Quảng Bình: Phụ huynh “tố” trường “ưu ái” cho một số học sinh trong việc phân lớp (?!)
(Dân trí) - Nhiều phụ huynh bức xúc phản ánh đến Báo điện tử Dân trí về việc Trường THPT Lương Thế Vinh đã xếp một số em học sinh có điểm số thấp nhưng được phân vào các lớp ở nhóm đầu như A1, A2, A3, còn nhiều em mặc dù có điểm cao nhưng chỉ được xếp vào các lớp ở nhóm cuối… A12, A13.
“Bất thường” điểm thi cao lại xếp ở lớp nhóm cuối
Báo điện tử Dân trí nhận được ý kiến phản ánh của nhiều phụ huynh tại thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch về những “bất thường” trong việc tổ chức phân lớp cho học sinh lớp 10, năm học 2019-2020 xảy ra tại Trường THPT Lương Thế Vinh đóng trên địa bàn thị xã Ba Đồn.
Theo đó, Trường THPT Lương Thế Vinh đã xếp một số em học sinh có điểm số thấp nhưng được phân vào các lớp ở nhóm đầu như A1, A2, A3, còn nhiều em mặc dù có điểm cao nhưng chỉ được xếp vào các lớp ở nhóm cuối… A12, A13.
Trong đơn thư phản ánh, có một số trường hợp học sinh có tổng điểm xét tuyển chưa đạt 25 điểm nhưng vẫn được xếp vào lớp A1, A2, nhưng có nhiều em có tổng điểm xét tuyển trên 33 điểm lại bị xếp vào những lớp ở nhóm cuối là A12, A13 (xin được giấu tên các trường hợp nói trên).
Trò chuyện với phóng viên, nhiều bậc phụ huynh cho rằng, lý do dẫn đến một số em học sinh có tổng điểm xét tuyển thấp nhưng lại được phân ở những lớp nhóm đầu là vì các em là con em của cán bộ thị xã hoặc gia đình có điều kiện kinh tế khá giả. Còn có những em học sinh có điểm trúng tuyển cao, nhưng lại bị xếp vào các lớp ở nhóm cuối vì là con em của các gia đình bình thường.
Các lớp mang tên A1 đến A13 chỉ mang tính ngẫu nhiên (?!)
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Liên, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh cho biết, năm học 2019-2020, Trường THPT Lương Thế Vinh tuyển sinh 13 lớp, với 585 học sinh, bằng hình thức thi tuyển do Sở GD-ĐT tổ chức.
Trong quá trình phân lớp đối với học sinh lớp 10 năm học 2019-2020, chủ trương chung của nhà trường là phân đều học sinh có điểm thi tuyển sinh và kết quả học tập cấp THCS theo tỷ lệ vào các lớp, bảo đảm tất cả các lớp đều có học sinh giỏi, khá và trung bình.
Tuy nhiên, do điều kiện thực tế, học sinh của nhà trường phân bố trên địa bàn rộng (gồm 16 xã trên địa bàn thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch), nhiều học sinh đi học xa nhà, nên trường phải ưu tiên sắp xếp học sinh theo địa bàn để bảo đảm an toàn và thuận lợi cho các em.
Vì vậy, tỷ lệ phân bố học sinh theo học lực và điểm thi tuyển sinh đầu vào ở các lớp chỉ mang tính tương đối.
Khi phóng viên đặt câu hỏi: Liệu kết quả thi tuyển có phải là căn cứ cho việc sắp xếp tổ chức lớp và phân lớp theo thứ tự từ điểm cao xuống thấp cho học sinh từ A1 đến A13? Bà Liên trả lời: Việc các lớp mang tên A1 đến A13 chỉ mang tính ngẫu nhiên, nhằm thuận tiện trong quản lý của nhà trường.
“Trước đây, trường có tổ chức lớp chọn, nhưng sau khi Thanh tra Sở phát hiện và yêu cầu không tổ chức lớp chọn, từ năm học 2016-2017 đến nay, trường đã không tổ chức lớp chọn nhằm bảo đảm bình đẳng về cơ hội học tập của học sinh và mặt bằng về năng lực của học sinh các khối lớp”, bà Liên giải thích thêm. Bà Liên cũng khẳng định, Trường THPT Lương Thế Vinh không tổ chức phân chia lớp chọn.
Vì vậy, hoàn toàn không có sự “ưu ái” cho học sinh là con lãnh đạo có chức vụ ở cấp thị xã, con em gia đình có điều kiện kinh tế khá giả được sắp xếp vào các lớp đầu A1, A2, A3; còn những con em của người bình thường thì xếp ở các lớp nhóm cuối A12; A13, như phản ánh của người dân. Liên quan đến sự việc trên, hiện Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Bình cũng đã vào cuộc làm rõ.
Báo điện tử Dân trí sẽ tiếp tục thông tin mới nhất về vụ việc đến bạn đọc.
Nhóm PV