Cô giáo kể chuyện: Nước mắt của lớp trưởng

(Dân trí) - Đã hơn một tuần trôi qua nhưng những giọt nước mắt tức tưởi và khuôn mặt tái mét của hai cô bé lớp 9 vẫn làm tôi day dứt vô cùng. Mỗi tiết học phải có nề nếp, người thầy phải duy trì kỷ cương trường lớp là lẽ tất nhiên. Vậy nhưng có những lúc sự nghiêm khắc của thầy cô đã khiến trò bật khóc, sợ hãi.

Đó là hai cô bé học trò mà tôi rất mực yêu mến bởi các em ngoan ngoãn, học giỏi lại vô cùng nhiệt tình trong các phong trào trường lớp.

Một em là lớp trưởng khá nổi bật trong khối 9 và em còn lại là lớp phó học tập mấy năm liền có điểm tổng kết cao nhất nhì khối. Vì học giỏi lại hoạt động đội năng nổ nên hai em thường xuyên có mặt trong các cuộc thi, phong trào hoạt động ngoài giờ.

Lần này cũng vậy, hai em có tên tham gia cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật. Sau một thời gian miệt mài chuẩn bị cho cuộc thi, chỉ còn một ngày nữa thôi sẽ tham gia thi đấu vòng thị xã với đội bạn, tôi gọi hai em lên phòng hội đồng dặn dò chuẩn bị một số công việc và làm công tác tư tưởng, động viên các em.

Mới gặp và dặn dò các em được khoảng 5 phút, cô bé lớp trưởng rụt rè đề nghị tôi sang phòng bên cạnh xin cô giáo dạy bộ môn Thể dục cho phép em vào tiết muộn ít phút. Tôi hiểu nỗi lo lắng của em bởi giáo viên bộ môn ấy có tiếng là nghiêm khắc với học sinh. Vả lại, tôi nghĩ một tiếng nói xin phép chẳng mất mát gì bởi tôi đang mượn học trò của cô ấy trong tiết Thể dục.

Vậy là tôi sang phòng thư viện nơi một số giáo viên đang ngồi chuyện trò để mở lời xin cô giáo bộ môn Thể dục cho tôi "mượn" học trò khoảng 10 phút. Đáp lại câu nói nhỏ nhẹ và nụ cười "xin xỏ" của tôi là một khuôn mặt khó đăm đăm và tiếng nói oang oang cất lên: "V. đâu rồi? Xuống tập trung lớp trễ một phút là chạy quanh sân 10 vòng nghe chưa? Trễ mấy phút rồi?".

Cô bé V. hớt hơ hớt hải vơ vội cái mũ đội lên đầu và tấm tức quẹt nước mắt chào tôi để xuống sân tập. Cô bé P. mặt tái mét kể thì thầm với tôi năm trước cũng từng bị cô giáo ấy đuổi học và quyết không cho vào lớp đến khi phụ huynh đến xin chỉ vì cái tội… đi học trễ. Còn mấy em từng xin xỏ đi học bồi dưỡng hay đi thi thố phong trào nào đó mà vắng học Thể dục cũng y như rằng phải chạy vài ba vòng quanh sân.

Tôi ngẫm và buồn vô cùng với ứng xử của một giáo viên lớn tuổi mà tôi luôn kính trọng. Dẫu biết trong thực tế có không ít trường hợp "mượn" học sinh đi huấn luyện, bồi dưỡng một cách thường xuyên, công khai phớt lờ giáo viên bộ môn khiến không ít mâu thuẫn, xích mích từ đó nảy sinh.

Điều này là không thể chấp nhận, bởi ở đây có sự phân biệt môn chính - môn phụ, hoạt động dạy học - phong trào mũi nhọn khiến nhiều giáo viên đứng lớp đôi khi có cảm giác bị xem thường bởi nhà trường thích "mượn" học sinh là cứ thế điều đi khiến hoạt động dạy học và chất lượng giáo dục bộ môn bị giảm sút.

Chính điều đó lý giải tại sao nhiều giáo viên bộ môn tỏ thái độ khó chịu và không hợp tác mỗi khi có người ngỏ ý "mượn" học sinh. Bởi vậy, trong các phiên họp hội đồng, nhà trường thường "đánh tiếng" về sự thông cảm, tạo điều kiện cho một số học sinh khá giỏi, năng khiếu tham gia hoạt động.

Trở lại câu chuyện của chính tôi hôm đó, những giọt nước của cô bé lớp trưởng hôm đó làm tôi trăn trở vô cùng. Tùy tình huống, hoàn cảnh để người thầy khắt khe với học sinh và khó chịu ra mặt với đồng nghiệp!

Em lớp trưởng ấy đã sai ư? Tôi nghĩ là không!

Tôi đã sai ư? Tôi cũng nghĩ là mình đã làm hết trách nhiệm và đã chủ động mở lời xin phép cho học sinh vào trễ tiết học 10 phút!

Là đồng nghiệp với nhau, lẽ ra nên hỗ trợ và động viên nhau cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ mà nhà trường giao chứ không phải gây khó khăn và khắt khe đến mức quát nạt học sinh và bỏ mặc một giáo viên đáng tuổi em út đang sững sờ và hụt hẫng tột cùng như thế!

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .

Xin trân trọng cảm ơn!