Tích hợp dạy theo chương trình Quốc gia Anh

Từ năm học 2014-2015, Sở GD-ĐT TPHCM thực hiện thí điểm đề án “Đổi mới dạy và học Toán, khoa học và tiếng Anh theo chuẩn tiên tiến dựa trên phương pháp tích hợp chương trình Quốc gia Anh và chương trình Việt Nam”. Vậy chương trình Quốc gia Anh là như thế nào, tích hợp ra sao?

Key Stages là gì?

Nền giáo dục Anh quốc từ lâu đã được công nhận là một trong những nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới. Khung chương trình quốc gia của Bộ Giáo dục Anh áp dụng cho học sinh phổ thông trong độ tuổi từ 5 – 16 (từ 16 - 18 tuổi học sinh học và thi Tú tài theo đề thi của nhiều hội đồng khảo thí như CIE, OCR, Edexel, AQA...). Khung chương trình đưa ra hệ thống các môn học cho học sinh phổ thông, trong đó 3 môn chính là Toán, tiếng Anh, khoa học; các chuẩn kiến thức, kỹ năng học sinh cần đạt được cho từng môn học; các mục tiêu học tập cho từng năm để làm cơ sở đánh giá quá trình học tập của học sinh.

Chương trình quốc gia của Bộ Giáo dục Anh được chia thành các giai đoạn học tập gọi là “Key stages”. Chương trình Key Stages do Cơ quan Kiểm định chất lượng và Khảo thí - Standards and Testing Agency (STA) trực thuộc Bộ Giáo dục Anh cung cấp. Chương trình này cung cấp kiến thức bảo đảm chất lượng dạy và học trong tất cả các cơ sở giáo dục trên toàn lãnh thổ và quốc tế. Chương trình Key Stages bao gồm nhiều bộ môn, trong đó có 3 bộ môn chính là Toán, tiếng Anh và khoa học.

Hệ thống giáo dục và khảo thí của Chương trình Quốc gia Anh
Hệ thống giáo dục và khảo thí của Chương trình Quốc gia Anh

Khả năng tích hợp

Đề án chương trình do Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp với EMG Education và các chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước xây dựng dựa trên phương pháp tích hợp chương trình quốc gia Anh và chương trình của Bộ GD-ĐT Việt Nam. Nội dung chương trình sẽ được biên soạn tích hợp và triển khai song hành với chương trình chuẩn của Bộ GD-ĐT thuộc 3 cấp học: Tiểu học, THCS và THPT một cách khoa học và hợp lý.

Học sinh Việt Nam được tiếp xúc với giáo viên và chương trình nước ngoài
Học sinh Việt Nam được tiếp xúc với giáo viên và chương trình nước ngoài

Khác với các chương trình ngoại ngữ tự chọn, chương trình này có thể áp dụng được với tất cả các đối tượng học sinh cũng như điều kiện thực tế của tất cả các trường. Sau khi kết thúc chương trình, học sinh sẽ đạt được trình độ thông thạo cả hai ngoại ngữ Anh và Việt. Học sinh phổ thông được thi các bài cuối cấp (Key Stages Test) do STA cung cấp, qua đó năng lực và trình độ của học sinh được đánh giá theo chuẩn giáo dục cao của Anh với 3 bộ môn. Trong quá trình học, học sinh được rèn thêm kỹ năng làm các bài thi theo chuẩn đánh giá tiếng Anh khác: IELTS, TOEFL, Cambridge English… cũng như rèn luyện phương pháp học tập và các kỹ năng mềm khác.

Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, việc triển khai đề án sẽ góp phần khắc phục những khó khăn đã gặp phải trong các chương trình tiên tiến trước đây. Học sinh tham gia chương trình tích hợp được học bằng ngoại ngữ và có kiến thức sâu hơn so với việc học đơn lẻ một chương trình. Đồng thời không còn tình trạng trùng lắp khi phải học cùng lúc 2 chương trình, việc học trở nên nhẹ nhàng hơn và vận dụng kiến thức vào thực tiễn hiệu quả hơn. Chương trình do đó phù hợp với tất cả học sinh và nhà trường mong muốn tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến hiện đại.

Để triển khai chương trình tốt, Sở GD-ĐT phối hợp với các đơn vị có uy tín về đào tạo đội ngũ giáo viên, ít nhất đáp ứng phân nửa số giáo viên đứng lớp bên cạnh các giáo viên bản ngữ. Theo yêu cầu của chương trình, giáo viên phải có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm giảng dạy và phương pháp sư phạm tốt. Ngoài ra, người dạy phải có khả năng truyền cảm hứng cho học sinh và được hỗ trợ bồi dưỡng bởi các Trường đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý trường học của Anh quốc. Yêu cầu này cũng nhằm đáp ứng Chiến lược bồi dưỡng giáo viên Việt Nam dài hạn, góp phần chuyển giao phương pháp giảng dạy Toán, tiếng Anh và khoa học chuẩn cho đội ngũ giáo viên Việt Nam.