Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Giám sát chặt chẽ biểu hiện lạ của thí sinh

Hạnh Nguyên

(Dân trí) - Trong quá trình coi thi, cần giám sát chặt chẽ để phát hiện những biểu hiện lạ từ thí sinh. Đối với giáo viên, cần quán triệt để không có sơ suất về mặt chuyên môn.

Trên đây là một trong những chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ khi kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT của TP Hà Nội.

Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, toàn thành phố có 97.524 thí sinh dự thi, trong đó có 85.883 thí sinh học chương trình THPT, 11.641 thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên; có 4.476 thí sinh tự do.

Sở đã bố trí 181 điểm thi chính thức và 60 điểm thi dự phòng; trong đó có 66 điểm thi chính thức đặt tại trường THCS, 3 điểm thi chính thức đặt tại Trung tâm GDNN-GDTX và 112 Điểm thi chính thức đặt tại trường THPT.

Có tổng số 4.594 phòng thi, trong đó có 4.070 phòng thi chính thức, 362 phòng thi dự phòng, 162 phòng chờ. Sở cũng đã điều động 14.096 cán bộ, công chức, viên chức tham gia coi thi; 695 cán bộ, công chức, viên chức tham gia Ban chấm thi.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Giám sát chặt chẽ biểu hiện lạ của thí sinh - 1

Chia sẻ một số ví dụ về vi phạm của thí sinh, giáo viên đã xảy ra những năm trước, Thứ trưởng mong muốn, thành phố Hà Nội sẽ hạn chế tối đa, cố gắng bằng "0" học sinh, giáo viên vi phạm quy chế.

Muốn làm được như vậy, theo Thứ trưởng cần nâng cao trách nhiệm của giáo viên coi thi, trước khi vào phòng thi giáo viên cần kiểm tra và nhắc nhở thí sinh, trong quá trình coi thi cần giám sát chặt chẽ để phát hiện những biểu hiện lạ từ thí sinh. Đối với giáo viên, cần quán triệt để không có sơ suất về mặt chuyên môn.

Cũng theo Thứ trưởng, trước hết cần xác định tầm quan trọng và ý nghĩa của kỳ thi không chỉ để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông mà còn là căn cứ để nhiều cơ sở giáo dục đại học sử dụng để tuyển sinh, do đó đòi hỏi phải tổ chức kỳ thi chặt chẽ, công bằng, bảo đảm quyền lợi cho người học.

"Tác động của kỳ thi tới xã hội rất lớn, cả hệ thống chính trị vào cuộc để tổ chức. Một sơ suất nhỏ có thể gây hậu quả lớn", đề cập điều này, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị thành phố Hà Nội cần tập trung cho công tác chuẩn bị, bao gồm: chuẩn bị về con người đủ về số lượng, được tập huấn đảm bảo chất lượng; chuẩn bị về cơ sở vật chất, rà soát bố trí đủ phòng thi cho thí sinh F0, thí sinh nghi nhiễm; chủ động phương án phòng chống mưa ngập trong những ngày thi; có phương án hỗ trợ đến từng thí sinh khó khăn về phương tiện đi lại, điểu kiện kinh tế…

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Giám sát chặt chẽ biểu hiện lạ của thí sinh - 2

Hà Nội đã có nhiều kịch bản ứng phó với các tình trạng khẩn cấp trong kỳ thi tốt nghiệp THPT (Ảnh: T.L).

Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành, đơn vị và địa phương đã báo cáo về tình hình chuẩn bị và khẳng định quyết tâm tổ chức kỳ thi an toàn về mọi mặt, bảo đảm kiểm soát tốt tình hình, hỗ trợ tốt nhất cho thí sinh. Để ứng phó với nguy cơ có thể xảy ra úng ngập do mưa lớn, Sở Xây dựng Hà Nội đã có kế hoạch phòng, chống úng ngập, cây đổ; bảo đảm cấp nước sạch đầy đủ và bố trí nhân lực ứng trực tại các điểm thi.

Tiếp thu các ý kiến tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, việc tổ chức kỳ thi vào lớp 10 thành công đã giúp cho Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT thành phố và các địa phương có thêm kinh nghiệm trong tổ chức kỳ thi.

Là địa phương có số lượng thí sinh dự thi lớn, chiếm gần 1/10 của cả nước, địa bàn rộng, Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT thành phố đã sớm ban hành kế hoạch tổ chức kỳ thi, chỉ đạo Sở GD-ĐT Hà Nội tập huấn kỹ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và thí sinh với yêu cầu tuyệt đối không chủ quan.

Với quyết tâm cao trong việc tổ chức thành công kỳ thi, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng đề nghị các sở, ban, ngành và địa phương tiếp thu đầy đủ các ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, tiếp tục rà soát các điều kiện tổ chức kỳ thi, bảo đảm thuận lợi nhất cho cán bộ, giáo viên, thí sinh, đồng thời dự liệu các tình huống bất trắc có thể xảy ra để chủ động ứng phó.