Tìm giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học Lý luận chính trị

(Dân trí) - Các chuyên gia, nhà khoa học đã chỉ ra hàng loạt bất ổn trong đó có sự tách rời có tính phổ biến giữa dạy - học với nghiên cứu khoa học, giảng dạy lất án nghiên cứu trong lĩnh vực lý luận chính trị. Đó là một phần của thực trạng cần lời giải trong vấn đến dạy học lĩnh vực này ở các trường ĐH, CĐ

Ngày 23/1, ĐH Quốc gia TPHCM phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức Hội thảo khoa học “ Nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập các môn Lý luận chính trị trong các trường đại học, cao đẳng”. Buổi hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo ban tuyên giáo trung ương; lãnh đạo Bộ GD-ĐT; Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cùng lãnh đạo các trường ĐH, CĐ khu vực phía Nam…

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học Lý luận chính trị
Lãnh đạo Ban tuyên giáo TƯ, Bộ GD-ĐT chủ trì một hội nghị tìm giải pháp nâng cao chất lượng dạy, học lý luận chính trị trong trường ĐH,CĐ hiện nay.

Hội thảo không chỉ chỉ ra thực trạng và tìm dịp để các nhà quản lý, nhà khoa học cùng nhau trao đổi đề tìm ra hướng đi, giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, chương trình, phương án biên soạn chương trình, giáo trình các môn Lý luận chính trị dùng cho đào tạo tại các trường ĐH, CĐ.

Phát biểu mở đầu hội thảo, TS Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM nhìn nhận rằng bên cạnh những thành quả đáng khích lệ trong nghiên cứu, giảng dạy và học tập các môn lý luận chính trị, vẫn còn không ít khuyết điểm, tồn tại cần được xem xét. Những dẫn chứng cụ thể như nghiên cứu khoa học phục vụ đào tạo lý luận vẫn còn thiếu các công trình mang tầm chiến lược, có tính đột phá về; lý luận còn lạc hậu, tính dự báo thấp, kết quả nghiên cứu lý luận chưa đáp ứng tốt yêu cầu của thực tiễn. Trong khi đó, giáo trình và nội dung bài giảng dù giảm tải song lại làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn, bất cập.

Các giáo trình, chương trình chưa được “cá biệt hóa” theo từng khối ngành đào tạo, dẫn đến tình trạng chung chung, nhàm chán, thiếu hiệu quả trong giảng dạy, học tập. Công tác bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, chuẩn hóa đội ngũ còn nhiều bất cập. Mặt khác tình trạng xem nhẹ các môn lý luận chính trị, quan niệm “học cho qua, học để đối phó” chứ không vì nhu cầu bồi dưỡng thế giới quan và phương pháp luận khoa học vẫn còn diễn ra khá phổ biến ở một bộ phận học viên, sinh viên.

GS.TS Hoàng Chí Bảo - Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương đã chỉ ra những bất ổn trong giáo dục ĐH, CĐ hiện nay nói chung lẫn giáo dục lý luận chính trị nói riêng. Trong đó là việc nở rộ số lượng các trường ĐH, CĐ, nhất là các trường ngoài công lập còn là xu hướng địa phương hóa đại học, đều mang danh đại học đa ngành. Một vấn đề nóng bỏng, nhức nhối và nghịch lý hiện nay là tình trạng mất giá trị của văn bằng đại học, cao học, thậm chí cả văn bằng tiến sỹ do chất lượng thực không được bảo đảm, càng không tương xứng với trình độ quốc tế. Cũng chưa bao giờ, tình trạng thất nghiệp của những người có học nhiều như bây giờ, trên 170.000 cử nhân, thạc sỹ, cá biệt có cả tiến sỹ mà không tìm được việc làm.

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học Lý luận chính trị
GS.TS Hoàng Chí Bảo chỉ ra những bất ổn của giáo dục ĐH, CĐ nói chung và riêng trong môn lý luận chính trị nói riêng.

Đặc biệt, theo GS Hoàng Chí Bảo, trong hàng loạt các bất ổn ấy, ông lo ngại nhất chính là việc mất đi tính chuyên môn hóa sâu, tính chuyên nghiệp bền vững trong giảng dạy các môn Khoa học Mác-Lênin mà giáo dục ĐH đã gây dựng trên nửa thế kỷ mới có được. Từ quan niệm ý thức khoa học, đến chương trình, giáo trình và nhất là đến xây dựng đội ngũ giảng viên khoa học chuyên ngành đều ít nhiều có vấn đề. Trong đó, sự tách rời có tính phổ biến giữa dạy - học với nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Lý luận chính trị, trước hết và chủ yếu ở đội ngũ giảng viên là điều đáng lo ngại nhất. Hiện nay, giảng dạy đã lấn át nghiên cứu, nghiên cứu rơi vào hình thức hóa, sơ lược giản đơn hóa và kinh nghiệm hóa một cách thực dụng. 

GS.TS Hoàng Chí Bảo đưa ra sáu kiến nghị giải pháp cho vấn đề này, trong đó làm thay đổi nhận thức xã hội, trước hết là trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của Đảng và Nhà nước, đặc biệt ở cấp chiến lược, với đội ngũ trí thức với trí thức khoa học xã hội - nhân văn và lý luận ở ĐH làm nòng cốt về lý luận, vai trò của lý luận để có ứng xử đúng với giáo dục lý luận chính trị trong các trường ĐH, CĐ. Đồng thời, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và cập nhật kiến thức cho đội ngũ giảng viên theo môn học, theo lĩnh vực chuyên môn hóa. Bên cạnh đó, tạo môi trường, điều kiện và động lực thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên, của các tập thể sư phạm và các cộng đồng khoa học trong trường đại học.

Ngoài ra, GS Bảo kiến nghị thiết kế lại chương trình, biên soạn giáo trình, giáo khoa theo hướng cơ bản, hiện đại, thực tiễn Việt Nam. Kết hợp các tri thức hàn lâm với tri thức ứng dụng, đa dạng hóa giáo trình, sách tham khảo cho các đối tượng dạy và học.

Các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến, giải pháp.
Các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến, giải pháp.

Trong khi đó cũng góp ý cho vấn này, GS. TS. Trần Chí Đáo - nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng trước đây có thực trạng ở môn giáo dục chính trị thì trên bục giảng thầy cứ giảng dạy còn bên dưới người học không tập trung, thậm chí là ngồi chơi cờ caro. Từ những thực tế này, theo GS Đáo, quan trọng chính là người thầy - người dẫn dắt lôi cuốn sinh viên có hứng thú với môn học chính trị.
 
Lê Phương

 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!