53/61 địa phương được nâng hạng từ kết quả đối sánh điểm thi - học bạ

(Dân trí) - Có 53/61 địa phương được nâng hạng, từ trung bình lên khá, 1 địa phương từ khá lên giỏi (là Hải Phòng, từ 6.53 lên đạt 8.13) và 1 địa phương từ trung bình, lên giỏi (Long An, từ  6.3 lên 8.0).

Chiều tối ngày 27/8, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT công bố kết quả đối sánh điểm trung bình chung giữa kết quả thi tốt nghiệp THPT và học bạ năm 2020 theo hướng so sánh điểm trung bình của tổng 9 môn thi với điểm trung bình học bạ lớp 12 của tổng 9 môn học tương ứng, theo các môn thi thực tế mà mỗi học sinh lựa chọn.

53/61 địa phương được nâng hạng từ kết quả đối sánh điểm thi - học bạ - 1
53/61 địa phương được nâng hạng từ kết quả đối sánh điểm thi - học bạ - 2
53/61 địa phương được nâng hạng từ kết quả đối sánh điểm thi - học bạ - 3

Bảng xếp hạng đối sánh kết quả thi tốt nghiệp THPT và học bạ của các tỉnh năm 2020

Bình luận về kết quả đối sánh này, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, học sinh chọn thi bài thi môn Khoa học xã hội (KHXH) sẽ tính trung bình các điểm thi tốt nghiệp của 6 môn thi (Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) và đối sánh với trung bình các điểm học bạ của 6 môn học tương ứng ở lớp 12 (việc đối sánh chỉ dừng lại ở lớp 12 bởi phạm vi kiến thức trong đề thi tốt nghiệp THPT 2020 chỉ tập trung ở lớp học này).

Kết quả đối sánh cho thấy có 17 địa phương có độ lệch dưới 1 điểm. Độ lệch thấp nhất dẫn đầu cả nước là Bình Dương: 0.32 điểm.

Đáng lưu ý đây cũng là tỉnh luôn lọt vào trong danh sách 10 địa phương có điểm thi trung bình cao nhất về Toán, Ngữ Văn,  Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa Lý, Giáo dục công dân và Tiếng Anh liên tục trong 4 năm liên tiếp từ 2017 đến nay. 

Có 9 địa phương có độ lệch khá cao, trên 1, 5 điểm: Lệch cao nhất là Nghệ An và Long An: 1,7 điểm; tiếp đến là Quảng Ninh: 1,69; Phú Yên: 1,67; Hà Giang: 1,65; Bắc Ninh: 1,61; Hải Phòng: 1,59; Hưng Yên: 1,57 và Hòa Bình: 1,51;

Đáng lưu ý là Hà Nội là địa phương cũng có độ lệch cao thứ 10: 1.47. Tiếp đó là Sơn La, độ lệch là 1.43 điểm.

GS.TS Nguyễn Đình Đức cho rằng, nếu xếp hạng theo kết quả thi THPT, cả nước chỉ có 9 địa phương có điểm trung bình chung đạt loại khá, từ 6.5 trở lên, là Bình Dương: 6.84, Nam Định: 6.82, An Giang: 6.68; Ninh Bình: 6.62; Hà Nam: 6.59; TP Hồ Chí Minh: 6.56; Hải Phòng: 6.53; Bạc Liêu: 6.52 và Vĩnh Phúc 6.5.

Nhưng với độ lệch như trên, thì kết quả theo học bạ, tất cả các địa phương trong cả nước đều đạt điểm trung bình chung từ loại khá 6.5 trở lên; có 53/61 địa phương được nâng hạng, từ trung bình lên khá, 1 địa phương từ khá lên giỏi (là Hải Phòng, từ 6.53 lên đạt 8.13) và 1 địa phương từ trung bình, lên giỏi (Long An, từ  6.3 lên 8.0).

Nếu đánh giá so sánh đối chiếu giữa kết quả từng môn học của kỳ thi THPT với kết quả học bạ cho thấy có sự chênh theo cả 2 chiều cộng, và trừ; nhưng nếu tính điểm trung bình chung của tất cả các môn với cách tính như đã trình bày ở trên, thì tất cả các địa phương trong cả nước đều có kết quả đánh giá theo học bạ luôn cao hơn kết quả của kỳ thi THPT (chỉ chênh theo chiều cộng).

53/61 địa phương được nâng hạng từ kết quả đối sánh điểm thi - học bạ - 4

khi học sinh cả nước cùng tham dự một kỳ thi với chung đề thi, thì việc đánh giá học sinh sẽ sát hơn trình độ của các em.

GS.TS Nguyễn Đình Đức khẳng định: "Việc công khai đối sánh kết quả thi THPT và đánh giá theo học bạ của Bộ là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, công khai minh bạch.

Từ việc đối sánh kết quả thi tốt nghiệp THPT với điểm học bạ, một lần nữa cho thấy mặc dù dịch bệnh Covid đang diễn ra phức tạp, nhưng với nỗ lực cao nhất của Chính Phủ, Bộ Giáo dục Đào tạo và các địa phương, của các thầy cô và các em thí sinh, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, rất thành công, có sự phân hóa thí sinh, đạt các mục tiêu đề ra.

Mặt khác, cũng khẳng định rằng khi học sinh cả nước cùng tham dự một kỳ thi với chung đề thi, thì việc đánh giá học sinh sẽ sát hơn trình độ của các em, qua đó đồng thời cung cấp nhiều thông tin để các nhà trường, địa phương và ngành giáo dục điều chỉnh việc dạy và học, điều chỉnh việc kiểm tra đánh giá phù hợp hơn, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường, địa phương và toàn ngành".