Trường học đào tạo "quan chức" nổi tiếng của Pháp bị đóng cửa

Lệ Thu

(Dân trí) - Nổi tiếng là ngôi trường đào tạo 4 tổng thống, hàng chục bộ trưởng, quan chức, doanh nhân tầm cỡ của nước Pháp nhưng trường Hành chính Quốc gia Pháp vừa có quyết định phải đóng cửa.

Tổng thống Emmanuel Macron vừa ra quyết định đóng cửa Trường Hành chính Quốc gia Pháp (École Nationale d'Administration - ENA) - nơi chính mình từng theo học, nơi vốn được coi là "cái nôi" sản sinh "giới tinh hoa" của Pháp.

Tại cuộc họp quan chức cấp cao hôm 8/4 vừa qua, Tổng thống Macron cho biết ENA sẽ được quyết định thay thế bằng cơ sở mới với tên gọi là Viện Dịch vụ công (ISP). Đây là động thái cho một "cuộc cách mạng sâu sắc về tuyển dụng".

Lý giải điều này, vị Tổng thống cho hay, trước đây, những sinh viên tốt nghiệp với điểm số cao nhất ở ENA được lựa chọn các công việc hàng đầu trong các cơ quan chính phủ. Nhưng với sự thay đổi này, từ nay các cử nhân của trường sẽ không còn được hưởng đặc quyền này cho đến khi thể hiện được năng lực của bản thân ở các vị trí công chức khác.

"Công chức sẽ không được phân công mãi mãi vào một chức năng, một cơ quan hay một ngành. Một mục tiêu khác của quyết định này, là làm cho dịch vụ dân sự cao cấp trở nên hấp dẫn hơn. Nhà nước phải tiếp tục thu hút những người tốt nhất", một nguồn tin từ điện Elysée cho biết.

Trường học đào tạo quan chức nổi tiếng của Pháp bị đóng cửa - 1

Tổng thống Emmanuel Macron vừa ra quyết định đóng cửa Trường Hành chính Quốc gia Pháp (École Nationale d'Administration - ENA) - "cái nôi" đào tạo giới tinh hoa của Pháp.

Trường Hành chính Quốc gia Pháp (École Nationale d'Administration) được thành lập bởi Tướng Charles de Gaulle vào tháng 10 năm 1945 nhằm đào tạo nhân sự tinh hoa cho chính phủ thời hậu chiến. Ý tưởng của Tổng thống De Gaulle khi đó là phá vỡ sự nắm giữ của tầng lớp thượng lưu đối với các vị trí cấp cao, chấm dứt chế độ chuyên chế và làm cho dịch vụ dân sự trở nên dân chủ hơn. Thế nhưng, mong ước về sự bình đẳng đã không trở thành hiện thực.

Một nghiên cứu cho thấy, trong khi số lượng sinh viên từ các gia đình giàu có là 45% trong những năm 1950 và 60, thì con số này đã tăng lên khoảng 70% từ năm 2005 đến 2014, trong khi tỷ lệ sinh viên từ các gia đình thuộc tầng lớp lao động giảm xuống còn khoảng 6%.

ENA gây tranh cãi và bị chỉ trích vì nhận ít sinh viên xuất thân từ tầng lớp lao động hơn so với cuối thế kỷ trước dù trên lý thuyết, ngôi trường này mở cửa bình đẳng cho tất cả. Tuy nhiên, để được theo học ở ngôi trường mới, các sinh viên tiềm năng cần phải vượt qua kỳ thi đầu vào khắc nghiệt và tuân theo một giáo trình đào tạo chuyên biệt.

Trước đó, nội dung một bài phát biểu mà tổng thống chưa bao giờ đọc vì nó bị hoãn lại khi Nhà thờ Đức Bà bốc cháy, đã bị rò rỉ cho báo chí Pháp vào năm 2019.

Trong đó, Tổng thống Macron viết: "Nếu chúng ta muốn xây dựng một xã hội bình đẳng về cơ hội và xuất sắc, chúng ta phải đặt lại các quy định về tuyển dụng nhân sự nền công vụ. Đó là lý do tại sao chúng tôi sẽ thay đổi hệ thống đào tạo, lựa chọn và phát triển nghề nghiệp bằng cách loại bỏ ENA và một số cơ sở khác".

Trước đó, vào tháng 2/2020, cựu Thủ tướng Pháp đương nhiệm khi ấy - Édouard Philippe, gợi ý rằng ENA sẽ được thay thế bằng một "trường hành chính công".

Truyền thông Pháp đưa tin rằng một trường học mới sẽ nhằm thu hút nhiều sinh viên đa dạng hơn về mặt xã hội, những người sẽ theo một khóa học liên hệ nhiều hơn với cuộc sống hiện đại, công bằng xã hội.

Trước đây, sinh viên muốn vào ENA sẽ tham gia một kỳ thi cạnh tranh, thường là sau khi tốt nghiệp từ các trường đại học khác của đất nước, bao gồm các bài luận về luật công, kinh tế, vai trò của các tổ chức công trong xã hội và phải thể hiện sự hiểu biết về tài chính công. Bài thi vấn đáp bao gồm các câu hỏi về chính trị châu Âu và quốc tế.

Sau một chương trình học hai năm, sinh viên ENA được xếp hạng theo kết quả của họ. Tấm bằng của trường là một "nấc thang" cho sự thăng tiến; đặc biệt cho những ai tốt nghiệp được xếp hạng từ 1-100. Sau đó, họ được hỏi, theo thứ tự thành tích, họ muốn công việc gì. Những sinh viên xuất sắc nhất thường tham gia Hội đồng Nhà nước, Thanh tra Tài chính và Kiểm toán Tòa án, trong khi những người thấp hơn xếp hạng thấp hơn lại vào các công việc dân sự kém uy tín hơn.

Các cựu sinh viên nổi tiếng của ENA

- Tổng thống: Valéry Giscard'Estaing, Jacques Chirac, François Hollande và Emmanuel Macron.

- Thủ tướng: Jean Castex, Édouard Philippe, Dominique de Villepin, Lionel Jospin, Laurent Fabius, Alain Juppé, Édouard Balladur, Michel Rocard.

- Bộ trưởng đương nhiệm: Florence Parly (Bộ trưởng Quốc phòng) và Bruno Le Maire (Bộ trưởng Tài chính).

- Lãnh đạo doanh nghiệp: Bernard Lathière (Airbus), Jean-Cyril Spinetta (CEO - Air France / KLM, Henri de Castries (AXA), Guillaume Pepy (SNCF), Stéphane Richard (France Telecom).