Từ tâm dịch Bắc Ninh:

Xót xa làn da phồng rộp, nổi ban trong bộ đồ "xông hơi di động" chống dịch

(Dân trí) - "Bây giờ cứ nhìn thấy đồ bảo hộ là cảm giác sợ. Nhưng nếu vì nỗi sợ ấy mà có suy nghĩ dừng lại và chán nản thì mình đã không đăng ký đi tình nguyện chống dịch", Nguyễn Thị Diệu Linh cho hay.

Say nắng, mất nước nhưng "không thể cùng ngồi nghỉ hết"

Nguyễn Thu Huyền (sinh năm 1999, quê ở Vĩnh Phúc) cùng với Thủy Tiên, Thị Xuân, Thị Bưởi là sinh viên năm cuối trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương, tham gia công tác hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Ngày 19/5, trong lúc thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân địa phương, Huyền và một thành viên khác phải nhờ tới bạn bè hỗ trợ đưa ra ngoài nghỉ ngơi do bị say nắng, không thể tiếp tục đứng vững.

Xót xa làn da phồng rộp, nổi ban trong bộ đồ xông hơi di động chống dịch - 1

2h sáng, sinh viên Nguyễn Thị Diệu Linh ngồi nghỉ sau khi tham gia hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại huyện Thuận Thành, Bắc Ninh.

"Thật ra, cả nhóm chúng mình đều bị say nắng, nhưng không thể cùng ngồi nghỉ hết", Huyền nói. "Cảm nhận của cơ thể mỗi ngày là mệt và nóng nực, mất nước do lấy mẫu xét nghiệm trong điều kiện nắng nóng nhiều giờ liền. Mọi người thường tranh thủ đỡ đần nhau để mỗi người có vài phút nghỉ ngơi", Thu Huyền tâm sự.

Trong chuỗi ngày đỉnh điểm chống dịch, nỗi ám ảnh lớn nhất đối với những người làm công tác trên tuyến đầu là bộ đồ bảo hộ như "phòng xông hơi di động" này.

Mỗi bộ đồ bảo hộ giống như "phòng xông hơi di động" trong tiết trời nóng gần 40 độ, ai mặc nó lên đều phải nhịn mọi nhu cầu cho tới khi được cởi ra.

"Bây giờ cứ nhìn thấy đồ bảo hộ là cảm giác sợ. Nhưng nếu vì nỗi sợ ấy mà có suy nghĩ dừng lại và chán nản thì mình đã không đăng ký đi tình nguyện", Nguyễn Thị Diệu Linh cho hay.

Xót xa làn da phồng rộp, nổi ban trong bộ đồ xông hơi di động chống dịch - 2

Hình ảnh Diệu Linh bày tỏ tình yêu và niềm tự hào dân tộc Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

"Mình cảm thấy tự hào bởi lời nói "quyết tâm, cố gắng" của sinh viên ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương nói riêng và sinh viên các trường Y nói chung, đều được minh chứng bằng hành động cụ thể trong công cuộc chống dịch.

Mặc trang phục bảo hộ kín mít ngày lấy 9.000 - 12.000 mẫu, đứng ròng rã dưới thời tiết oi bức tầm 9 - 12 cũng không phải là chuyện đơn giản. Mình đã chứng kiến cảnh nhiều người đã ngất lên ngất xuống, được đưa vào nghỉ nhưng thấy đồng đội mình còn lấy mẫu được thì mình lại đứng lên xông pha làm tiếp", Linh kể thêm.

Mặc dù chế độ sinh hoạt bị đảo lộn, các công việc cá nhân phải tạm gác kế hoạch học tập bị đẩy lùi nhưng Nguyễn Thế Trọng (21 tuổi, quê ở Yên Phong, Bắc Ninh) lại cảm thấy tự hào và mãn nguyện khi được khoác lên bộ đồ bảo hộ, xông pha vùng tâm dịch để cống hiến một phần sức lực.

