Cựu sinh viên Stanford khuyên: Đừng khởi nghiệp khi chưa đủ trăn trở!

(Dân trí) - Khi nhiều bạn trẻ tìm đến hỏi về khởi nghiệp thì khác với mọi người kêu gọi hãy khởi nghiệp đi, ThS Văn Đinh Hồng Vũ, cựu sinh viên Đại học Stanford trả lời: "Đừng nên khởi nghiệp!" - nhất là khi bạn chưa thật sự có trăn trở cho một sự thay đổi.

Chương trình "Ai - Blockchain và câu chuyện khởi nghiệp" với sự chia sẻ của nhiều gương mặt startup công nghệ Việt Nam và thế giới, tốt nghiệp từ những trường ĐH nổi tiếng thế giới diễn ra tại ĐH Văn Lang chiều 1/11 thu hút hàng ngàn sinh viên tại TPHCM tham dự. 

Đủ trăn trở, hãy khởi nghiệp!

ThS Văn Đinh Hồng Vũ - cựu SV ĐH Stanford, 1 trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2018 bày tỏ, nhiều bạn trẻ đến hỏi về khởi nghiệp, thì phần lớn chị trả lời: "Đừng nên khởi nghiệp, vì rất khó!". 

Cựu sinh viên Stanford khuyên: Đừng khởi nghiệp khi chưa đủ trăn trở! - 1

Cực sinh viên các trường ĐH nổi tiếng trên thế giới chia sẻ về khởi nghiệp 

Nói về sáng lập Elsa của mình - ứng dụng luyện phát âm chuẩn giọng bản ngữ theo cơ chế của trí thông minh nhân tạo (AI) được Forbes nhắc đến trong danh sách 4 công ty sử dụng IA thay đổi thế giới, và lọt vào top 5 các ứng dụng AI hàng đầu hiện nay, chị Hồng Vũ cho hay ứng dụng này xuất phát từ hoàn cảnh, trăn trở của mình. 

Khi học ở Việt Nam, ngoại ngữ là công cụ để mình đạt được những khát vọng. Nhưng khi qua Mỹ, cũng chính là ngoại ngữ làm chị và rất nhiều du học sinh khác mất đi sự tự tin. Mình viết rất tốt, viết ngữ pháp tiếng Anh có thể tốt hơn người Mỹ, đọc rất trôi nhưng nói... thì không ai hiểu. 

Chị Hồng Vũ tự hỏi, tại sao chúng ta phải bỏ rất nhiều tiền để học tiếng Anh nhưng không thể sử dụng, mất nhiều cơ hội công bằng cho bản thân. Đây là vấn đề thời đại ảnh hưởng đến con người, sinh viên quốc tế. Nếu mình không làm thì ai sẽ làm, nên đã "đưa đẩy" chị khởi nghiệp. 

Chị Hồng Vũ nên quan điểm, người trẻ đừng nên khởi nghiệp khi chưa thật sự trăn trở, ước mơ với vấn đề nào đó của xã hội, mong muốn chúng phải được giải quyết. Một khi bạn có đủ sự trăn trở, ước mơ thì điều này thôi thúc bạn khởi nghiệp.

Mất cả triệu đô vì quên... bài test cực đơn giản 

Song song với dự án giáo dục Everest Education vừa gọi vốn thành công 4 triệu USD từ một quỹ đầu tư vốn tư nhân, vào năm 2015, ThS Quản trị Kinh doanh của Trường Kinh doanh Harvard, anh Ngô Chí Giang cũng thực hiện một dự án khác. 

Cầm cự được 2 năm thì anh "đốt sạch" hơn 1 triệu USD vay từ người thân, bạn bè... Trong nỗi đau thương đó, anh chỉ còn sức nói với mọi người lời xin lỗi "mình xài hết tiền rồi". 

Cựu sinh viên Stanford khuyên: Đừng khởi nghiệp khi chưa đủ trăn trở! - 2
Sinh viên quan tâm đến khởi nghiệp trong đời đại trí tuệ nhân tạo

Anh Giang kể, đưa một mô hình đã thành công ở nước ngoài về, xây hẳn bộ máy đồ sộ với toàn bộ các quy trình "ngốn" rất nhiều vốn. Với kinh nghiệm đầy mình nhưng anh phải mất hai năm, mất hàng chục tỷ và bao nhiêu đau khổ để nhận ra bài học cơ bản là mình đã quên làm bài 'test" nhu cầu thị trường Việt Nam với những thao tác cực rất đơn giản, chưa cần đến bộ máy, sản phẩm. 

TS Vũ Duy Thức, người được vinh danh top 40 người dưới 40 tuổi nổi bật nhất tại thung lũng Silicon năm 2017 chia sẻ, cách đây không lâu, anh thực hiện một dự án ứng dụng dùng trên Facebook. 

Mất hơn nửa năm với nhiều công sức, tiền bạc, họ tự đánh giá ứng dụng rất đẹp, rất thú vị, nhưng khi đưa ra thì không ai dùng hết. 

Bài học từ của sự thất bại của họ có thể dành cho tất cả các bạn trẻ muốn khởi nghiệp: sản phẩm phải đi từ nhu cầu của người sử dụng. 

Thất bại lớn nhất là chưa từng thất bại

Khi Hồng Vũ vừa đến ĐH Stanford, một giáo sư ngày đầu vào lớp, hỏi sinh viên: Bạn nào có thể đứng lên kể câu chuyện mình từng bất bại? 

64 sinh viên chỉ nhìn qua nhìn lại. Một lúc sau, người thầy trả lời: Tất cả các bạn ở đây đều thất bại. Vì thất bại lớn nhất là các bạn chưa hề có thất bại!

Để đến được ngôi trường ĐH mơ ước, các bạn lúc nào cũng phải đạt điểm cao, lúc nào cũng phải đạt thành tích, chọn công việc mình thành công... Các bạn sợ thất bại và đã đặt mình vào môi trường an toàn. Chỉ dám dấn thân khi biết cơ hội thành công cao. 

Ông thầy gửi gắm: Sau khi ra trường, các em hãy thất bại - thất bại thật sự! Khi đó, bạn mới được thả mình ở một sân chơi lớn hơn ngoài "vòng vây an toàn". 

Một trong những yếu tố quan trọng khi khởi nghiệp, theo chị Hồng Vũ chính là việc hiểu cá tính, bản thân của mình cùng với việc nắm bắt và khai thác được sự hỗ trợ của công nghệ.

Ngoài ra, phải dám đương đầu với thất bại vì có đến... 95% khởi nghiệp thất bại. Tuy nhiên, thất bại cũng cần có kinh nghiệm để giữ lại được cái gì, đừng để mất trắng, không còn cơ hội làm tiếp. 

Hoài Nam 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm