Nữ sinh nghèo viết ước mơ bằng... đôi chân

(Dân trí) - Sinh ra đã không có đôi bàn tay, tuổi thơ của em là những tháng ngày vật lộn với đôi chân để học viết chữ. Cô bé không tay ngày nào giờ đã trở thành một nữ sinh ấp ủ trong mình với bao ước mơ và dự định cho tương lai...

Mới trở về từ lễ phát động chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” do Trung ương Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức tại trường ĐH Vinh (Nghệ An), những ngày này em Lê Thị Thắm (lớp 10A4, Trường THPT Đông Sơn 1, huyện Đông Sơn) đang tất bật ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi học kỳ sắp tới. Gần 4 năm trước, chúng tôi đã có dịp gặp Thắm từ ngày cô bé mới học hết cấp 1, nhưng giờ đây, nhìn em cũng chẳng lớn hơn là bao so với ngày vừa học hết lớp 5, nhưng khuôn mặt em thì cứng cỏi hơn rất nhiều.
 
Video clip em Thắm sử dụng máy tính, viết chữ, đánh răng, rửa mặt... bằng... chân:



Gặp chúng tôi, Thắm chia sẻ: “Em rất vui khi được tham dự chương trình vừa qua. Từ chương trình này mà em đã được biết đến, giao lưu và gặp gỡ với nhiều người cũng có hoàn cảnh giống như mình. Em được biết nhiều hơn về những tấm gương người khuyết tật có nghị lực vươn lên để thành công”.

Em Lê Thị Thắm sinh ra trong một gia đình nghèo tại xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa). Ngay từ khi mới lọt lòng mẹ, do bị di chứng từ chất độc da cam từ bà ngoại nên Thắm bị khuyết đi đôi tay. Với lòng quyết tâm và nghị lực của mình, chưa bao giờ Thắm từ bỏ ước mơ được đi học.

Khi đủ tuổi đi học, Thắm cũng được bố mẹ đưa đến lớp học chữ như các em nhỏ khác. Việc tập đọc với Thắm không ít khó khăn, nhất là mỗi khi tập viết, với em giống như một cực hình. Thắm đã rất nhiều lần phải khóc vì đôi chân thô kệch không theo ý muốn của mình. Những lần tập uốn nắn mà chân em đã rỉ máu khiến cho bố mẹ cũng như bản thân Thắm tưởng chừng phải bỏ cuộc. Nhưng rồi, những nỗ lực của em cũng đã đưa lại thành quả khi đôi chân của em đã viết được chữ.

Em Lê Thị Thắm ngày còn học lớp 5.
Em Lê Thị Thắm ngày còn học lớp 5.

Khi còn học ở cấp 1 rồi lên cấp 2, nhiều năm liền Thắm đạt danh hiệu học sinh tiên tiến và xuất sắc của trường. Giải thưởng lớn và vinh dự nhất đối với bản thân và gia đình em Thắm đó là bằng chính đôi chân của mình, nhiều năm liền Thắm đã được chọn tham dự cuộc thi viết vở sạch chữ đẹp và đạt giải thưởng cao.

Cũng từ chính đôi chân này, hàng ngày Thắm có thể làm được nhiều việc phục vụ sinh hoạt cho bản thân mình như: đánh răng, rửa mặt, chải đầu, mặc quần áo, soạn sách vở đi học... Dù đã là nữ sinh lớp 10 nhưng thân hình em Thắm chỉ như một đứa trẻ, cao hơn 1m và nặng 26kg.
 
Hàng ngày đi học, Thắm đều phải có mẹ đưa đi đón về. Mỗi ngày hai mẹ con phải mất bốn lần đi về từ nhà đến trường. Tuy nhà chỉ cách trường có hơn 2 cây số, nhưng chị Tình không rời con nửa bước. “Lúc nào cháu cũng cần có người ở bên phụ giúp, bố cháu thì đi làm cả ngày còn tôi phải ở nhà làm mấy công việc gần nhà rồi lo đi đón con về chăm lo cơm nước, tắm giặt vệ sinh cho con”.

Giờ đây Thắm đã là một thiếu nữ, vẫn giàu nghị lực vượt lên số phận.
Giờ đây Thắm đã là một thiếu nữ, vẫn giàu nghị lực vượt lên số phận.

Gia đình đã khó khăn nay lại khó khăn hơn khi nhà có bốn người nhưng chỉ trông chờ vào đồng lương làm phụ hồ ít ỏi của bố Thắm là anh Lê Xuân Ân. Tuy cuộc sống gia đình còn gặp nhiều khó khăn nhưng vợ chồng anh Ân chị Tình đổi lại có niềm vui khi cả hai con đều chăm ngoan học giỏi. Thắm tuy bị khuyết tật nhưng bằng nghị lực vươn lên nhiều năm đạt học sinh giỏi với các phần thưởng cũng như giấy khen khác nhau khiến bố mẹ rất vui lòng.

Ngày trước, khi được hỏi, Thắm không ngần ngại chia sẻ ước mơ được trở thành cô giáo. Nhưng khi lớn lên, dự định cho tương lai của bản thân khi mong muốn được giúp đỡ gia đình khiến Thắm thay đổi suy nghĩ. Em tâm sự: “Ước mơ sau này của em là được vào ngành Tin học để trở thành một kỹ sư Công nghệ thông tin, để biến ước mơ thành sự thật, giúp đỡ bản thân cũng như gia đình. Học xong cấp 3 em sẽ ôn thi vào ngành Tin học. Khi mới làm quen với máy tính, em đã cảm thấy yêu thích nó và thấy hợp với người như mình hơn. Từ máy tính em có thể làm được nhiều việc mà không cần có tay. Sau này em cố gắng giúp đỡ bố mẹ được phần nào để bố mẹ không còn khổ vì em nữa”.

Thắm là niềm tự hào của bố mẹ.
Thắm là niềm tự hào của bố mẹ.

Mới bước vào năm học đầu tiên của cấp 3 nhưng Thắm đã dần theo kịp được với những học sinh khác. Chị Tình cho biết: “Từ đầu năm đến nay nhà trường cũng chưa tổ chức họp phụ huynh để thông báo về tình hình học tập nhưng thông qua sổ liên lạc điện tử tôi cũng một phần nào yên tâm vì thấy con cũng đạt được những điểm khá. Thời gian đầu khi mới bước vào lớp 10 tôi sợ cháu không theo được các bạn nên cứ lo. Giờ thì yên tâm được phần nào rồi”.

Ngoài giờ đi học trên lớp, mỗi khi có thời gian rảnh rỗi Thắm lại lên mạng tìm những bài học hay để bổ trợ cho kiếm thức của mình. Bên cạnh đó, Thắm còn giúp cho cậu em trai nhỏ của mình tập làm quen với máy vi tính để tập giải Toán và học tiếng Anh trên mạng. Chia tay cô học trò nhỏ, chúng tôi cứ nhớ mãi ước mơ nhỏ nhoi nhưng lại vô cùng lớn đối với cô học trò giàu nghị lực.

Thái Bá - Duy Tuyên