Tuyển chọn nhóm nghiên cứu tìm lời giải phát triển đại học ngoài công lập

(Dân trí) - Chương trình Khoa học Giáo dục cấp quốc gia vừa tuyển chọn được nhóm nghiên cứu chủ trì thực hiện nhiệm vụ: “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp phát triển bền vững các trường đại học ngoài công lập (NCL) ở Việt Nam”.

Chương trình Khoa học Giáo dục cấp quốc gia do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Chủ nhiệm Chương trình làm Chủ tịch Hội đồng vừa tiến hành họp, xem xét hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn để lựa chọn tổ chức và cá nhân phù hợp chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp phát triển bền vững các trường đại học ngoài công lập (NCL) ở Việt Nam”.


Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì cuộc tuyển chọn

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì cuộc tuyển chọn

Theo đó, nhiệm vụ nghiên cứu trên đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học và các tổ chức KH&CN trên toàn quốc.

Đến thời điểm quy định, Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận được 04 hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ của Trường Đại học Thăng Long, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Viện Nghiên cứu Phát triển MeKong - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật VN và Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng VN.

Các hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn được chuẩn bị công phu, tổng quan về nhiệm vụ, định hướng nghiên cứu và nhóm các sản phẩm mục tiêu. Các nhóm nghiên cứu cũng đã đánh giá đúng vai trò, vị trí của ĐH NCL với sự phát triển của GD ĐH Việt Nam, đặt ra mục tiêu xây dựng sản phẩm nghiên cứu là tìm ra mô hình ĐH NCL của Việt Nam, đề xuất các chính sách để phát triển ĐH NCL bền vững.

Hội đồng đã thảo luận, đánh giá từng hồ sơ theo các tiêu chí đánh giá quy định, cho điểm độc lập từng hồ sơ và bỏ phiếu đánh giá chấm điểm cho từng hồ sơ theo phương thức bỏ phiếu kín.

Kết quả, Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam được lựa chọn tổ chức chủ trì, thực hiện. PGS.TS. Trần Quang Quý chịu trách nhiệm chủ nhiệm nhiệm vụ.

Thay mặt Hội đồng khoa học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã lưu ý nhóm nghiên cứu được lựa chọn một số nội dung cần tập trung chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện để “bắt” đúng trọng tâm “đề bài” mà nhiệm vụ khoa học đề ra.

Theo Bộ trưởng Nhạ, về bản chất không có sự khác biệt giữa ĐH công lập và NCL. Các cơ sở GD ĐH chỉ khác nhau về sở hữu, chất lượng và sứ mệnh. Nhiệm vụ của tất cả các trường ĐH là nghiên cứu khoa học, chuyển giao trí thức theo sứ mệnh.

Vướng mắc về sở hữu chính là nút thắt tạo ra những bất cập về quan niệm, chính sách, cơ chế, dẫn đến nhận thức chưa đúng, quy định chưa hợp lý về ĐH NCL trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Vì thế, câu hỏi nghiên cứu quan trọng nhất của nhiệm vụ KH&CN này là phải chỉ ra vướng mắc về chủ sở hữu, về huy động, giải phóng nguồn lực phát triển ĐH NCL.

Bộ trưởng Nhạ cũng yêu cầu nhóm nghiên cứu cần có các phương pháp khoa học (thống kê, mô hình hóa, phân tích, đối sánh…) để tìm ra lời giải cho bài toán sở hữu này bằng các đề xuất kiến nghị chính sách, tạo hành lang pháp lý để xây dựng môi trường tích cực, bình đẳng cho ĐH NCL phát triển bền vững.

Giải quyết được những khúc mắc xung quanh bài toán sở hữu sẽ đồng thời tìm được lời giải cho câu chuyện ĐH lợi nhuận, phi lợi nhuận. Bộ GD&ĐT sẽ căn cứ vào các luận lý khoa học này để sửa đổi, điều chỉnh những nút thắt trong Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học đã và đang ràng buộc, cản trở sự phát triển của ĐH NCL" - Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.

Quyết định số 121/2007/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng giai đoạn 2006 – 2020 đưa ra mục tiêu đến năm 2020 nước ta có 30% - 40 % sinh viên học trong các cơ sở giáo dục đại học NCL.

Tuy nhiên, sau 10 năm, số lượng sinh viên ĐH NCL của Việt Nam vẫn chưa vượt qua được con số 13,16 %. Vai trò, vị thế của ĐH NCL vẫn chưa được nhìn nhận, đánh giá đúng từ đó chưa tạo động lực và “đối xử” bình đẳng về chính sách, cơ chế, môi trường và điều kiện để tồn tại và phát triển bền vững.

Nhật Hồng