Trường nghề ngoài công lập "kiệt quệ" vì Covid-19
(Dân trí) - Dịch bệnh kéo dài, có những trường nghề ngoài công lập đến giờ không còn kinh phí duy trì bộ máy, cơ sở vật chất để tiếp tục công tác tuyển sinh, đào tạo, phải… ăn đong.
Tại Hội nghị trực tuyến công tác tuyển sinh, đào tạo năm 2021 do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức mới đây, đại diện nhiều trường nghề đã trình bày thực trạng và những giải pháp kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn về hoạt động, công tác đào tạo, tuyển sinh trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng.
Ông Nguyễn Xuân Sang - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội cho biết, sau gần 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều trường nghề ngoài công lập rơi vào cảnh kiệt quệ.
"Có những trường đến giờ không còn kinh phí duy trì bộ máy, cơ sở vật chất để tiếp tục công tác tuyển sinh, đào tạo, phải ăn đong. Khó nhất là đội ngũ giáo viên dạy nghề, nếu họ rời bỏ đi rồi về sau rất khó để họ quay lại. Thậm chí nhiều trường đi thuê mặt bằng muốn trả lại cũng không được vì vẫn còn học sinh sinh viên", ông Nguyễn Xuân Sang chia sẻ.
Đại diện này kiến nghị, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tham mưu, đề xuất với các Bộ, ngành để các trường Cao đẳng, Trung cấp nghề ngoài công lập có thể tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và tiếp cận trực tiếp các đơn đặt hàng của doanh nghiệp một cách nhanh chóng để tháo gỡ, hỗ trợ cho các trường nghề ngoài công lập vượt qua giai đoạn khó khăn, tiếp tục duy trì hoạt động giảng dạy, tuyển sinh; xây dựng và đóng góp cho hoạt động đào tạo nghề.
Ông Hồ Tá Phương, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa cũng đề xuất, nên cần thiết có chính sách giảm học phí cho các đối tượng khó khăn.
Theo ông Phương, cho đến thời điểm này, trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa mới chỉ tuyển được 28/840 chỉ tiêu của Cao đẳng 51/330 chỉ tiêu của trung cấp. Gần 2 tháng nay, Khánh Hòa thực hiện chỉ thị 16 và 16+ nên chủ yếu tập trung cho công tác phòng chống dịch. Nhà trường đã cử nhiều cán bộ, học sinh sinh viên chi viện chống dịch.
Nhà trường cũng đang rất thụ động trong trường hợp tình hình dịch bệnh của tỉnh đang rất căng thẳng. Khó khăn nữa là sinh viên của nhà trường chưa được tiêm vaccine.
Thêm nữa, trong tình hình giãn cách xã hội, vì trước giờ nhà trường chưa tổ chức hình thức thi trực tuyến nên chưa thể tổ chức thi kết thúc môn học được mà đang nghiên cứu, ứng dụng thi trực tuyến. Đại diện này mong có sự hỗ trợ giúp đỡ của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp để nhà trường có thể triển khai thi trực tuyến nhanh chóng thuận lợi để đảm bảo tiến độ.
Trong mùa dịch, nhà trường kịp thời tăng cường quảng bá, tư vấn thi xét tuyển online ở nhiều hình thức nên tới thời điểm này, nhà trường có con số đăng ký nhập học tăng vọt. Số xét tuyển hiện nhà trường nhận được trực tiếp và online là 700/480 hồ sơ cao đẳng; 60/330 chỉ tiêu trung cấp. Đây là điều đáng mừng và nhà trường đang xét tuyển tổ chức nhập học online cuốn chiếu.
Đặc biệt, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa Khánh Hòa cho biết, tỉnh bị ảnh hưởng rất nặng nề vì Covid-19, tình hình kinh tế rất khó khăn. Đề nghị giảm học phí cho các đối tượng khó khăn và có văn bản nhắc lại cho UBND tỉnh để triển khai tiêm vaccine cho tất cả học sinh sinh viên nhờ đó nhà trường có thể triển khai nhập học sau khi kết thúc Chỉ thị 16.
Trong khi đó, ông Hoàng Quang Đạt, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Lào Cai kiến nghị các địa phương cần có cơ chế hỗ trợ tuyển sinh, đào tạo nghề như miễn giảm học phí, hỗ trợ tiền sinh hoạt phí cho học sinh, sinh viên để vượt qua giai đoạn khó khăn mùa dịch.
Vượt khó mùa dịch
Chia sẻ khó khăn với các trường nghề trong công tác tuyển sinh, đào tạo trong bối cảnh dịch Covid-19, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh sẽ tham mưu với các Bộ, ban ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Riêng về mặt tuyển sinh, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, để khắc phục những khó khăn do đại dịch Covid-19 dự kiến sẽ còn kéo dài, việc tuyển sinh là vấn đề quan trọng số một cần phải được các địa phương, các trường ưu tiên hơn nữa. Do đó, đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp quyết liệt thực hiện một số giải pháp sáng tạo.
Tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội và các kênh thông tin trực tuyến; khai thác triệt để ứng dụng "Chọn nghề" trên thiết bị di động, trang thông tin tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp (có địa chỉ tại http://tuyensinh.gdnn.gov.vn); trên webiste của nhà trường; thực hiện việc xét tuyển và thông báo kết quả trúng tuyển trên các website của trường hoặc thông qua các thiết bị di động;
Hiện nay, nhiều nơi đang thực hiện giãn cách, mọi người đều ở nhà, đây là thời điểm vàng để thông tin, quảng cáo về hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên các kênh truyền hình, do vậy các trường nghề cần khai thác mạnh mẽ các kênh phát thanh, truyền hình trung ương, địa phương trong công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh.
Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng Cục Giáo dục nghiệp nhấn mạnh, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải chủ động và sáng tạo hơn nữa để đạt được mục tiêu tuyển sinh và các hoạt động đào tạo, giảng dạy.
"Các trường cần số hóa tài liệu tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh theo hướng chuyên nghiệp; xây dựng các cẩm nang nghề nghiệp điện tử ở những ngành nghề mà trường đào tạo để phát hành trên các nền tảng số để dễ dàng tiếp cận đến các đối tượng, gây được sự quan tâm, chú ý của học sinh, người dân.
Đẩy mạnh tuyển sinh đối tượng tốt nghiệp THCS vào học trình độ trung cấp; tuyển sinh đào tạo liên thông trình độ cao đẳng với người có bằng tốt nghiệp trung cấp và có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông hoặc giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT hoặc đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT.
Đối với những địa phương, những vùng ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, cần tập trung cao độ cho việc tuyển sinh, thực hiện cả tuyển sinh trực tiếp, kết hợp đẩy mạnh hơn nữa tuyển sinh trực tuyến, phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu tuyển sinh đã đặt ra", Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng Cục Giáo dục nghiệp đề nghị.