AUN là Kiểm định Chất lượng hay Chứng nhận Chất lượng

(Dân trí) - Trong cả nước có khoảng 150 chương trình đạt các chuẩn chất lượng giáo dục quốc tế thì có đến 116 chương trình đạt chuẩn AUN.

Gần đây nhất, trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng thông báo có 7 chương trình của trường đạt chuẩn AUN (đầy đủ là AUN QA). Nhiều người nói rằng AUN là một Kiểm định Chất lượng Giáo dục Đại học danh tiếng mà nhiều trường đại học ở Việt Nam đang theo đuổi. Trên thực tế, AUN QA chính xác hơn chỉ là một Chứng nhận Chất lượng Giáo dục của Mạng lưới các trường đại học ở Đông Nam Á, chứ không phải là Kiểm định Giáo dục, và bản thân AUN cũng luôn luôn khẳng định đi khẳng định lại điều đó.

Kiểm định Chất lượng hay Chứng nhận Chất lượng (“Accreditation” or “Certification”)

Với năng lực của hệ thống Kiểm định Chất lượng giáo dục Việt Nam chưa đáp ứng đủ nhu cầu kiểm định bắt buộc về cả chương trình và cơ sở đào tạo của tất cả các trường đại học và cao đẳng, các trường được khuyến khích tham gia Kiểm định Chất lượng quốc tế nếu có khả năng. Để đánh giá đúng về các loại hình kiểm định, loại hình chứng nhận… chúng ta cần cái nhìn đúng và đầy đủ về chức năng, sứ mệnh, mục tiêu của các tổ chức đánh giá/kiểm định tương ứng mà các trường ĐH của Việt Nam đang đồng hành hay hướng đến.

AUN là Kiểm định Chất lượng hay Chứng nhận Chất lượng - 1

Bảng thống kê tất cả các trường đại học ở Việt Nam có chương trình được kiểm định Quốc tế uy tín tính đến ngày 22/11/2019.

ABET: Hội đồng Kiểm định Kỹ thuật và Công nghệ, Hoa Kỳ
FIBAA: Quỹ Kiểm định các chương trình quản trị kinh doanh quốc tế
ACBSP: Hội đồng Kiểm định các trường và chương trình đào tạo về kinh doanh, Hoa Kỳ
AMBA: Hiệp hội MBA
IACBE: Hiệp hội quốc tế các trường đại học đào tạo ngành kinh doanh
HCERES: Hội đồng cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp
ENAEE: Mạng lưới kiểm định đào tạo kỹ thuật của châu Âu

AUN là Kiểm định Chất lượng hay Chứng nhận Chất lượng - 2

Biểu đồ cho thấy tỷ lệ chương trình của các trường đại học ở Việt Nam đạt kiểm định Quốc tế so với các chương trình của các trường đại học Việt Nam đạt chứng nhận chất lượng AUN.

Kiểm định (Accreditation): chất lượng giáo dục quốc tế là sự công nhận, đánh giá khắc khe và uy tín của một tổ chức độc lập về hoạt động của một trường đại học/cao đẳng hay một chương trình đào tạo của trường đại học/cao đẳng đó, từ đó giúp trường cải tiến, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục. Kiểm định Chất lượng còn đóng vai trò định hướng giúp các trường có cơ sở để đánh giá, tham chiếu và thực hiện các chiến lược nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định vị thế trong khu vực và trên trường quốc tế. Yếu tố độc lập của tổ chức kiểm định là điểm nhất cho sự minh bạch, khách quan, nghiêm túc và chặt chẽ trong việc tiến hành công tác kiểm định - đây cũng là sự khác biệt cơ bản của Kiểm định Chất lượng so với Chứng nhận Chất lượng. Việc đạt chuẩn kiểm định, vì thế, như một minh chứng chất lượng khách quan cho tất cả các bên liên quan, đối tác của nhà trường và sinh viên về hiện trạng chất lượng của trường. Các chuẩn kiểm định độc lập điển hình là:

- ABET (Kiểm định Chất lượng cho khối ngành kỹ thuật);

- AACSB, ACBSP, IACBE (Kiểm định Chất lượng khối ngành kinh tế, quản trị);

- LCME, ACGME (Kiểm định Chất lượng cho khối ngành y dược);

- …

Chứng nhận Chất lượng (Certification): đơn giản hơn so với Kiểm định Chất lượng, là chỉ cần đạt bao nhiêu mức tối thiểu của tiêu chí hay tiêu chuẩn do một hội đồng đánh giá hay hội đồng nghiên cứu và giáo dục đề ra thì sẽ được công nhận chuẩn chất lượng. Giá trị của Chứng nhận chất lượng (giáo dục) thường chỉ bó hẹp trong một phạm vi vùng hoặc lãnh thổ, qua công nhận lẫn nhau giữa các thành viên, tổ chức trong cùng một hội nhóm, không mang tính chính thống cao. Lý do là vì các hội đồng đánh giá hay hội nhóm chuẩn chất lượng này không phải là các đơn vị độc lập khỏi các cơ sở giáo dục được đánh giá, nên thiếu tính khách quan và trung dung trong đánh giá.

AUN là Kiểm định Chất lượng hay Chứng nhận Chất lượng - 3
AUN luôn khẳng định trong các lần tập huấn và đánh giá: “AUN QA… a framework for program assessment, not accreditation… based on self assessment” hay “AUN QA là khung đánh giá chương trình, không phải kiểm định… dựa trên tự đánh giá”

Ví dụ điển hình là chuẩn chất lượng AUN QA (thuộc Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á - AUN); mạng lưới này tạo ra chuẩn chất lượng và dùng chính chuẩn AUN QA để đánh giá cho bản thân mình, tức các trường thành viên trong mạng lưới. Ở đây có sự mâu thuẫn về yếu tố lợi ích, nên dù có thể minh bạch, nhưng lại thiếu tính khách quan và trong một số trường hợp là sự nghiêm túc của Kiểm định Chất lượng Giáo dục. Vì thế, AUN trong các phần trình bày trên thế giới của mình luôn nhấn mạnh nhiều lần rằng chuẩn chất lượng của mình không phải là Kiểm định Chất lượng (Accreditation) mà chỉ là Chứng nhận Chất lượng (Certification). Sứ mệnh của AUN đơn thuần là thúc đẩy công tác đảm bảo chất lượng, thúc đẩy cạnh tranh trong khu vực.