Quảng Ninh:

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

An Nhiên

(Dân trí) - Chiều qua 28/10, với sự tham mưu của Sở LĐ-TB&XH tỉnh, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị chuyên đề tại TP Hạ Long nhằm bàn các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn - 1

Nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cho đào tạo nghề nông thôn được đưa ra tại Hội nghị

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh dự và chủ trì, cùng dự có lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, đại diện các sở, ngành liên quan cùng đại diện các địa phương.

Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu bảo đảm thực hiện công bằng xã hội về cơ hội học nghề đối với mọi LĐNT; chuyển mạnh đào tạo nghề cho LĐNT, từ đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo sang đào tạo theo nhu cầu của người học, của thị trường lao động, gắn đào tạo nghề với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, từng vùng, từng địa phương.

Đề án nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH cũng như tỉnh Quảng Ninh ngay từ những ngày đầu triển khai trong việc đầu tư nâng cao năng lực cho các cơ sở đào tạo nghề để triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐNT. Các văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành trung ương kịp thời, qua đó giúp các địa phương thuận lợi trong triển khai các hoạt động của đề án.

Sau 10 năm triển khai, đến nay tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng mạnh qua các năm. Năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 48% trong đó qua đào tạo nghề là 38% , đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 85%, trong đó tỷ lệ có bằng cấp,  chứng chỉ bằng cấp đạt 45,5%.

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn - 2

Đại diện địa phương tham gia đóng góp ý kiến.

Hiện, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có 42 cơ sở đào tạo nghề nghiệp (trong đó có 7 trường cao đẳng; 1 trường trung cấp; 13 trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - giáo dục thường xuyên (GDTX); 2 trường đại học và 19 đơn vị gồm các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp có tham gia hoạt động GDNN).

Toàn tỉnh trong giai đoạn 2010 đến 2020 đã tổ chức hỗ trợ đào tạo nghề phi nông nghiệp cho 20.229 lao động, đạt 58,02% tổng số lao động được hỗ trợ đào tạo nghề. Tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp cho 14.614 lao động, chiếm 41,91% tổng số lao động được hỗ trợ đào tạo nghề.

Tuy nhiên đến nay vẫn còn một số hạn chế như: việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư, tham gia vào lĩnh vực dạy nghề còn hạn chế, một số cơ sở đào tạo quan tâm tuyển sinh đầu vào nhưng chưa quan tâm đến nhu cầu của thị trường lao động cần tuyển dụng, dẫn đến chất lượng đào tạo hạn chế, một bộ phận LĐNT chưa thực sự cố gắng vươn lên, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số, vùng kinh tế khó khăn...

Nguyên nhân được xác định là do, trong tổ chức thực hiện có lúc, có nơi còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành liên quan, chưa huy động được sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và doanh nghiệp, chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, quản lý ở một số lớp học, ở một số địa phương có lúc chưa cao...

Tại hội nghị, đại diện một số địa phương như Đông Triều, Uông Bí... đã đánh giá, phân tích, chỉ rõ những hạn chế, khó khăn vướng mắc. Đồng thời cũng đưa ra một số đề xuất với tỉnh và Trung ương như: Xem xét thời gian đào tạo nghề cho phù hợp với tình hình thực tế địa phương; đổi mới hình thức đào tạo; nâng cao chất lượng dạy nghề tại các Trung tâm GDNN-GDTX, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên dạy nghề đảm bảo số lượng và chất lượng; quy trình thực hiện thanh quyết toán hồ sơ mở lớp...

Phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hạnh đánh giá cao nỗ lực của các ngành, địa phương, tổ chức xã hội trong việc thực hiện công tác đào tạo nghề cho LĐNT, huy động được lực lượng lớn xã hội tham gia và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn - 3

Phó Chủ tịch UBND cũng nhấn mạnh, để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông thôn trong thời gian tới, các ngành, địa phương cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong việc tham mưu cho cấp ủy về nội dung trên. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, bổ sung cơ chế chính sách phù hợp nhằm thu hút đào tạo nghề cho LĐNT; Sở LĐ-TB&XH chủ trì phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tổng điều tra, rà soát chuyển dịch cơ cấu LĐNT trong thời gian tới của tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu, các địa phương tập trung rà soát, định hướng phát triển KT-XH trên địa bàn để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề LĐNT cho các năm tiếp theo; giao Sở LĐ-TB&XH lập kế hoạch đánh giá kiểm điểm công tác đào tạo nghề cho LĐNT 3 tháng/lần để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cũng như đôn đốc thực hiện hiệu quả hơn.

Nhân dịp này UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH cũng đã khen thưởng cho các tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT trong 10 năm qua.