Vườn ươm "tiếp lửa" khởi nghiệp sinh viên

Trường Thịnh

(Dân trí) - Thế hệ GenZ cá tính và nổi trội luôn mang trong mình khát khao khởi nghiệp, song sự non trẻ, thiếu kinh nghiệm, nguồn vốn khiến họ phải trăn trở bắt đầu từ đâu và như thế nào.

Trong số những nơi tạo bệ phóng cho hành trình ngàn dặm chông chênh đó, giảng đường đại học là một trong những lựa chọn "tiếp lửa" đam mê.

Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 10-2017 khơi dậy phong trào khởi nghiệp sôi động trong giảng đường. Không "đào tạo chay", các trường mở cơ hội cho sinh viên tiếp xúc doanh nghiệp, nuôi ý tưởng và phát triển dự án với đa dạng hình thức: kết nối các nhóm dự án với doanh nghiệp, kêu gọi hỗ trợ vốn và chia sẻ kinh nghiệm.

Vườn ươm tiếp lửa khởi nghiệp sinh viên - 1

Với mong muốn tạo bệ phóng cho thế hệ GenZ tài năng, bản lĩnh, mô hình mạng lưới khởi nghiệp của Trường Đại học Luật, Đại học Huế từ năm 2018 đến nay trở thành mảnh đất "địa lợi" bồi đắp những ý tưởng đổi mới sáng tạo của những luật gia tương lai.

Vườn ươm gieo mầm cảm hứng

Hành trình "vạn sự khởi đầu nan" luôn có sự đồng hành của Trường Đại học Luật, Đại học Huế với đầu mối vận hành là Trung tâm Thực hành luật và Khởi nghiệp (CLE).

Trung tâm thường xuyên tổ chức chương trình trao đổi kiến thức, khuyến khích đề xuất các ý tưởng khởi nghiệp. Các bạn sinh viên có thể "bỏ túi" các bí kíp thông qua các hội thảo định hướng kiến thức cơ bản về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Chia sẻ từ các giảng viên kinh tế, các chuyên gia là những doanh nhân vừa dày dặn kinh nghiệm trên thương trường, vừa tâm huyết với giáo dục đến từ Văn phòng hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp Hà Nội (HSO), chương trình "Sáng kiến cố vấn khởi nghiệp Việt Nam", Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế… trở thành nguồn cảm hứng và hành trang giá trị.

TS. Lê Thị Thảo - Giám đốc Trung tâm Thực hành luật và Khởi nghiệp kỳ vọng: "Quan hệ hợp tác lâu dài với các đơn vị đối tác là cầu nối rút ngắn khoảng cách giữa sách vở và thực tiễn, giúp sinh viên phát triển kỹ năng khởi nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường".

Vườn ươm tiếp lửa khởi nghiệp sinh viên - 2

Talkshow "Xu hướng ngành Luật hiện nay" tổ chức cùng Công ty Cổ phần Phát triển Công nghệ LETO, chương trình "Xu hướng khởi nghiệp cho sinh viên trong kỷ nguyên 4.0", chuỗi hoạt động khởi nghiệp kết nối cùng Công ty cổ phần Đầu tư và Đào tạo BGILAW, hoạt động ký kết hợp tác 5 năm cùng Công ty TNHH Hãng Luật Thành Sen và xây dựng quỹ học bổng 150 triệu đồng, ký kết hợp tác 5 năm cùng công ty Luật FDVN và tài trợ quỹ học bổng 125 triệu đồng…, tất cả đều mang ý nghĩa thiết thực cho sinh viên muốn chinh phục ước mơ khởi nghiệp khi có những nhà đầu tư thật, nguồn vốn thật và tầm nhìn chiến lược hiệu quả.

ThS. Phan Đình Minh - Tổ trưởng Tổ Quan hệ Doanh nghiệp và Khởi nghiệp, Trung tâm Thực hành Luật và Khởi nghiệp cho biết: "Khởi nghiệp không chỉ mang tính thời điểm mà là phong trào xuyên suốt lâu dài, giúp sinh viên tích lũy thêm kiến thức, kỹ năng như: lên kế hoạch kinh doanh, thực hiện ý tưởng, quản lý nhân sự, gọi vốn đầu tư, nắm bắt thị trường, quảng bá sản phẩm…Mạng lưới khởi nghiệp tại Trường Đại học Luật, Đại học Huế tạo mọi điều kiện để sinh viên học hỏi và hoàn thiện các dự án mà mình ấp ủ".

