Xóa mù chữ không bền vững

Hồng Hạnh

(Dân trí) - Tỷ lệ huy động người học xóa mù chữ ở những vùng khó khăn còn thấp, kết quả xóa mù chữ không bền vững, hiện tượng tái mù chữ còn khá lớn bởi vẫn còn nhiều người được xóa mù chữ không học tiếp...

Xóa mù chữ không bền vững - 1

Lớp học xóa mù chữ tại bản Giáp Gát (xã Bình Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An).

Hiện tượng tái mù chữ vẫn cao

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong năm học 2019-2020, cả nước đã huy động được đã huy động được hơn 40.139 người theo học lớp xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, trong đó có 32.307 người tham gia học lớp xóa mù chữ  và 7.832 người học lớp giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ. Vì vậy, công tác xóa mù chữ  đã có những tiến bộ đáng kể, tỷ lệ người biết chữ tăng dần.

 Theo số liệu báo cáo của các Sở GDĐT, hiện nay tỷ lệ người biết chữ mức độ 1 đạt 95%, tỷ lệ người biết chữ mức độ 2 đạt 91,8%.

Năm học 2019-2020, một số tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc, Trung bộ và Tây Nguyên đã đạt chuẩn xóa mù chữ  mức độ 2 như Lạng Sơn, Điện Biên, Lào Cai, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Lâm Đồng.

Một số tỉnh gần đạt chuẩn xóa mù chữ  mức độ 2 như Thanh Hóa, Khánh Hòa, Phú Yên, Tiền Giang (còn 01 huyện chưa đạt chuẩn xóa mù chữ  mức 2).

Kết quả xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ được duy trì, củng cố và từng bước nâng cao chất lượng, Tỷ lệ người biết chữ các mức độ tăng dần; số đơn vị cấp xã, huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 tăng hơn năm học trước.

Tuy nhiên, hiện tượng tái mù chữ vẫn cao, tập trung vào độ tuổi 36-60, chẳng hạn: Hà Giang (3.436 người tái mù, trong đó 2.945 người trong độ tuổi 36-60), Thanh Hóa (35.203 người tái mù, trong đó 26.478 người trong độ tuổi 36-60), Gia Lai (1.948 người tái mù, trong đó 1.634 người trong độ tuổi 36-60), Long An (14.184 người tái mù, trong đó 12.923 người trong độ tuổi 36-60).

Bộ GD&ĐT nhận định, tỷ lệ huy động người học xóa mù chữ ở những vùng khó khăn còn thấp, kết quả xóa mù chữ  không bền vững, hiện tượng tái mù chữ còn khá lớn bởi vẫn còn nhiều người được xóa mù chữ  không học tiếp các lớp bổ túc văn hóa, nhiều người không có điều kiện để sử dụng tiếng Việt thường xuyên nên bị mù chữ trở lại.

Số mù chữ và tái mù chữ tập trung chủ yếu ở độ tuổi 36 đến 60 và ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Cách thức tổ chức học, phương pháp dạy xóa mù chữ  chưa thực sự phù hợp với đặc điểm tâm lý, văn hóa của người dân tộc thiểu số; chưa có chế độ, chính sách thỏa đáng nhằm huy động người dân tộc thiểu số học xóa mù chữ.

“Công tác điều tra cơ bản số người mù chữ hằng năm của nhiều địa phương chưa được coi trọng, số liệu báo cáo không cập nhật và thiếu chính xác, ảnh hưởng đến việc xây dựng kế hoạch, thực thi chính sách” – Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.

Xóa mù chữ không bền vững - 2

Các học viên lớp xóa mù chữ cùng nhau ôn lại bài

Tăng cường thực hiện công tác xóa mù chữ tại các địa phương

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ GD&ĐT yêu cầu tăng cường thực hiện công tác xóa mù chữ tại các địa phương, chú trọng các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể:

Đẩy mạnh công tác chỉ đạo điều tra, thống kê chính xác số người mù chữ và tái mù chữ, cập nhật thông tin về công tác xóa mù chữ trên hệ thống thông tin phổ cập giáo dục xóa mù chữ của Bộ GDĐT đảm bảo đúng quy trình, thời gian quy định.

Xây dựng kế hoạch mở lớp xóa mù chữ đảm bảo tính khả thi, hiệu quả; tích cực vận động người mù chữ tham gia học xóa mù chữ, vận động người mới biết chữ tham gia học các lớp giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ (GDTTSKBC) và các chương trình giáo dục đáp ứng yêu cầu người học; cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ tại trung tâm học tập cộng đồng nhằm củng cố kết quả biết chữ và hạn chế tình trạng tái mù chữ.

Tích cực, chủ động tham mưu ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành chương trình, kế hoạch hỗ trợ công tác xóa mù chữ, bảo đảm nguồn kinh phí để thực hiện các mục tiêu xóa mù chữ theo Kế hoạch thực hiện Đề án xây dựng xã hội học tập của địa phương.

Cần tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xóa mù chữ (công tác điều tra, vận động người mù chữ, tái mù chữ đi học xóa mù chữ, phương pháp dạy học, tổ chức lớp học và duy trì sĩ số lớp học,…) cho cán bộ, giáo viên trong và ngoài ngành giáo dục, đặc biệt là bộ đội biên phòng tham gia công tác xóa mù chữ.

 Bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số, văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số cho giáo viên và cán bộ làm công tác xóa mù chữ cho người dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, đẩy mạnh xã hội hóa công tác xóa mù chữ: Tăng cường huy động cán bộ, đoàn viên, hội viên các cơ quan, tổ chức, đoàn thể tham gia dạy xóa mù chữ. Huy động sự hỗ trợ về nhân lực, vật lực và tài lực của các tổ chức (doanh nghiệp, đoàn thể...), cá nhân cho công tác xóa mù chữ.

Triển khai thực hiện chương trình, tài liệu dạy học xóa mù chữ mới; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công nhận các huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.