"Khuyến học, khuyến tài, xây dựng Xã hội học tập trong thực hiện di chúc của Bác"

(Dân trí) - Sáng ngày 17/9, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã tổ chức tọa đàm: “Khuyến học, khuyến tài, giáo dục, xây dựng xã hội học tập trong việc thực hiện di chúc của Bác”. Hoạt động nhằm đến Kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Bác Hồ (1969- 2019).

Noi gương Bác Hồ, không ngừng tự học

Chủ trì tọa đàm GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam (HKHVN) cho rằng, di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử đặc biệt, một bảo vật quốc gia với đời sống chính trị của đất nước. Bác luôn tự học, bôn ba khắp nơi để tìm hiểu, tiếp thu các tư tưởng kiến thức từ bậc vĩ nhân đi trước. Từ đó tự đúc kết lại, đưa ra thành những tư tưởng quan quan điểm sống và đấu tranh cho bản thân nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung.

Trong suốt chặng đường 50 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn tích cực thực hiện theo tấm gương, đạo đức, tư tưởng cách mạng của Bác Hồ. Lĩnh vực khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập cũng đang, đã và sẽ lấy lời dạy của Bác làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động vì sự nghiệp giáo dục ở người lớn.

Khuyến học, khuyến tài, xây dựng Xã hội học tập trong thực hiện di chúc của Bác - 1
GS Nguyễn Thị Doan khen ngợi 100% báo cáo viên, chuyên viên của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tích cực tìm hiểu, hưởng ứng và thực hiện làm theo di chúc của Bác Hồ.

Trong đó, có 3 nhóm nội dung chính: Thứ nhất, hưởng ứng và tích cực thực hiện lời dạy trong di chúc của Bác, chú trọng việc dạy làm người, lấy chữ “đức” làm gốc, để phát huy mạnh mẽ hơn nữa tiềm lực kinh tế, con người.

Đồng thời, mỗi cá nhân cần lấy việc tự học là chính, noi gương Bác luôn tự trau dồi và hoàn thiện mình, học từ nhân dân, từ quốc tế để giúp cho hướng đi đất nước phát triển tốt hơn.

Thứ hai, công tác triển khai theo lời dạy của Bác Hồ, HKHVN đã có nhiều mô hình tích cực về Quyết định 281 của Thủ tướng Chính phủ và Kết luận 49 của Ban Bí Thư về thực hiện Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị, lấy đó làm kim chỉ đường cho sự phát triển sau như sự kỳ vọng của Bác từng gửi gắm vào sự nghiệp giáo dục suốt đời của dân tộc.

Thứ ba, xây dựng đội ngũ cách mạng cho đời sau vừa hồng, vừa chuyên. Mỗi giờ trôi qua thì xã hội đã phát triển rất nhanh, nếu không học sẽ bị bỏ lại phía sau. Do đó, chúng ta cần thấm nhuần đạo đức, tư tưởng, tấm gương… của Bác để tự hoàn thiện mình, học suốt đời không bao giờ là đủ.

“Mỗi người hãy là một tấm gương sáng để lan tỏa ra gia đình, xã hội, từ bỏ lối suy nghĩ bệnh thành tích hướng tới sự nghiệp trồng người, đào tạo ra thế hệ cách mạng chân chính đủ đức và tài” - GS Doan nhấn mạnh.

Mọi lứa tuổi, trình độ đều phải tự học

GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký TƯ HKHVN đã đưa ra một “bức tranh” toàn cảnh về những khẩu hiệu, lời dạy tiêu biểu của Bác dành cho sự nghiệp giáo dục của dân tộc.

Khuyến học, khuyến tài, xây dựng Xã hội học tập trong thực hiện di chúc của Bác - 2
Toàn cảnh buổi tọa đàm.

GS Dong nhắc lại, trước kia Bác Hồ từng nói tới mô hình xã hội học tập: “Người siêng năng thì mau tiến bộ, cả nhà siêng năng thì chắc ấm no, cả làng siêng năng thì làng phồn thịnh, cả nước siêng năng thì nước giàu mạnh”.

