Thanh Hóa phấn đấu nằm trong tốp 20 về kết quả thi THPT quốc gia

(Dân trí) - Chiều ngày 7/10, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có buổi làm việc với ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) về sự nghiệp phát triển GD&ĐT, nghe giải trình về chất lượng giáo dục đại trà THPT của địa phương này năm 2018 và 2019.

Theo Sở GD&ĐT, năm 2019, điểm trung bình các môn thi THPT quốc gia của học sinh THPT của Thanh Hóa cao hơn năm 2018, nhưng vẫn thấp hơn mức bình quân chung của cả nước.

Thanh Hóa phấn đấu nằm trong tốp 20 về kết quả thi THPT quốc gia - 1

Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị đặt mục tiêu phấn đấu năm 2020, ngành giáo dục Thanh Hóa phải có kết quả thi THPT quốc gia nằm trong tốp 20 của cả nước.

Môn Ngữ văn có điểm bình quân cao hơn mức bình quân chung của cả nước (năm 2019, Thanh Hóa đạt 5,61 điểm, cả nước đạt 5,49); môn Địa lý và Giáo dục công dân có điểm trung bình tương đương mức bình quân chung cả nước.

Tuy nhiên, các môn Toán, tiếng Anh, Lịch sử, Vật lý, Hóa học và Sinh học có điểm bình quân thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, đặc biệt là môn tiếng Anh, Lịch sử và Sinh học rất thấp.

Năm 2018, môn tiếng Anh của học sinh Thanh Hóa đạt điểm trung bình 3,29 điểm, cả nước đạt 3,9 điểm; năm 2019, đạt 3,51 điểm, cả nước đạt 4,36 điểm. Kết quả xét tốt nghiệp THPT, năm 2019, tỷ lệ học sinh THPT Thanh Hóa đỗ tốt nghiệp đạt 92,39%, giảm 5,07% so với năm 2018.

Nguyên nhân dẫn đến sự giảm sút một số chỉ tiêu trong kỳ thi THPT quốc gia được đánh giá là: Vẫn còn khoảng cách nhất định trong chất lượng giáo dục giữa khu vực miền núi và miền xuôi; đội ngũ giáo viên vẫn thừa, thiếu cục bộ; chất lượng đầu vào của một số trường, đặc biệt là trường khu vực miền núi còn thấp.

Ngoài ra, việc đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học vẫn gặp khó khăn. Vấn đề giải thể các trường THPT cũng ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng. Công tác quản lý dạy, học chưa đồng bộ giữa các nhà trường...

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT cũng như các nhà trường đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng mức kinh phí chi thường xuyên cho các nhà trường; bố trí tuyển dụng đủ giáo viên ở các bậc học; tăng nguồn kinh phí hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất trường học...

Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh: Kết quả đào tạo ở bậc Tiểu học và THCS chưa cao dẫn đến đầu vào các trường THPT ở mức thấp; tình trạng thừa thiếu giáo viên chưa được giải quyết; sự quyết tâm, quyết liệt của đội ngũ nhà giáo, các nhà trường chưa cao...

Ông Xứng đề nghị phải đặt mục tiêu phấn đấu năm 2020, ngành giáo dục Thanh Hóa phải có kết quả thi THPT quốc gia nằm trong tốp 20 của cả nước.

Thanh Hóa phấn đấu nằm trong tốp 20 về kết quả thi THPT quốc gia - 2
Điểm trung bình các môn thi THPT quốc gia của học sinh THPT của học sinh Thanh Hóa còn thấp hơn mức bình quân chung của cả nước.

Muốn vậy, theo Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa cần phải quan tâm khắc phục yếu kém đầu vào ở các trường THPT; tiếp tục thực hiện hiệu quả đề án nâng cao chất lượng giáo dục miền núi; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, sắp xếp đội ngũ giáo viên hợp lý, bảo đảm định mức giáo viên/lớp theo quy định.

Đồng thời, tập trung triển khai tốt đề án: “Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ ở các đơn vị GD&ĐT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025”.

Trong đó, thực hiện cương quyết việc đào tạo, đào tạo lại đối với mỗi giáo viên nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; nâng cao trách nhiệm đối với người đứng đầu các đơn vị trường học, từ cấp Tiểu học, THCS đến THPT; nghiên cứu tăng thêm các môn thi đối với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị Sở GD&ĐT sớm ban hành đề án phát triển các trường tư thục, đây là xu hướng tốt, góp phần phát triển sự nghiệp GD&ĐT. Tăng cường quản lý ngành để thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, chống học lệch trong mỗi học sinh. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc dạy học ở tất các môn học trong nhà trường...

Duy Tuyên