Từ "bài toán" cuộc sống đến những giải pháp cho tương lai

Trường Thịnh

(Dân trí) - Nắm bắt các kiến thức công nghệ, nhận sự hỗ trợ từ chuyên gia, học cách đánh giá và phát hiện những bài toán của cuộc sống… đó là cách mà các em học sinh trưởng thành hơn từ sân chơi công nghệ Imagine Cup Junior do Microsoft tổ chức.

Microsoft mới đây đã công bố danh sách 20 đội thi xuất sắc nhất của Imagine Cup Junior Việt Nam 2022. Đây được coi là sân chơi mở rộng của Imagine Cup, cuộc thi công nghệ thường niên được Microsoft tổ chức dành cho sinh viên từ năm 2003.

Được biết, đây là lần đầu tiên Imagine Cup Junior được tổ chức tại Việt Nam, nhằm thúc đẩy các kỹ năng sáng tạo, khơi nguồn hứng thú và niềm yêu thích công nghệ của lứa tuổi học sinh.

Khi học sinh chia sẻ gánh nặng cùng các bác sĩ

Nằm trong Top 20 đội thi xuất sắc nhất Imagine Cup Junior Việt Nam 2022, đội thi Suicide Squad (đến từ Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng) chọn đề tài dùng phân đoạn hình ảnh để hỗ trợ các bác sĩ phát hiện và khoanh vùng các khối u não.

Là một nữ sinh chuyên Anh nhưng có niềm đam mê hứng thú với công nghệ - tin học, em Nguyễn Thị Minh Hà (lớp 11), thành viên của Suicide Squad cho biết, sau khi đăng ký, cả nhóm đã ngồi lại thảo luận về đề tài và tình cờ "bài toán" được đưa ra từ một bạn trong nhóm có ba là bác sĩ. Suicide Squad là sự phối hợp rất ăn ý của nhóm gồm 6 học sinh, có cả các thành viên chuyên Anh, chuyên Pháp (phụ trách tìm kiếm thông tin, lên nội dung, trình bày ý tưởng) và chuyên Tin (phụ trách thiết kế giải pháp). Từ cuộc thảo luận nhóm và tìm hiểu thông tin mở rộng, các em phát hiện ra rằng, việc chẩn đoán còn phụ thuộc rất nhiều vào mắt thường của các bác sĩ nên không tránh khỏi sai sót, ảnh hưởng lớn đến quá trình điều trị. Vì vậy, Minh Hà và đội nghĩ rằng đây là một bài toán cần giải quyết.

Từ bài toán cuộc sống đến những giải pháp cho tương lai - 1
Sự phối hợp ăn ý giữa 06 thành viên của Suicide Squad đã giúp đội đạt kết quả tốt trong sân chơi Imagine Cup Junior Việt Nam 2022.

Dựa trên kiến thức đã học và tự mày mò tìm hiểu cùng sự tự vấn của thầy trưởng nhóm, các thành viên đã nghiên cứu về việc xử lý hình ảnh cũng như áp dụng CNN (mạng tích chập) để phân tích hình ảnh dựa trên đơn vị pixel, nhờ đó có thể chẩn đoán với độ chính xác cao để cho ra kết quả là liệu có khối u hay không, khối u đó đang nằm ở vị trí nào. "Với giải pháp này, kết quả thử nghiệm của tụi em cho thấy độ chính xác gần như sánh được với máy chụp 3D, hỗ trợ nhiều cho việc chẩn đoán cũng như giúp giảm chi phí khám chữa bệnh", Minh Hà nói.

"Trong giai đoạn tham gia cuộc thi cấp trường, chúng em mất khoảng 3 ngày để lên nội dung và đưa nội dung đó thành một ý tưởng hoàn chỉnh. Mỗi bạn phụ trách phần riêng dựa theo tiêu chí đánh giá mà ban tổ chức đưa ra. Những bạn có hiểu biết nhiều về công nghệ sẽ xử lý nhiều về ý tưởng AI và cách AI hoạt động, những bạn khác sẽ hỗ trợ thêm về những tiêu chí khác như đạo đức và chuẩn mực... Nhờ sự hỗ trợ của thầy giáo cũng như sự tư vấn của chuyên gia, chúng em đã có thể hoàn thành tốt bài thi của mình", Minh Hà chia sẻ. 

Được biết, đội vẫn đang tiếp tục hoàn thiện sản phẩm cũng như nỗ lực thực hiện các hạng mục khác: Chuẩn bị video, báo cáo, bản thuyết trình… để có thể dự thi vòng quốc tế một cách hoàn hảo.

Cuộc chơi thú vị của "sóng sau đè sóng trước"

Đó là nhận xét của Giám khảo Trần Thị Phương Thảo - người đã từng tham gia Imagine Cup 4 lần, đạt Giải nhất quốc gia Imagine Cup 2016 và từng là sinh viên đại sứ công nghệ Microsoft.

Đánh giá chung về các bài thi năm nay, chị cho biết, với chủ đề về ứng dụng công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI), các đội dự thi có những ý tưởng khá sáng tạo và hữu dụng. Nhiều đội thi đặc biệt quan tâm đến các giải pháp cho lĩnh vực y tế hay hỗ trợ những người khuyết tật… "Đặc biệt, tôi ấn tượng nhất với bài thi của đội Suicide Squad với ý tưởng sử dụng phân đoạn hình ảnh để hỗ trợ phát hiện và khoanh vùng các khối u não. Tôi đã tham khảo ý kiến của bác sĩ thì thấy ý tưởng này khả thi", chị Thảo nói.

"Tuy công nghệ AI còn khá mới mẻ với các em học sinh nhưng các đội thi đã vận dụng rất tốt vào những ý tưởng của mình", chị chia sẻ. Các đội thi không có sự chênh lệch đáng kể về trình độ nên mức độ sáng tạo hoặc tính khả thi của ý tưởng sẽ quyết định đội nào được lọt vào top đầu.

Từ bài toán cuộc sống đến những giải pháp cho tương lai - 2

Đội ngũ cố vấn dày dạn kinh nghiệm của Imagine Cup Junior Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ các đội thi bất cứ khi nào các em cần.

Về những hình thức giúp học sinh tiếp cận kiến thức khoa học công nghệ một cách chủ động, có định hướng và bổ ích hơn, giám khảo Phương Thảo chia sẻ: "Hiện tại, trên mạng, nguồn tài liệu do Microsoft cung cấp khá nhiều. Trong cuộc thi Imagine Cup Junior, các bạn học sinh cũng có đội ngũ mentor sở hữu kiến thức và kinh nghiệm về AI sẵn sàng hỗ trợ các đội thi bất cứ khi nào các em cần".

Trong quá trình tham gia cuộc thi, các đội vừa được học tập và vận dụng kiến thức mới về công nghệ, đặc biệt là AI, vừa có thể nâng cao các kỹ năng mềm như thuyết trình, làm việc nhóm,… Có thể nói, Imagine Cup Junior là sân chơi bổ ích cho thanh thiếu niên, giúp các em sẵn sàng bước vào kỷ nguyên số. Chị Thảo hy vọng cuộc thi sẽ tiếp tục thu hút được nhiều đội thi tham gia hơn với nhiều ý tưởng sáng tạo mang lại ý nghĩa cho cuộc sống.