Từ đó, HKHVN đã đưa ra mô hình công dân học tập dựa trên câu nói trên, đưa phong trào tự học tập từ cấp cá nhân đến cấp tập thể. Cụ thể, người siêng năng là cấp cá nhân, nhà siêng năng là cấp gia đình, làng siêng năng là cấp cộng đồng… cứ như vậy suy rộng ra xây dựng cả nước học tập.

Bên cạnh đó, Bác Hồ cũng từng nói 4 chữ “Học - Hỏi - Hiểu - Hành” hay “Vì sự nghiệp mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” để thấy được tính thiết thực và sự sâu sắc trong lời dạy của Bác, GS Dong nhấn mạnh.

Khuyến học, khuyến tài, xây dựng Xã hội học tập trong thực hiện di chúc của Bác - 3
GS.TS Phạm Tất Dong nhắc lại các câu nói, khẩu hiệu, lời phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Tham dự tọa đàm, NGND Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) tâm sự: “Tôi xuất phát là môt giáo viên tiếng Nga, qua hơn 25 năm công tác, đến năm 1997 tôi được chuyển qua đảm nhiệm vị trí Phó Hiệu trưởng trường Đoàn Thị Điểm. Dù chưa từng trải qua việc quản lý hành chính và quản lý cơ quan nhưng tôi vẫn mạnh đồng ý đảm nhận nhiệm vụ đến một môi trường mới, mô hình trường dân lập đầu tiên ở Hà Nội.

Cho đến ngày hôm nay, kết quả đã chứng minh được sự quyết tâm đó là đúng đắn; rút ra bài học phải luôn luôn, không ngừng học. Bất kỳ ở độ tuổi hay vị trí nào, chỉ cần mạnh dạn học tập thì sẽ có được kết quả. Đó cũng là một trong những tinh thần tốt theo di chúc của Bác để lại.”

Sở dĩ, bà Hiền lấy kể câu chuyện đời mình để muốn nêu cao hơn tinh thần tự học thành tài cho xã hội và học sinh của mình. Luôn học ở mọi nơi, học thường ngày, sợ tụt hậu với chính học sinh ngày hôm nay. Nhờ tinh thần ấy bà Hiền luôn không ngừng đổi mới, sáng tạo, mạnh dạn đưa ra các ý tưởng mới nhằm thu hút học sinh và tạo sự khác biệt trong môi trường giáo dục.

Kết thúc buổi tọa đàm, GS.TS Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh: “Bác Hồ chưa bao giờ nói chọn cán bộ qua bằng cấp, phải dựa trên năng lực và thực hành công việc, vậy mới là coi trọng người tài.

Chúng ta cũng cần rèn luyện mình tự học để phục vụ công việc, hoàn thành được mục tiêu, không phải vì bằng cấp. Nhất là những người làm công tác quản lý mà mình không trung thực, không chăm, không năng nổ thì làm sao nhân viên cống hiến và hết mình với công việc. Đó là đạo lý tôi rút ra từ Bác Hồ, vì Bác đã làm việc đến hơi thở cuối cùng, quyết không ngừng nghỉ vì triệu dân ta”.

GS Doan cho rằng, từ những bài học ấy, HKHVN cũng sẽ tiếp tục tập trung xây dựng mô hình xã hội học tập chuyên sâu hơn, tập trung đổi mới bắt kịp với tình hình thực tiễn ở các địa phương. Đưa phong trào học tập ở người lớn phát triển mạnh mẽ, bắt kịp 4.0 đúng theo lời dạy của Bác: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”.

Khuyến học, khuyến tài, xây dựng Xã hội học tập trong thực hiện di chúc của Bác - 4
Nhân dịp này NGND Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường Đoàn Thị Điểm đã trao tặng 100 triệu đồng cho Hội Khuyến học Việt Nam.

Hà Cường