Vụ "ép" học sinh yếu không thi vào lớp 10: Hướng nghiệp đi chệch mục tiêu
(Dân trí) - Câu chuyện tư vấn hướng nghiệp này đang đi chệch mục tiêu định hướng tốt đẹp ban đầu mà diễn biến theo chiều hướng tiêu cực, thậm chí biến tướng thành cách làm phản giáo dục.
Yêu cầu học sinh lớp 9 có học lực không tốt phải chuyển sang học trường tư thục hoặc cam kết không thi vào lớp 10 ở Hà Nội - thông tin gây sốc dư luận ấy đang manh nha đục khoét niềm tin vào môi trường giáo dục luôn nêu cao sự công bằng, chất lượng, hiệu quả và lấy học sinh làm trung tâm. Chuyện thật như đùa ấy khiến Bộ GD-ĐT vào cuộc xác minh, xử lý.
Có lẽ nào vì thành tích mà hễ học sinh học không tốt lại tìm cách "mời" ra khỏi trường bằng cách yêu cầu chuyển sang học trường tư?
Có lẽ nào vì thương hiệu mà hễ học sinh học chưa ổn lại tìm cớ đề nghị cam kết không thi vào lớp 10?
Theo lý giải của giáo viên trên báo Dân trí thì thời điểm này các trường THCS ở Hà Nội đang hối hả thực hiện công tác hướng nghiệp. Nhà trường sẽ sàng lọc học sinh để tư vấn có nên tiếp tục học văn hóa hay rẽ hướng sang trường nghề… Vâng, về lý thuyết nghe có vẻ rất xuôi tai bởi học sinh cần định hướng lối rẽ phù hợp năng lực, trình độ sau khi rời mái trường cấp hai.
Tuy nhiên, câu chuyện tư vấn hướng nghiệp ấy đang đi chệch mục tiêu định hướng tốt đẹp ban đầu mà diễn biến theo chiều hướng tiêu cực, thậm chí biến tướng thành cách làm phản giáo dục.
Quyền đi học của trẻ em được pháp luật bảo vệ. Sự học và hành trình đến trường, học tập và vui chơi, rèn luyện và phát triển của trẻ luôn được đặt lên hàng đầu trong mối bận tâm của phụ huynh, sự quan tâm và nỗ lực thúc đẩy từ nhà trường, sự hỗ trợ và đỡ nâng từ xã hội.
Đúng như lời chia sẻ của không ít phụ huynh có con đang ở ngả rẽ quan trọng của tuổi 15: thi tuyển sinh vào lớp 10. Câu chuyện hôm nay không mới như nếu chẳng may lời tố cáo của phụ huynh là sự thật thì nó đang diễn biến ngày càng xấu xa bởi căn bệnh thành tích ăn sâu mọc rễ trong môi trường giáo dục suốt bao thập kỷ qua.
Cuộc vượt vũ môn vào lớp 10 cứ mỗi năm một lần tạo cơn sóng áp lực đổ dồn lên những mái nhà inh ỏi tiếng hối thúc học bài, cũng đang âm ỉ khơi lên trong học đường với lịch ôn luyện cùng lời nhắc nhở từ ban giám hiệu nhà trường về chỉ tiêu tốt nghiệp, chỉ tiêu đỗ vào trường danh tiếng…
"Thương hiệu" của nhà trường đang được đạt lên hàng đầu với bản báo cáo chất lượng dày đặc thành tích. Cuộc đua xếp hạng chất lượng trường đang vô tình đẩy bao người trượt dài trong chiếc áo thành tích nhiều hệ lụy.
Xin hãy nhớ rằng: Không có ưu tiên nào lớn hơn ưu tiên giáo dục thế hệ trẻ! Không có bất kỳ lý do gì để chúng ta - những người lớn luôn hô hào chăm sóc, bảo vệ sự phát triển toàn diện của trẻ, lại tước đi quyền được đến trường của trẻ để ép buộc học sinh phải rẽ hướng sang trường tư và ép buộc phụ huynh phải cam kết con không tham gia thi vào lớp 10.
Cơn sóng trong dư luận đòi hỏi Bộ GD-ĐT phải vào cuộc kiểm tra toàn diện, xác minh đầy đủ, đồng thời phải xử lý nghiêm minh, dứt điểm vụ việc để neo giữ niềm tin của mọi người, mọi nhà vào môi trường giáo dục luôn đặt học sinh là trung tâm, lấy niềm vui cùng sự thành công của học sinh làm lẽ sống và phương châm hoạt động.