Bắc Kạn:

Hơn 22 nghìn học sinh vẫn chờ cấp... SGK năm học mới

Theo quy định, học sinh ở các xã đặc biệt khó khăn, thôn, bản vùng sâu vùng xa trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn được cấp phát giáo khoa miễn phí. Nhưng đã gần hết học kỳ I, năm học 2012 - 2013 mà đến nay các em vẫn đang mòn mỏi chờ cấp phát.

Chờ mòn chờ mòi

Phân trường Khuổi Tuấn, xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm có ba lớp học, trong đó có một lớp ghép trình độ 1+ 2, một lớp ba và một lớp bốn với tổng số 30 học sinh. Lớp bốn có tám học sinh đang học trong căn nhà tạm rộng chừng 25 m2, chung quanh quây ván, mái lợp prô- xi- măng. Thày giáo Nông Trần Trinh cho biết, những hôm trời nắng các em ngồi học trong lớp rất nóng bức; những hôm trời mưa dột, hắt ướt hết phải nghỉ học. Phân trường nằm trên lưng chừng núi, mùa đông gió lúa, phải dùng bạt quây chung quanh.

Phân trường này là nơi học tập của con em đồng bào Dao, Nùng ở hai thôn Khuổi Tuấn và Khuổi Phay, nếu không có phân trường “cắm” bản này thì có lẽ các em sẽ bỏ học hết. Theo quy định, mỗi học sinh phân trường được cấp học phẩm( vở viết, bút bi, bút chì, tẩy, êke), một bộ sách giáo khoa và sách bổ trợ kiến thức. Nhưng đến giữa tháng mười các em mới được nhận học phẩm. Còn sách giáo khoa, các em đã mòn mỏi chờ đợi từ đầu năm học, hết tuần này đến tuần khác vẫn chưa được cấp phát, đến nay đã gần hết học kỳ 1 mà vẫn chưa thấy đâu.

Học sinh phân trường Khuổi Tuấn, xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm mòn mỏi chờ sách giáo khoa.
Học sinh phân trường Khuổi Tuấn, xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm mòn mỏi chờ sách giáo khoa.

Chờ mãi mà vẫn không có sách giáo khoa, thày giáo Nông Trần Trinh phải xuống thư viện của Trường Tiểu học Nghiên Loan tìm sách cũ mang về cho học sinh của mình dùng. Nhưng thày Trinh cho biết: “Tôi lục tìm mãi, mỗi môn cũng chỉ còn mấy quyển, vì là sách cũ nên quyển thì mất bì, quyển lại mất một số trang nhưng cũng đành phải mang về cho các em học tạm. Rách còn hơn không có mà học”.

Theo quy định, 22.332 học sinh tiểu học và trung học cơ sở ở 58 xã đặc biệt khó khăn và 96 thôn, bản đặc biệt khó khăn khác ngoài các xã nêu trên được cấp một bộ sách giáo khoa, sách bổ trợ kiến thức và học phẩm. Nhưng mãi đến giữa tháng mười các em mới được cấp học phẩm, còn sách giáo khoa thì đến nay vẫn chưa có.

“Chậm, nhưng chắc!”

Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính( Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn) Hoàng Văn Phóng thừa nhận, đến nay các em chưa nhận được sách giáo khoa, sách bổ trợ kiến thức là quá muộn. Ông Phóng lý giải: “Do thống kê phải chính xác, tuân thủ quy trình nên việc cấp sách giáo khoa, học phẩm cho học sinh năm nào cũng bị muộn, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục”.

Mặc dù giữa tháng 5/2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn quy định đối tượng được cấp sách giáo khoa, học phẩm miễn phí. Đến đầu tháng 7, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường báo cáo số liệu học sinh; đến giữa tháng tám Sở lại có công văn yêu cầu các trường rà soát lại học sinh cho chính xác.

Để có số liệu học sinh một cách chính xác thì phải bước vào năm học mới. Khi có số liệu chính xác, Sở Giáo dục và Đào tạo làm tờ trình được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch mua sắm; sau đó lại làm các tờ trình gửi Sở Tài Chính thẩm đinh dự toán; gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đấu thầu. Sau đó mất mười ngày đăng tải thông tin mời thầu trên báo, 15 ngày phát hồ sơ mời thầu, tiếp đó là chấm thầu mất một tuần mữa, đến phê duyệt kết quả trúng thầu... tuần tự thời gian theo quy định, nhanh thì phải đến đầu tháng 12/2012 học sinh mới nhận đủ sách giáo khoa. Lúc này, học kỳ một sắp kết thúc.

Không chỉ năm nay, việc cấp sách giáo khoa và học phẩm cho học sinh thuộc đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh năm nào cũng chậm vài tháng.

Có nhất thiết phải chờ đến năm học mới thì mới có số liệu học sinh chính xác để làm cơ sở cho việc mua sắm? Ông Phóng khẳng định: “Phải chờ đến khi bước vào năm học thì mới biết có bao nhiêu học sinh mà làm cơ sở mua sắm. Có năm chúng tôi mua thừa hơn 100 bộ sách giáo khoa. Khi kiểm toán phát hiện, giải thích thế nào họ cũng không nghe, cho rằng chúng tôi không làm đúng hướng dẫn nên thiếu chính xác, gây lãng phí. Cuối cùng bản thân tôi phải chịu trách nhiệm. Sau đó, chúng tôi kinh nghiệm, chậm nhưng chắc vẫn hơn”.

Học sinh thường không biến động nhiều sau mỗi năm học. Tỉnh cần có cách làm linh hoạt để vừa tuân thủ các quy định, vừa bảo đảm cung cấp sách giáo khoa, học phẩm cho học sinh diện chính sách từ đầu năm học, tránh tình trạng năm nào cũng quá muộn ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục. Đây là một trong những nguyên nhân lý giải vì sao, đến nay Bắc Kạn vẫn là “vùng trũng” về chất lượng giáo dục.

Theo Thế Bình
NDĐT