngành Tài chính – Ngân hàng (bắt đầu tuyển sinh từ năm 2007); 3 chuyên ngành đào tạo cao học và 2 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ. Quy mô tuyển sinh của Trường đã tăng lên nhanh chóng qua các năm. Giai đoạn 2002 - 2004, quy mô tuyển sinh bình quân hàng năm là 450 sinh viên hệ chính quy, và giai đoạn 2005 - 2010 tăng lên đến 979 sinh viên hệ chính quy. Đến cuối năm 2010, quy mô có mặt thường xuyên đã có gần 10 ngàn sinh viên, học viên đang theo học bao gồm các hệ: chính quy, vừa làm vừa học, cử tuyển và liên kết đào tạo. Địa bàn phục vụ đã được mở rộng từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận và các tỉnh Tây Nguyên.

Thành tựu của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế - 50 năm nhìn lại - 2
Cách sinh viên trường đang thực hành tại phòng máy

Trong giai đoạn 2002 - 2010, ngành nghề và loại hình đào tạo, công tác quản lý chuyên môn từng bước được đổi mới và đi vào nề nếp. Vai trò quản lý chuyên môn của các Khoa và bộ môn ngày càng được nâng cao. Việc ban hành các quy định tạm thời về công tác đào tạo và quản lý sinh viên và sự phân cấp quản lý đào tạo và sinh viên cho các Khoa đã có tác dụng tích cực góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý đào tạo và sinh viên. Năm 2008, Trường Đại học Kinh tế đã thực hiện việc chuyển đổi khung chương trình đào tạo các chuyên ngành và chương trình chi tiết các học phần theo học chế tín chỉ để thực hiện việc chuyển sang phương thức đào tạo mới từ khóa 42 tuyển sinh năm 2012.

Giai đoạn 2010 - 2015: Đây được xem là giai đoạn có nhiều sự điều chỉnh về quy mô đào tạo của Trường nhằm thích ứng với xu hướng thay đổi của nền giáo dục đại học ở trong nước, đặc biệt là nhu cầu của xã hội. Nếu như năm 2010, quy mô sinh viên hệ không chính quy của trường đạt ở mức cao nhất, với 5.120 sinh viên thì đến năm 2014 giảm xuống còn 1.848 sinh viên. Thay vào đó, quy mô đào tạo hệ chính quy đã tăng lên đáng kể, từ 4.665 sinh viên trong năm 2010 tăng lên 6.099 sinh viên vào năm 2014. Như vậy, trong giai đoạn này cơ cấu sinh viên theo hệ đào tạo thay đổi theo hướng sinh viên chính quy tăng (bình quân hằng năm tăng 7%), sinh viên không chính quy giảm nhanh. Tính tại thời điểm tuyển sinh năm 2015, Trường Đại học Kinh tế có 15 ngành và chuyên ngành đào tạo đại học, 2 chương trình đào tạo bậc đại học liên kết với đối tác nước ngoài; 4 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ; 2 chuyên ngành đào tiến sĩ.

Thành tựu của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế - 50 năm nhìn lại - 3
Không gian học tập tại thư viện trường

Giai đoạn 2015 đến nay: Trong bối cảnh lĩnh vực giáo dục đại học ở trên thế giới và trong nước tiếp tục có nhiều biến đổi lớn, cũng như sự thay đổi nhanh chóng về nhu cầu của xã hội, do đó Đại hội Đảng bộ Trường Đại học Kinh tế lần thứ VII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định phương hướng chung trong thời kỳ này là: “Tiếp tục thực hiện đa ngành hóa và mở rộng quy mô đào tạo hợp lý, đặc biệt là đào tạo sau đại học…, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội về nguồn nhân lực, đẩy nhanh quá trình phát triển của Nhà trường sang một giai đoạn mới - giai đoạn phát triển theo chiều sâu”. Đây được xem là chiến lược chuyển đổi sang mô hình phát triển theo hướng nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học nhằm xây dựng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế trở thành một cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và cung ứng dịch vụ về lĩnh vực kinh tế và quản lý có chất lượng, uy tín hàng đầu ở Việt Nam, tiến tới xây dựng Trường trở thành trường đại học theo định hướng nghiên cứu.

Về Nghiên cứu khoa học: Trong giai đoạn 2002 - 2019, Trường Đại học Kinh tế đã tập trung đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, gắn kết nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế với công tác đào tạo, đặc biệt là đào tạo sau đại học, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trực tiếp là các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Các đề tài khoa học công nghệ đã được thực hiện tại Trường Đại học Kinh tế trong thời gian vừa qua chủ yếu tập trung đề cập đến việc thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh miền Trung như chuyển dịch cơ cấu kinh tế; nghiên cứu các mô hình phát triển kinh tế trên các vùng sinh thái khác nhau ở các tỉnh miền Trung; nghiên cứu phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; nghiên cứu phục hồi và phát triển các ngành nghề truyền thống; nghiên cứu thị trường các sản phẩm nông nghiệp; nghiên cứu về kinh tế tài nguyên môi trường...

Thành tựu của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế - 50 năm nhìn lại - 4
PGS.TS. Trần Văn Hòa, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế, Đại học Huế

Nhìn chung, các đề tài nghiên cứu khoa học được tiến hành đã có những đóng góp đáng kể trong việc giải quyết những vấn đề thực tiễn về phát triển kinh tế xã hội tại địa phương và vùng, đổi mới công tác quản lý kinh tế của đội ngũ cán bộ quản lý trong các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn miền Trung và Tây Nguyên. Công tác nghiên cứu khoa học cũng đã góp phần tích cực trong việc bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và chất lượng đào tạo của Nhà trường.

Về Hợp tác quốc tế: Trong xu thế mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế, Trường Đại học Kinh tế đã thiết lập quan hệ hợp tác với nhiều đại học và Viện nghiên cứu ở nhiều nước trên thế giới. Các hoạt động hợp tác quốc tế tập trung vào 2 mảng chính, bao gồm phát triển các chương trình liên kết, hợp tác đào tạo với nước ngoài và chủ động thiết lập quan hệ hợp tác với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức quốc tế trong việc thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học.

Thành tựu của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế - 50 năm nhìn lại - 5
Nhiều ký kết với các trường Đại học trên thế giới

Như vậy, trong quá trình hình thành và phát triển, đến nay (2019) Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế đã có 6 Khoa: Khoa Kinh tế & Phát triển, Khoa Quản trị kinh doanh, Khoa Kế toán - Kiểm toán, Khoa Tài chính - Ngân hàng, Khoa Kinh tế chính trị và Khoa Hệ thống thông tin kinh tế. Với bộ máy đó cùng với đội ngũ cán bộ giảng dạy, cán bộ quản lý có năng lực, đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng là nguồn lực quan trọng để Trường hoàn thành sứ mệnh của mình: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, trình độ cao và thực hiện nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, cung ứng dịch vụ về lĩnh vực kinh tế và quản lý phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước và khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Với những thay đổi tích cực qua từng giai đoạn, PGS.TS Trần Văn Hoà, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế khẳng định: “Tôi cho rằng, với những đổi mới, đột phá đúng đắn, có trọng tâm, trọng điểm ở từng giai đoạn cùng với việc đề cao, phát huy sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ, Trường sẽ sớm trở thành một cơ sở đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực kinh tế và quản lý đạt chuẩn quốc tế và được xếp hạng trong số các trường đại học uy tín tại Việt Nam cũng như trong khu vực ASEAN”.

Thành tựu của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế - 50 năm nhìn lại - 6
Nhiều danh hiệu, bằng khen cao quý cho trường 50 năm qua

PV