Người lạ vào chửi bậy, quấy rối lớp học online

(Dân trí) - Khi giáo viên bật micro lên để hỏi bài, bất ngờ có người lạ lên tiếng chửi tục tĩu cùng lời thách: "Đố đứa nào chặn được tao đấy, lớp này học môn nào tao cũng phá, đừng hòng học được".

Không chỉ phát clip sex, không ít lớp học online của thầy trò trong đợt nghỉ tránh dịch Covid-19 bị người lạ xâm nhập "quấy rối" với đủ trò như gây ồn ào, chửi thề, vẽ bậy... Trong các diễn đàn, cộng đồng giáo viên và cả phụ huynh liên tục chia sẻ những tình huống làm ảnh hưởng đến lớp học. Đây không phải một hai trường hợp đặc biệt mà đang xảy ra ở rất nhiều lớp học bị quấy rối.
 
Người lạ vào chửi bậy, quấy rối lớp học online - 1

Nhiều người lạ vào phá rối lớp học online 

Người lạ vào chửi bậy, quấy rối lớp học online - 2

Một phụ huynh chụp ảnh lại bài học trong giờ học lớp con mình bị vào phá hoại, vẽ bậy 

Có trường hợp, lúc giáo viên bật micro lên hỏi bài, thì "người lạ" trong lớp học chửi rất tục tĩu cùng lời thách: "Đố đứa nào chặn được tao đấy, lớp này học môn nào tao cũng phá, đừng hòng học được". Nhiều giáo viên đang dạy, bị chửi những lời thô thiển nhưng cô không truy được là từ đâu. Sau những lời lời lẽ khủng khiếp thì cô trò đành phải ngưng tiết học.

Giáo viên gặp nhiều nhất là có những tài khoản bằng nhiều cách đã nhảy vào phòng học, sau lấy hình ảnh, clip của dân giang hồ mạng như Huấn hoa hồng, Khá "bánh"... phá rối lớp học. Đang dạy học nhưng cuối cùng, giáo viên lại mất công loại những tài khoản phá hoại ra và cũng mất luôn tinh thần để dạy học.

Người lạ vào chửi bậy, quấy rối lớp học online - 3

Một đối tượng vào phá hoại lớp học online được giáo viên chụp lại.

Chị Trần Ngọc Thư, nhà ở TPHCM kể, rất nhiều giờ học online của con chị đang học lớp 8 bị người lạ vào phá. Có lúc giáo viên phải ngưng tiết dạy vì người lạ vào chửi bậy, bật những clip bậy bạ, bạo lực, máu me hay vẽ bậy lên bài giảng... có lúc đành phải ngưng tiết học. Có khi giáo viên loại được những tài khoản đó nhưng sau đó, thầy trò không còn tâm trạng tốt, tập trung cho việc học nữa.

Giáo viên liên tục thông báo nhờ phụ huynh nhắc nhở con nhưng vẫn xảy ra tình trạng, người lạ vào lớp để phá lớp học.

Thầy Trần Minh, Giáo viên Trường THCS-THPT Đào Duy Anh, TPHCM cho biết, ban đầu, giáo viên chưa lường được những tình huống có thể xảy ra, không dùng chức năng phê duyệt thành viên vào lớp học. Sau đó, bằng cách nào đó, một số giáo viên khi đang dạy cũng bị người lạ vào phòng học phá rối, nói chuyện gây ồn ào, mở nhạc to, la hét... ảnh hưởng đến giờ học.

Người lạ vào chửi bậy, quấy rối lớp học online - 4

Các đối tượng chia sẻ mật khẩu lớp học để rủ nhau vào lớp học quấy rối.

Sau đó, giáo viên khác nhờ lớp trưởng, lớp phó duyệt thành viên trước khi vào lớp online. Đồng thời áp dụng một số cách khắc phục tình trạng gây rối này phòng học này như cài đặt không cho vẽ bậy lên bài giảng khi chia sẻ màn hình; khóa mute; khóa chức năng chat; khóa phòng học sau giờ dạy 15 phút.
 

Học sinh phải đăng nhập theo cú pháp tên và lớp; điểm danh học sinh thường xuyên, lập nhóm quản trị hỗ trợ khi dạy ở đơn vị lớp để kịp thời thông tin quá trình dạy.

Giảng viên một trường ĐH chia sẻ một số bước bản thân kiểm soát khi học Zoom gồm: Khi vào lớp thì cho vào phòng chờ để duyệt; Quản lý hình ảnh thì cài đặt chỉ có host mới được share màn hình máy tính, người học không được cấp quyền này nên nếu có ý định phá tán clip, hình ảnh sẽ không làm được.

Vào phòng thì tắt toàn bộ micro của người học. Lúc nào cần sinh viên nào nói thì mới nhấn mở micro cho mỗi sinh viên đó. Và cũng chỉ cấp mỗi quyền chat với host nên người học không thể chat với cả lớp.

Tuy nhiên, người này cũng bày tỏ có thể có nhiều tính huống mình chưa lường hết được. Có thể do thầy cài đặt chế độ kiểm soát nhưng cũng cũng có thể sinh viên lớp mình dạy không có ý định phá đám.

Người lạ vào chửi bậy, quấy rối lớp học online - 5

Chia sẻ khó khăn với giáo viên khi dạy học online bị những kẻ vô ý thức phá rối 

Nhiều ý kiến bày tỏ, sự cố khi dạy học online xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nhiều giáo viên gặp khó khăn trước một hình thức học tập mới, phát sinh trong hoàn cảnh bị động mà thầy trò đều không được hướng dẫn, làm quen từ trước.

Một số giáo viên không thành tạo tin học, không quản lý được lớp học. Các sự cố như học sinh không vào được, ID, mật khẩu mới, cũ, có khi thoát ra không vào được, không nghe tiếng, lớp học ồn ào... mất thời gian để xử lý, gây mệt mỏi, căng thẳng cho cả thầy lẫn trò, tiết học không hiệu quả.

Một số học sinh thiếu ý thức, hoặc nghịch dại tuồn thông tin ra ngoài.  "Đội quân" đi phá rối rất thành thạo về công nghệ, họ có rất nhiều cách mà không phải giáo viên nào cũng có thể có cách ngăn chặn, xử lý.

Lê Đăng Đạt