Công khai những đơn vị dạy thêm, học thêm “chui”

(Dân trí) - Kết quả thanh tra phải được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc bằng hình thức khác theo quy định của pháp luật về việc quản lý, tổ chức thực hiện dạy thêm, học thêm, thu, chi và sử dụng tài liệu tham khảo trong trường phổ thông.

Đó là một trong những nội dung công văn tiếp tục chấn chỉnh hoạt động dạy học thêm, thu, chi, sử dụng tài liệu tham khảo sai quy định của Bộ GD-ĐT gửi các Sở GD-ĐT ngày 11/12

Theo nội dung công văn, Bộ GD-ĐT nhận định, các Sở GD-ĐT đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2013-2014 tại địa phương với nhiều chuyển biến tích cực. Tuy vậy, qua thanh tra đầu năm và phản ánh của phương tiện thông tin đại chúng cho thấy ở một số nơi còn những tồn tại, hạn chế như: Chậm tham mưu với UBND tỉnh, thành phố ban hành văn bản quy định về dạy thêm, học thêm (DTHT); quản lý chưa chặt chẽ để một số cơ sở giáo dục, cá nhân tổ chức DTHT trong và ngoài trường khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép; còn có hiện tượng giới thiệu và sử dụng sách tham khảo không đúng quy định; không công khai các khoản thu, chi...

Để tiếp tục thực hiện đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, giữ vững kỷ cương, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, Bộ yêu cầu các sở GD-ĐT tiếp tục tổ chức, quán triệt sâu sắc các Thông tư của Bộ GD-ĐT ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh; quy định về dạy thêm, học thêm; quy định về mặc đồng phục và lễ phục tốt nghiệp của HSSV và công văn số 2372 của Bộ GD-ĐT về việc sử dụng sách, tài liệu tham khảo trong trường phổ thong và các văn bản liên quan khác.

Phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh, thành phố ban hành đầy đủ kịp thời văn bản quy định về dạy thêm, học thêm, về thu, chi của cơ sở giáo dục và ban hành quy định về sử dụng sách, tài liệu tham khảo trong trường phổ thông.

Tiếp tục tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có). Kết quả thanh tra phải được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc bằng hình thức khác theo quy định của pháp luật để cùng rút kinh nghiệm về việc quản lý, tổ chức thực hiện dạy thêm, học thêm, thu, chi và sử dụng tài liệu tham khảo trong trường phổ thông.
 
Trước đó, trong buổi đối thoại về dạy thêm học thêm, đổi mới thi cử, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: “Triển khai Đề án đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT, sẽ không còn dạy thêm - học thêm tràn lan, tiêu cực mà sẽ là dạy thêm - học thêm xuất phát từ nhu cầu, đáp ứng được quyền lợi của các em học sinh”.

Theo Thứ trưởng Hiển, lý do giờ học chính khóa ít cũng là yếu tố tạo nên dạy thêm - học thêm. Sắp tới sẽ hướng tới việc tăng giờ học - trước hết bằng cách tự nguyện. Gia đình và nhà trường có điều kiện thì tăng số giờ học cho các em được học tại trường, trong đó, chủ yếu tăng số giờ học sinh tự học có sự hướng dẫn của giáo viên để quá trình học tập hiệu quả hơn, rèn được phương pháp tự học cho học sinh.

Cùng đó, không đặt toàn bộ tương lai của các em vào một kỳ thi, mà sẽ có đánh giá trong cả quá trình. Hết môn nào, hết chuyên đề nào thì kiểm tra, đánh giá chuyên đề đó. Như vậy áp lực thi cử giảm, và điều kiện để dạy thêm - học thêm phát triển cũng không còn. Bởi bản thân người học không có nhu cầu, và người dạy cũng không thể gợi ý để học sinh phải học thêm.

Hồng Hạnh