Vườn ươm tạo trải nghiệm

"Máu kinh doanh" và đam mê là chưa đủ. Các cuộc thi khởi nghiệp vì thế là chặng "thử lửa" giúp sinh viên rèn kỹ năng, sự nhạy bén để đưa ra chiến lược phát triển dự án tối ưu.

Từ những cuộc tranh tài sôi động trong Trường Đại học Luật, Đại học Huế với "HUL Business Innovation Hackathon" đến những cuộc chinh phục "Tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp" cấp Đại học Huế và cấp tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhóm đại diện Trường Đại học Luật, Đại học Huế xuất sắc mang về giải Ba cuộc thi "Tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp Đại học Huế" năm 2021 với ý tưởng nhân văn "LAW - Tư vấn pháp luật cộng đồng".

Sinh viên Trần Thị Thu Hiền - Trưởng ban Khởi nghiệp CLE chia sẻ: "Mình tin rằng tinh thần khởi nghiệp có thể lan tỏa rộng khắp khi giải quyết được các vấn đề trong đời sống. Khởi nghiệp có thể là những ý tưởng giản đơn nhưng "đánh trúng" được nhu cầu thị trường và có tiềm năng phát triển phục vụ cộng đồng".

Nhân văn và bền vững, các dự án ghi dấu ấn sinh viên Trường Đại học Luật, Đại học Huế "Tư duy - Sáng tạo - Trách nhiệm". "HUL Business Innovation Hackathon" mùa 2022 chứng kiến những ý tưởng xuất phát từ sự thấu hiểu khó khăn của sinh viên khi tìm kiếm nơi ở như "Student House - Nhà Trọ", có những bước đi sáng tạo khởi nguồn từ mong muốn đáp ứng tốt nhất những tiện ích cộng đồng như "Cửa hàng tiện lợi 24/7", "Xe máy dịch chuyển", và cả những dự án cá nhân xuất phát từ mong muốn làm giàu từ đặc sản quê hương như "Tỏi Lý Sơn".

Vườn ươm tiếp lửa khởi nghiệp sinh viên - 3

Chính những kinh nghiệm tích lũy khi tham gia các cuộc thi giúp sinh viên tự tin hơn khi đi học, đi làm hay bắt đầu hành trình khởi nghiệp.

"Với sự đồng hành của Trung tâm CLE, chúng mình trải qua các buổi huấn luyện xây dựng mô hình kinh doanh, phát triển ý tưởng, hiện thực hóa dự án, giới thiệu sản phẩm tới nhà đầu tư tiềm năng. Dù thành công hay không, chúng mình cũng có cơ hội học thêm nhiều điều từ chuyên môn đến các kỹ năng như lãnh đạo, thuyết phục, phối hợp làm việc nhóm, quản lý thời gian…rất có ích cho công việc sau này", Phan Khánh Chi, sinh viên lớp Luật K44KT chia sẻ về những trải nghiệm giá trị khi tham gia các cuộc thi khởi nghiệp.

Kết quả khảo sát về hoạt động khởi nghiệp của Trường Đại học Luật, Đại học Huế đăng trên Tạp chí Công Thương tháng 6/2022 cho thấy tín hiệu tích cực khi sinh viên từng tham gia khởi nghiệp lựa chọn phát triển các kỹ năng qua các buổi workshop là 85,8%, các buổi Talkshow là 76,8% và các cuộc thi khởi nghiệp là 64,9%.

Nói về kế hoạch phát triển phong trào khởi nghiệp của Trường Đại học Luật, Đại học Huế trong thời gian tới, TS. Lê Thị Thảo - Giám đốc Trung tâm Thực hành Luật và Khởi nghiệp cho biết: "Trường dự định hoàn thiện quy chế thực hiện kế hoạch Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2020-2025, xây dựng một bộ giáo trình riêng về khởi nghiệp liên quan đến lĩnh vực pháp luật có sự cố vấn của giảng viên, các chuyên gia và các nhà nghiên cứu khoa học pháp lý, đưa Khởi nghiệp trở thành một môn học trong chương trình đào tạo kỹ năng của Nhà trường đáp ứng nhu cầu của người học".

Bước ra từ vườn ươm khởi nghiệp Trường Đại học Luật, Đại học Huế, những tinh thần tuổi trẻ đầy sáng tạo và nhiệt huyết có trong tay những viên gạch nhỏ đầu tiên cho công trình sự nghiệp của mình sau này, để thêm tự tin, vững vàng hơn trong hành trình tương lai.