"Xã hội số" chỉ có thể ổn định khi xây dựng trên nền tảng “nhân văn số”

Hồng Hạnh

(Dân trí) - Các môn học về Văn hóa, Ngôn ngữ, Lịch sử, Văn học, Triết học…sẽ đóng vai trò cân bằng xã hội. Nhân loại sẽ hiểu rằng: “xã hội số” chỉ có thể ổn định khi được xây dựng trên một nền tảng “nhân văn số”.

Đó là nhấn mạnh của GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng phụ trách  trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội trong lễ khai giảng năm học mới 2020 – 2021.

Xã hội số chỉ có thể ổn định khi xây dựng trên nền tảng “nhân văn số” - 1

Các sinh viên xuất sắc được nhận bằng khen của nhà trường

Phát biểu tại lễ khai giảng, GS.TS Hoàng Anh Tuấn cho biết, năm học 2020-2021 đã bắt đầu, trong một bối cảnh rất đặc biệt so với những năm trước là dịch bệnh kéo dài và thiên tai khắc nghiệt trên dải đất miền trung khiến các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước chật vật ứng phó để đảm bảo hoạt động tuyển sinh và chất lượng đào tạo.

Vị GS đã chúc mừng các tân sinh viên đã xuất sắc vượt qua kỳ tuyển sinh đầy cạnh tranh để xứng đáng đứng trong danh sách hơn 2.000 sinh viên ưu tú được lựa chọn từ 35.000 nguyện vọng đăng ký vào trường.

Theo GS.TS Hoàng Anh Tuấn, trong thời buổi ai ai cũng nói về cách mạng công nghiệp lần thứ tư, về số hóa…các em vẫn kiên tâm-kiên định với ước mơ đã chọn, theo học những ngành khoa học xã hội và nhân văn, thầy-cô rất cảm kích và trân trọng.

Số hóa là xu hướng của nhân loại, cũng như tự động hóa và trí tuệ nhân tạo là xu thế toàn cầu. Thế nhưng, Hội nghị thượng đỉnh đổi mới giáo dục thế giới (WISE) đã khẳng định vai trò không thể thay thế của các ngành xã hội và nhân văn trong xu hướng phát triển toàn diện của nền giáo dục và nghề nghiệp trong tương lai.

Trong đó, tinh thần đạo đức và tính nhân bản thông qua các môn học về Văn hóa, Ngôn ngữ, Lịch sử, Văn học, Triết học…sẽ đóng vai trò cân bằng xã hội. Bởi lẽ đó, nhân loại đã hiểu sâu sắc rằng: “xã hội số” chỉ có thể ổn định khi được xây dựng trên một nền tảng “nhân văn số”.

Xã hội số chỉ có thể ổn định khi xây dựng trên nền tảng “nhân văn số” - 2

GS.TS Hoàng Anh Tuấn

Chia sẻ với các tân sinh viên, GS.TS Tuấn cho biết: "Có một điều hết sức dung dị mà nhiều thế hệ nhà giáo đã chiêm nghiệm và đúc kết, rằng “nghề chẳng phụ người”: nếu ta yêu ngành, quyết chí học hành, ắt thành nghiệp lớn.

Thế nhưng, ngành & nghề cũng đang thay đổi quá nhanh trong thế giới đầy bất định hiện nay. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) dự báo về tương lai nghề nghiệp, đã khẳng định xu thế tiêu vong của phần lớn các nghề nghiệp truyền thống, rằng 65% các công việc chúng ta sẽ làm vào năm 2030 cho đến thời điểm này vẫn còn chưa xuất hiện.

Điều đó cũng có nghĩa là các em có thể sẽ làm những nghề hoàn toàn mới, mà đến thời điểm này những nghề nghiệp đó còn chưa hiện hữu, chưa được đặt tên".

GS.TS  Hoàng Anh Tuấn mong sinh viên và học sinh của Nhà trường sẽ tập trung trang bị cho mình một hệ sinh thái các năng lực thiết yếu để có thể thích ứng tốt với mọi sự thay đổi và thành công trong tương lai. Đó là 4 thành tố cơ bản: Tri thức sâu rộng (Knowledge) - Tư duy tích cực (Attitude) - Kỹ năng đa dạng (Skills) - Thói quen học tập suốt đời (Habits).

Tại buổi lễ, nhà trường đã khen thưởng 12 thủ khoa đầu vào trong kỳ thi tuyển sinh 2020; 71 sinh viên đạt kết quả học tập giỏi, xuất sắc; 72 sinh viên có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn, Hội; 61 sinh viên vượt khó vươn lên trong học tập.