Hội thảo quốc tế Vật liệu Nano tiên tiến ứng dụng trong phát triển xanh

(Dân trí) - Trong 3 ngày từ 05-07/4/2019, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đăng cai tổ chức Hội thảo quốc tế đầu tiên tại Việt Nam về Vật liệu Nano tiên tiến ứng dụng trong phát triển xanh.

Hội thảo quốc tế Vật liệu Nano tiên tiến ứng dụng trong phát triển xanh - 1

Đây là cơ hội đặc biệt để các nhà khoa học đang công tác tại Đại học Quốc gia Hà Nội cũng như các trường/viện nghiên cứu trong cả nước và một số trường đại học nước ngoài (Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Pháp, Úc,…) chia sẻ các kết quả nghiên cứu và ứng dụng mới nhất trong lĩnh vực vật liệu nano tiên tiến như vật liệu xúc tác quang, aerogel, zeolit, khung cơ kim hữu cơ, polymer sinh học, vật liệu composit sinh học và các vật liệu nano khác có hiệu suất xử lý cao, giá thành rẻ, có độ ổn định cao và thân thiện với môi trường.

 Hội thảo tập trung vào các nghiên cứu, báo cáo về ứng dụng ưu việt của vật liệu tiên tiến để xử lý nước thải, làm sạch không khí, lưu giữ/chuyển hóa năng lượng, lưu giữ /chuyển hóa CO2, phân tách nước, và các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu.

Sự kiện quốc tế này được kỳ vọng thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, trao đổi, khẳng định tính ưu việt trong lĩnh vực vật liệu nano tiên tiến và phát triển những ứng dụng của các vật liệu nano tiên tiến đa chức năng.

Hội thảo quốc tế Vật liệu Nano tiên tiến ứng dụng trong phát triển xanh - 2

Các nhà khoa học quốc tế trao đổi bên lề hội thảo

Trước đó, Hội thảo đã nhận được hơn 100 bài báo cáo đến các nhà khoa học trong và ngoài nước. Các bài báo cáo đạt chất lượng được trình bày tại Hội thảo và đăng trên tạp chí (Journal of Chemistry, SCIE, Q3, IF = 1.726).

Hiện nay, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đang chủ trì và phối hợp triển khai hơn 10 đề tài theo hướng này, tiêu biểu như: Nghiên cứu chế tạo vật liệu cacbon xốp và vật liệu cacbon aerogel từ than đá để ứng dụng làm vật liệu anode cho pin lithium-ion và xử lý môi trường (Đề tài nghị định thư Việt Nam – Trung Quốc); Nghiên cứu tổng hợp vật liệu cấu trúc nano dị thể đa chức năng Me@MOF/S,N-TiO2@MeFe2O4 (Me = Fe, Co, Ni, Ag) ứng dụng làm vật liệu hấp phụ/quang xúc tác xử lý ô nhiễm các hợp chất hữu cơ và khử khuẩn trong môi trường nước (Đề tài cấp nhà nước), Nghiên cứu tổng hợp hệ lai ghép liên hợp dạng Z Nb-NiMoO4/g-C3N4 ứng dụng làm chất xúc tác quang cho phản ứng khử CO2 tạo nhiên liệu có giá trị trong vùng ánh sáng khả kiến (Đề tài cấp nhà nước), Nghiên cứu tổng hợp vật liệu CuWO4 pha tạp V được làm nhạy và bền hóa bởi PPy nhằm ứng dụng làm chất xúc tác quang cho phản ứng phân tách nước trong vùng ánh sáng khả kiến tạo nhiên liệu tái tạo (Đề tài cấp nhà nước).

Kết quả bước đầu cho thấy, nhiều vật liệu nano tiên tiến, thế hệ mới đã được nghiên cứu chế tạo thành công, giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, sản xuất năng lượng tái tạo và phát triển bền vững.

Theo đuổi hướng nghiên cứu này, các nhà khoa học Trường Đại học Khoa học Tự nhiên nói riêng và các nhà khoa học Việt Nam nói chung đã tiếp cận những nghiên cứu mới nhất, tiên tiến nhất trên thế giới về vật liệu mới, vật liệu nano tiên tiến ứng dụng.

Vật liệu nano tiên tiến ứng dụng cho nhiều lĩnh vực như xử lý môi trường, lưu giữ và chuyển hóa năng lượng, hay nông nghiệp thông minh có thể tạo ra các sản phẩm sạch hơn, có giá trị hơn và có thể giải quyết được các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường, góp phần xây dựng một tương lai bền vững cho nhân loại.

Do vậy, hướng nghiên cứu này được dự báo đã, đang và sẽ tiếp tục thu hút mạnh mẽ sự quan tâm, tìm hiểu của nhiều nhà khoa học trong nước cũng như trên thế giới.

Hồng Hạnh