Khổ sở nhịn ngứa

"Ngứa lắm… mình gãi như gãi ghẻ vậy" là lời kể chân thật nhất của Nguyễn Thế Trọng sinh viên năm 3 khoa Xét nghiệm trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ở quê nhà, Thế Trọng tình nguyện đăng ký tham gia hỗ trợ lực lượng y tế tuyến đầu. Hiện tại, bạn đang làm việc tại "tâm dịch" huyện Thuận Thành, Bắc Ninh.

Xót xa làn da phồng rộp, nổi ban trong bộ đồ xông hơi di động chống dịch - 3

Hình ảnh làn da của Thế Trọng bị phồng rộp sau khi bị "ngâm" trong mồ hôi nhiều giờ đồng hồ.

Dưới tiết trời oi nóng, lấy mẫu xét nghiệm cho hàng chục nghìn người tại huyện Thuận Thành, Thế Trọng cùng nhiều bạn tình nguyện viên khác phải làm việc liên tục hàng chục giờ đồng hồ trong bộ đồ bảo hộ mà họ gọi vui là "phòng xông hơi di động".

"Mồ hôi đổ ra như tắm, da mình bị "ngâm" trong mồ hôi lâu nên không tránh được việc bị phồng rộp. Mọi người chia ca làm việc nhưng thông thường đều làm quá ca, làm 2-3 ca liên tục. Lúc được tháo đồ bảo hộ ra vào khoảng 10h tối, có hôm là 1-2h sáng, việc đầu tiên mình làm là gãi, gãi như gãi ghẻ bởi ngứa toàn thân, rất khó chịu", Thế Trọng kể.

Cùng đoàn sinh viên trường Y hỗ trợ tại huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, bạn Lê Mai (22 tuổi, quê Vĩnh Phúc) cho biết thêm: "Nhóm mình hầu hết đều bị nổi ban, ngứa do phải sử dụng cồn và dung dịch clo khử khuẩn chân tay, cơ thể sau khi làm việc. Cộng thêm sự oi bức của tiết trời nắng nóng khiến mình và nhóm khá khó khăn trong việc cân bằng cơ thể lúc mất nước nhưng không thể uống, ngứa nhưng phải nhịn gãi…".

Bỏ ngoài tai những ý kiến tiêu cực để tiếp tục cống hiến

Sau những khoảnh khắc ý nghĩa về câu chuyện chống dịch được chia sẻ trên mạng xã hội, Ngô Thị Ngọc Biển (tham gia hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm tại huyện Thuận Thành) đã gặp phải bình luận tiêu cực từ một số cá nhân: "Lo học đi, chưa ra trường thì làm gì đã biết làm".

Ngọc Biển cho biết, trước đó cô đã tham gia tình nguyện lấy mẫu xét nghiệm ở thành phố Hải Dương khoảng 2 tháng. "Mình tự tin đem những kinh nghiệm đã học hỏi được từ các thầy cô, anh chị ở Hải Dương để góp ý trao đổi với mọi người tham gia lấy mẫu xét nghiệm ở Bắc Ninh giúp công việc dễ dàng và đỡ mất sức hơn", Biển chia sẻ.

Xót xa làn da phồng rộp, nổi ban trong bộ đồ xông hơi di động chống dịch - 4

Ngọc Biển tranh thủ lưu giữ lại tinh thần lạc quan.

"Trên phương tiện truyền thông chỉ tái hiện được một góc của sự mệt mỏi và khó khăn gian nan trong cuộc chiến chống đại dịch. Mình cho rằng phải trực tiếp tham gia và cảm nhận thì mới thấm thía được sự vất vả như thế nào, mọi lời nói quyết tâm cố gắng của sinh viên trường Y làm tình nguyện nói chung đều được minh chứng bằng hành động. Bởi vậy, mình sẽ không dễ bị ảnh hưởng bởi những bình luận tiêu cực hay phủ nhận sự cống hiến từ một số cá nhân", Diệu Linh tiếp lời.

"Dù mệt thật đấy, nhưng niềm vui nhận lại thì không thể đếm được, có thể giúp xã hội mình tốt hơn và đặc biệt an toàn, là điều mình mong muốn đạt được nhất", Thế Trọng nói.