Xử lý thế nào khi trẻ trộm tiền?

Kiều Phương

(Dân trí) - Nhà giáo Đoàn Thùy Anh chia sẻ, đôi khi, trẻ lấy tiền chỉ đơn giản là để thu hút sự chú ý của người lớn. Và giải pháp để trị tận gốc hành vi xấu này của trẻ chính là dùng sự thấu hiểu và yêu thương.

"Ăn đòn" vì "mới nứt mắt mà đã trộm vặt"

Phụ huynh Hoàng Thanh Thúy (Hà Nội) chia sẻ, nhà có ba người, tin tưởng nhau nên vợ chồng chị cất giữ tiền bạc rất dễ dãi, tiện chỗ nào là bỏ chỗ đó, từ tiền lẻ cho đến tiền trăm.

Tuy nhiên, một lần mở cặp con trai để kiểm tra tình hình học tập, vị phụ huynh này bất ngờ khi thấy trong cặp con có rất nhiều tiền. Thậm chí, có tờ tiền mệnh giá lớn như 200.000 đồng.

Không thể tin con trai vốn ngoan hiền lại sinh tật "táy máy" này, chị Thúy đã quyết định hỏi cho ra lẽ.

Phụ huynh này kể lại, lúc đầu, con chối đây đẩy, thậm chí còn nói với mẹ rằng đó là tiền bạn cho. Nhận thấy sự bất hợp lý, chị Thúy đã dùng đến biện pháp dọa dẫm. Sau một hồi quanh co, con thừa nhận đã lấy tiền mà bố mẹ để ở kệ sách gia đình.

Xử lý thế nào khi trẻ trộm tiền? - 1
Việc trẻ nhỏ trộm tiền khiến không ít phụ huynh tỏ ra thất vọng và giận dữ (Ảnh minh họa).

"Tôi hoàn toàn thất vọng. Thằng bé không chỉ ăn trộm mà còn học cách nói dối. Lúc đó, tôi ngồi thụp xuống đất và đầu óc quay cuồng tự hỏi: Tại sao con tôi lại làm điều này, tôi đâu có dạy dỗ con như vậy?", phụ huynh Hoàng Thanh Thúy chia sẻ.

Con không trộm tiền nhưng phụ huynh N.B.L. (Hải Phòng) vô cùng rối trí khi phát hiện cô con gái học lớp 2 "hồn nhiên" lấy hộp bút chì màu của bạn về "làm của riêng". Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở thái độ thất vọng, vị phụ huynh này còn trút cơn thịnh nộ vào con bằng một trận đòn.

"Nghĩ đến việc con ăn cắp vặt, tôi bực không chịu nổi. Tôi liên tục mắng con là "mới nứt mắt đã học cái thói trộm cắp thì lớn lên lại đầu trộm đuôi cướp mà thôi" và đánh cháu cho chừa cái thói xấu xa" - chị L. chia sẻ.

Cơn "điên" lên đến đỉnh điểm, vị phụ huynh này còn lôi con ra khỏi nhà và… đóng chặt cổng lại, mặc kệ cho cô bé đứng khóc nức nở và rối rít van xin…

Trẻ trộm tiền vì muốn được… quan tâm

Khi phát hiện trẻ nhỏ trộm tiền, trộm đồ của người thân, hầu hết phụ huynh đều sốc và phản ứng bằng cách mắng, chỉ trích, kết tội trẻ là hư, xấu... Đây là thái độ phổ biến, dễ hiểu. Tuy nhiên, theo nhà giáo Nguyễn Thị Chuyến (giáo viên môn Giáo dục công dân tại Hải Phòng), phương pháp này chỉ giúp giải tỏa sự bức xúc của người lớn chứ không có tác dụng giúp trẻ nhận thức được cái sai và không tái phạm - mục tiêu chính cần hướng tới.

Nhà giáo này cho rằng, trước tiên, phụ huynh cần kiềm chế cơn giận và bình tĩnh để tìm ra nguyên nhân.

"Bố mẹ nên hỏi xem con lấy tiền ở đâu, như thế nào và vì sao lại có hành động đó. Người lớn cũng cần xác định xem con lấy tiền là lần đầu hay tái phạm nhiều lần. Trẻ lấy tiền cũng có nhiều lý do, có thể là do người lớn để hớ hênh nên đã có hành vi bột phát; hay do con muốn thứ gì quá mà không được đáp ứng…" - cô Chuyến chia sẻ.

Cũng theo giáo viên này, chỉ khi tìm hiểu được nguyên nhân rõ ràng hành vi của trẻ, bố mẹ mới có thể tìm ra cách ứng xử phù hợp và giúp con không tái phạm.

"Nếu trẻ lấy tiền để mua quà, đồ chơi… do không được đáp ứng, phụ huynh hãy giải thích với con cách làm này là không tốt. Và nếu cảm thấy mong muốn của con là hợp lý, bố mẹ hãy đáp ứng cho con những điều mà con cảm thấy thiếu".

