Bạn đọc viết:

Học sinh bỏ học sau Tết và nỗi buồn, khổ của giáo viên

(Dân trí) - Những năm trở lại đây, tỉ lệ học sinh bỏ học trước và  sau dịp Tết ngày một tăng cao, nên cứ vào độ xuân về Tết đến, lòng giáo viên như chúng tôi lại nơm nớp lo sợ…

Trường tôi nằm sát bên những đồng lúa bạt ngàn, mùi lúa thơm ngát quanh năm, cùng với lúa, người dân nơi đây còn sống cùng nắng và gió. Mảnh đất lắm lúa nhiều gió đã nuôi dưỡng tâm hồn của bao thế hệ học sinh nơi đây. Ở đây, học sinh hiền lành, chất phác. Tình cảm mộc mạc, đơn sơ. Ngày ngày thấy các em đến trường đều đặn là niềm vui trong lòng giáo viên đã căng tràn.

Thế nhưng, những năm trở lại đây, tỉ lệ học sinh bỏ học trước và  sau dịp Tết ngày một tăng cao, nên cứ vào độ xuân về Tết đến, lòng giáo viên như chúng tôi lại nơm nớp lo sợ: lo cho tương lai các em khi vấn nạn bỏ học ngày một nhiều, lo cho tuổi trẻ bồng bột “ăn chưa no lo chưa tới” lại làm những việc thiếu suy nghĩ và đặc biệt hơn giáo viên chúng tôi còn lo rồi đây, việc duy trì số lượng của công tác chủ nhiệm sẽ “ăn nói” làm sao với hiệu trưởng, và rồi hiệu trưởng sẽ là người “đứng mũi chịu sào” về việc bỏ học của học sinh…

Nhưng rồi, việc lo lắng và trăn trở của giáo viên vẫn tái diễn như mọi năm, các biện pháp đã đưa ra như nắm bắt học sinh có dấu hiệu bỏ học, giáo viên luôn theo dõi “nhất cử nhất động” của các học sinh trong diện “tình nghi”, liên hệ chặt chẽ với cha mẹ học sinh, Ban đại diện Cha mẹ học sinh đã phối hợp làm việc và đặc biệt những cuộc trò chuyện, tư vấn của giáo viên dành cho các em. Song, hầu như mọi giải pháp đều “bất lực”.

Một nguyên nhân sâu xa mà ai cũng hiểu tuy nhiên không phải lúc nào cũng làm được. Đó là sức nặng của “miếng cơm manh áo” đã xâm chiếm tâm hồn của các em - lứa tuổi THCS - đáng ra ở lứa tuổi này, các em chỉ cần tập trung cho việc học nhưng các em đã không làm được điều trên.

Một nguyên nhân nữa, khi xuân về Tết đến cũng là lúc những anh những chị đi làm ăn xa mang về nào tiền bạc, quà cáp… làm hoa mắt các em.

Tiếp đến: Đa phần những gia đình nông thôn nơi đây quan niệm rằng “Học nhiều cũng không xin được việc vì vấn nạn thất nghiệp sau khi học xong đại học, cao đẳng tràn lan, con em của họ cũng cùng cảnh ngộ, gì bằng nghỉ học ngay khi đang học rồi đi kiếm tiền sẽ tốt hơn. Đằng nào cũng kiếm tiền.”

Với những nguyên nhân trên đã làm cho những học sinh đang ở “tuổi mộng mơ” phải gác lại giấc mơ học tập của riêng mình bằng việc bỏ học giữa chừng và đi làm ăn xa.

Năm nay, trong số những học sinh bỏ học trước và sau Tết, có những em nằm trong các đội tuyển luyện thi “gà chọi” của trường tôi. Các em bỏ học trong sự tiếc nuối vô bờ của những giáo viên giảng dạy các em.

Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh của một học sinh - một cậu bé yêu thích học môn Ngữ văn với ước mơ được làm thầy giáo. Em có đôi mắt to, lông mi cong như bờ mi con gái, làn da rám nắng vì cuộc sống cực khổ mưu sinh nửa buổi đến trường, nửa buổi phụ bố mẹ công việc đồng áng.

Tôi quý em ở sự thật thà, chăm chỉ. Em hồn nhiên như đúng lứa tuổi của em. Thế mà…

Khi tôi viết những dòng này cũng là lúc em đã đặt chân đến TP Hồ Chí Minh được nửa tháng. Tôi tiếc cho em khi giấc mơ văn chương tan vỡ.

Tôi thương tôi vì đã không giữ được chân em.Tôi nghe các bạn của em nhắn lại rằng: “Bạn T. không không học nữa, bạn theo chị gái mình vào Sài Gòn học may và định cư ở trong đó”.

Không ai can thiệp được vào cuộc đời của ai cả vì mỗi người có quyền quyết định tương lai của chính mình. Hạnh phúc hay đau khổ, thành công hay thất bại tùy thuộc vào sự lựa chọn của mỗi người. Nhưng sao nghĩ về các em - lứa tuổi đang “học làm người lớn” phải bỏ học giữa chừng để đi “tha hương cầu thực”, lòng tôi thắt lại như có ai đó bóp lấy trái tim mình.

Có thật sự cần thiết không khi một bộ phần học sinh chưa hoàn thành cấp học THCS cứ bỏ học sau mỗi dịp Tết như thế? Ai đảm bảo rằng tương lai của các em không có sóng gió?

Chúng ta nói nhiều đến xã hội hóa giáo dục, phổ cập người dân học đến bậc THPT  hay THCS mà bỏ sót những những học sinh ở diện bỏ học nửa chừng như thế này thì thật là thiếu sót.

Làm gì để đảm bảo cho tất cả các học sinh trong độ “tuổi ăn tuổi học” hoàn thành giấc mơ học tập của các em? Đó là câu hỏi mà đến nay vẫn chưa có câu trả lời.

Thanh Thanh

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.

Xin trân trọng cảm ơn!