Trường chuẩn Quốc gia kiểu… tranh tre nứa lá

Một ngôi trường có danh “đạt chuẩn Quốc gia” nằm trong tình trạng nguy hiểm, có thể… sập lúc nào không biết, gần một năm nay. Chưa được sửa chữa, BGH nhà trường “chữa cháy” bằng cách dựng “tạm” phòng… tranh tre nứa lá làm lớp học.

Đó là trường tiểu học Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu - Nghệ An. Tình trạng nguy hiểm của trường đã được báo động từ hồi tháng 2, nhưng cho đến nay, nghĩa là sau 7 tháng, ngôi trường vẫn chưa được sửa chữa.

 

Ngay khi có thông tin về tình trạng xập xệ của trường (tháng 2/2005), UBND tỉnh Nghệ An có hồi âm yêu cầu cơ quan chức năng tìm phương án khắc phục. Nhưng hình như, huyện Diễn Châu cũng bất lực, vì thiếu kinh phí?

 

Báo động!

 

Thông báo số 890/SXD-GĐKT ngày 22/8/2005 của Sở Xây dựng tỉnh Nghệ An về việc kiểm tra hiện trạng công trình nhà học 3 tầng trường tiểu học xã Diễn Nguyên, kết luận: “Tại thời điểm kiểm tra (ngày18/8/2005) toàn bộ công trình bị lún, mức độ lún không đều nhau, trục tường chịu lực phía trước và hành lang nhất là ở khối 3 tầng bị lún nhiều hơn.

 

Sở Xây dựng Nghệ An nhận định “công trình đang ở trạng thái nguy hiểm”, đề nghị “chấm dứt sử dụng để cải tạo, sửa chữa”.

 

Ban giám hiệu nhà trường và địa phương buộc phải dựng 11 phòng học bằng tranh tre nứa lá ở khu vực trước trường, làm nơi học cho HS của 22 lớp, luân phiên 2 ca/ngày. Chuyện hiếm thấy ở một huyện đồng bằng.  

 

Nhà có hiện tượng nghiêng về phía trước, một số cột hành lang lệch tâm theo phương thẳng đứng khá lớn. Do công trình lún không đều nên gây nứt gãy một số mảng tường ở hầu hết các phòng học, các vết nứt xuất hiện nhiều ở 2 trục đường dọc chịu lực, nhất là ở tầng 2, chiều dài và độ rộng vết nứt tương đối lớn...”.

 

Những người từng trực tiếp thi công công trình này cho biết:  “Gạch xây dựng tường chịu lực là gạch lò thủ công, vữa xây là vữa vôi nên một số viên gạch đã có hiện tượng phân huỷ...”.

 

Sở XD Nghệ An kiến nghị: “Mức độ biến dạng do độ lún gây nên của công trình đã ở trạng thái  gây nguy hiểm, nhất là khi có tác động của thiên nhiên như bão, lụt... không đảm bảo an toàn cho người sử dụng... đề nghị BGH nhà trường chấm dứt sử dụng để cải tạo sữa chữa lớn hoặc tháo dỡ xây dựng mới...”.

 

Diễn Nguyên là xã đầu tiên ở miền Bắc có trường học 3 tầng (xây dựng năm 1976), khang trang, hiện đại. Nhưng nay lại là một trong những địa phương có cơ sở hạ tầng “tụt hậu” nhất so với các xã khác trong huyện.

 

Chủ tịch xã Ngô Sĩ Hạnh nói: “Trường tiểu học thì rạn nứt. Học sinh trường mầm non phía Bắc của xã đang học trong nhà kho ẩm thấp trước đây dùng chứa thóc. Còn trường cấp 2, chúng tôi cũng phải cải tạo 7 cái kho thuốc trừ sâu, kho đạm... để các em học tạm”. “Học tạm” cho đến bao giờ?

 

Có còn giữ được tiếng thơm?

 

Ngày 3/9/2005, sân trường vẫn hỗn độn tranh tre nứa lá, cót ép. Cô Nguyễn Thị Hồng- Hiệu trưởng nhà trường buồn rầu: “Ban đầu, BGH định mượn nhà dân để các em học nhưng thấy không ổn.

 

Phần vì diện tích nhà dân không đủ, mặt khác chúng tôi cũng không thể quản lí được việc giảng dạy khi phải học rải rác ở 7 xóm trong xã. Nhà trường và địa phương buộc phải dựng 11 phòng học bằng tranh tre nứa lá (kèo bằng tre, mét; mái lợp cót và bạt; cửa sổ lợp phên; tứ phía xung quanh bao bọc bằng cót ép), làm phòng học cho 22 lớp, học 2 ca/ngày”.

 

Tiếng trống khai giảng năm học mới đã vang lên. Học sinh cả nước háo hức đón ngày khai trường, nhưng tại xã Diễn Nguyên (cách Quốc lộ 1A khoảng 6km) ngay cả cái lán tranh tre cho các em tiểu học cũng chưa hoàn thiện.

 

Sự học của gần hàng trăm HS nơi đây sẽ ra sao? Nỗi băn khoăn không chỉ riêng của các bậc phụ huynh, mà còn là nỗi lo âu của các thầy, cô giáo một vùng đất học nổi tiếng ở xứ Nghệ.

 

Dù khó khăn, dù phải học dưới ngôi trường đang xuống cấp, năm 2000 Trường tiểu học Diễn Nguyên vẫn vươn lên đạt chuẩn Quốc gia và là một trong ba trường mũi nhọn của huyện, 2 năm gần đây đạt danh hiệu tiên tiến, xuất sắc toàn tỉnh.

 

Liệu rồi đây khi học sinh phải ngồi học trong những ngôi nhà “tranh tre nứa lá”, chống chọi với sự “tụt hậu” cơ sở vật chất, Trường tiểu học Diễn Nguyên có còn giữ được danh tiếng như xưa?

 

Theo Trọng Đức - Quang Long

Tiền phong