Đồng quan điểm, nhà giáo Đoàn Thùy Anh (giáo viên một trường tiểu học ở Vĩnh Phúc) phân tích, trẻ sinh ra vốn bản tính thiện, không có ý muốn làm bất cứ việc gì sai trái. Do đó, nguyên nhân sinh ra hành vi ăn cắp của trẻ phần lớn là do trẻ cảm thấy thiếu tình thương từ những người xung quanh.

"Đôi khi, trẻ lấy tiền chỉ đơn giản là để thu hút sự chú ý của người lớn. Trong tình huống này, giải pháp để trị tận gốc thói ăn cắp vặt của trẻ chính là dùng tình yêu thương".

Minh chứng cho giải pháp "yêu thương", giáo viên này đã chia sẻ mà câu chuyện mà cô từng gặp. Một hôm đến lớp, cô nhận được phản ánh từ lớp trưởng về việc một cậu học sinh đã trộm tiền của cô bé bàn bên. Sau khi lắng nghe, cô đã gọi riêng cậu học sinh này lên tìm hiểu và được biết em đã lấy trộm tiền trong hộp bút của bạn để mua… quà vặt.

Sau đó, giáo viên này đã gọi cho mẹ của học sinh này đến và trao đổi về cách giải quyết: không tức giận, không đánh mắng vì "sự đã rồi"; thay vào đó là nhẹ nhàng phân tích cho con hiểu việc làm như vậy là không tốt, con làm vậy sẽ khiến bố mẹ buồn lòng…

"Bẵng đi một thời gian, vị phụ huynh ấy gọi cho tôi để trao đổi về tình hình của cậu bé. May mắn thay, không chỉ tật xấu của cậu bé không còn, mà mẹ cậu ấy còn bảo với tôi: "Chính bố mẹ cũng học và thay đổi được nhiều điều về cách yêu thương và đồng cảm với con" - cô Thùy Anh tâm sự.

"Đặc trị" hành vi trộm cắp của trẻ

Chia sẻ về cách giáo dục khi phát hiện con trộm tiền, phụ huynh Đoàn Bình Dương (Gia Lai) cho rằng, không có một phương pháp "thần kỳ" nào giúp "đặc trị" vấn đề này ngoài cách cha mẹ thấu hiểu và yêu thương.

Anh Dương kể lại câu chuyện xảy ra trong gia đình. Khi phát hiện trong ví thiếu mất 100.000 đồng, vị phụ huynh này đã giữ im lặng và không vội vàng quy kết ai là người lấy. Trong bữa cơm, anh Dương "thông báo" rằng anh bị mất tiền, và thăm dò ý kiến cậu con trai là có nên gọi… công an không. Nghe những lời này từ bố, cậu con trai của anh đã tỏ ra lo lắng và lẳng lặng trả lại tiền vào ví bố đêm hôm đó.

"Sau đó, tôi có hỏi con là tại sao con lại làm vậy. Con nói do con muốn chơi cờ cá ngựa, mà xin thì mẹ lại từ chối cho tiền mua, nên con đã lấy trộm tiền của bố. Bởi vậy mới nói, trẻ con không hoàn toàn có lỗi. Người lớn cũng nên lắng nghe để hiểu và yêu con nhiều hơn".

Cảm phục những ông bố, bà mẹ luôn kiên nhẫn và thấu hiểu con cái, phụ huynh Tuấn Anh xúc động chia sẻ về câu chuyện xưa cũ của mình.

"Ngày nhỏ, tôi hay lấy trộm tiền của mẹ để chơi điện tử. Sau vài lần, mẹ tôi đã phát hiện ra. Những tưởng sẽ bị mẹ cho "ăn" no đòn, ai ngờ, mẹ lại nhẹ nhàng khuyên răn và cho tôi thời gian để thay đổi. Bây giờ tôi đã làm bố, nghĩ lại mới thấy mẹ thật kiên nhẫn và yêu con".

Vị phụ huynh này cũng cho rằng, trẻ con ăn trộm tiền của cha mẹ không phải chuyện hiếm, và đều xảy ra dẫu thời nay hay xưa. Thay vì kết luận mọi việc theo hướng tiêu cực và trở nên suy sụp, phụ huynh hãy hiểu rằng đây là một hành vi hoàn toàn có thể thay đổi được.

"Chìa khóa nằm ở việc cha mẹ đối xử với con cái thế nào trước việc làm không đúng của chúng. Nếu bố mẹ kiên nhẫn và bao dung, con cái sẽ nhận ra lỗi lầm, chủ động sửa sai. Nếu nóng giận và mất niềm tin vào trẻ, những đứa trẻ sẽ như "chim non gãy cánh", rất dễ lầm đường, trở nên ngược ngạo, thậm chí gây ra những hậu quả khủng khiếp hơn" - anh Tuấn Anh chia sẻ.