Hà Nam: Sẵn sàng triển khai ứng dụng hệ thống học bạ điện tử

(Dân trí) - Mặc dù vẫn đang trong thời gian chờ quyết định của Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT cho việc triển khai thực hiện đưa hệ thống học bạ điện tử vào áp dụng nhưng hiện nay Sở GD&ĐT tỉnh Hà Nam đã chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng để triển khai ứng dụng này.

Từ năm học 2013-2014, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Nam đã triển khai hệ thống sổ điểm điện tử, cùng với sổ điểm điện tử, ngành giáo dục Hà Nam cũng đã xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện triển khai ứng dụng hệ thống học bạ điện tử ở tất cả các trường phổ thông, sớm bỏ hoàn toàn học bạ giấy.

Theo đó, ngành giáo dục Hà Nam đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống phần mềm dữ liệu và được tích hợp trong trang web chung của ngành. Mỗi Phòng GD&ĐT, trường học, học sinh được cung cấp một tài khoản riêng.

Hà Nam: Sẵn sàng triển khai ứng dụng hệ thống học bạ điện tử - 1

Ngành giáo dục Hà Nam đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống phần mềm dữ liệu và được tích hợp trong trang web chung của ngành. Mỗi Phòng GD&ĐT, trường học, học sinh được cung cấp một tài khoản riêng.

Tại Trường THPT C Kim Bảng, huyện Kim Bảng, Hà Nam, từ năm học 2013-2014, Ban Giám hiệu nhà trường đã tích cực sử dụng phần mềm sổ điểm điện tử để thay thế cho sổ điểm giấy. Từ cơ sở số hóa của phần mềm sổ điểm điện tử, cán bộ, giáo viên nhà trường dễ dàng tìm kiếm thông tin thường xuyên quá trình học. Đặc biệt, hệ thống này sẽ giúp giáo viên giảm nhiều áp lực ghi chép, nhận xét các loại hồ sơ, sổ sách, việc phê học bạ theo mẫu hệ thống, thực hiện trên máy tính vì thế cũng được diễn ra rất nhanh, chính xác.

Cô Nguyễn Thị Lương, Hiệu trưởng Trường THPT C Kim Bảng cho biết: “Việc sử dụng sổ điểm điện tử và tiến tới học bạ điện tử sẽ kiểm tra được việc thực hiện nề nếp chuyên môn, đặc biệt là việc chấm và trả bài của giáo viên có thường xuyên hay không. Đặc biệt, qua phần mềm sổ điểm điện tử, chúng tôi có thể cập nhật và đánh giá các bài kiểm tra học sinh đạt tỷ lệ ở mức nhận biết, thông hiểu hay vận dụng để từ đó sẽ lên kế hoạch dạy và ôn tập theo giáo án phù hợp…”.

Hà Nam: Sẵn sàng triển khai ứng dụng hệ thống học bạ điện tử - 2

Việc sử dụng sổ điểm điện tử và tiến tới học bạ điện tử sẽ kiểm tra được việc thực hiện nề nếp chuyên môn, đặc biệt là việc chấm và trả bài của giáo viên có thường xuyên hay không

Hệ thống học bạ điện tử khi được áp dụng sẽ giúp toàn bộ công tác quản lý được tự động hóa theo quy trình và trên một mô hình tập trung. Tất cả các dữ liệu phần mềm chính thống được chuyển đồng bộ, tự động từ các trường tới cơ quan quản lý cấp trên (phòng, sở).

Mỗi khi cần số liệu thống kê của bất cứ một cấp hay kiểm tra kết quả học tập và thông tin của bất cứ một học sinh nào đó, các cơ quan quản lý cấp trên chỉ thực hiện một vài thao tác đơn giản là đã có đầy đủ số liệu chính xác, thay cho việc kiểm tra trực tiếp hoặc tổng hợp và chờ đợi từ các đơn vị gửi lên như đã thực hiện nhiều năm trước đây.

Đồng thời, hệ thống học bạ điện tử còn tạo điều kiện cho cha mẹ học sinh chủ động kiểm tra, nắm bắt kết quả học tập của con em mình, có sự trao đổi thông tin với giáo viên một cách thường xuyên, thuận lợi..

Hà Nam: Sẵn sàng triển khai ứng dụng hệ thống học bạ điện tử - 3

Để học bạ điện tử chính thức hoạt động mang tính pháp lý thay thế học bạ giấy, việc xây dựng được quy chế quản lý và sử dụng học bạ điện tử phải có quy định về phương thức thực hiện

Để học bạ điện tử chính thức hoạt động mang tính pháp lý thay thế học bạ giấy, việc xây dựng được quy chế quản lý và sử dụng học bạ điện tử phải có quy định về phương thức thực hiện. Cụ thể, các trường sẽ phải thành lập Ban Quản trị phần mềm học bạ điện tử. Hiệu trưởng các trường sẽ là người chịu trách nhiệm quản lý mọi tài khoản sử dụng phần mềm học bạ điện tử tại đơn vị, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo mật tài khoản, các quy định về cập nhật điểm số và các thông tin khác của giáo viên, học sinh vào cơ sở dữ liệu của nhà trường.

Các quản trị viên sẽ làm nhiệm vụ nhập điểm các bài thi, bài kiểm tra tập trung, báo cáo tiến độ nhập điểm và quản lý chặt chẽ, nghiêm túc việc sửa chữa điểm đã nhập cũng như các chế độ bảo mật thông tin trong sổ điểm điện tử theo đúng nguyên tắc, đúng quy trình, tránh tuyệt đối tình trạng “cấy” điểm và chỉnh sửa học bạ như trước.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Nam cho biết, đến thời điểm này, cơ sở dữ liệu và điểm số học sinh đã được Sở triển khai số hóa trên phần mềm điện tử. Từ dữ liệu này có thể in ra sổ học bạ điện tử cho học sinh. Tuy nhiên, học bạ điện tử chưa được Bộ ban hành văn bản tạo cơ sở pháp lý nên Sở vẫn sử dụng song song hai hệ thống.

Đức Văn