Đắk Nông:

Thiếu giảng viên đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp

Dương Phong

(Dân trí) - Nhiều lao động nông thôn tại tỉnh Đắk Nông có nhu cầu cao về đào tạo nghề, nhất là những nghề gắn với sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay vẫn là thiếu người đứng lớp.

Tỉnh Đắk Nông mới đây xác định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững theo chuỗi giá trị; tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực…

Để thực hiện được nhiệm vụ này, đòi hỏi lao động trực tiếp sản xuất phải có trình độ cao, biết ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Chính vì vậy, tại địa phương này, lao động có nhu cầu học nghề cao, nhất là các nghề liên quan đến sản xuất nông nghiệp.

Thiếu giảng viên đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp  - 1

Phần lớn macca chỉ được trồng, thu hoạch và bán dưới dạng thô

Tại vùng sản xuất macca lớn nhất tỉnh Đắk Nông là huyện Tuy Đức, theo thống kê địa phương này đang có khoảng 1.000 ha trồng macca. Được gọi là "nữ hoàng của các loại hạt" thế nhưng sản phẩm sau thu hoạch chủ yếu được bán thô vì trên địa bàn chỉ có một số cơ sở chế biến nhỏ, không đáp ứng hết nguồn nguyên liệu.

Theo lãnh đạo Hội Nông dân huyện Tuy Đức, hàng năm huyện đều phối hợp với Hội Nông dân tỉnh và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức các buổi tập huấn bảo quản, chế biến. Song những buổi tập huấn này chỉ dừng lại ở mức trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật chứ chưa được đào tạo chuyên sâu.

Thiếu giảng viên đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp  - 2

Nhiều thanh niên nông thôn tự mày mò để phát triển kinh tế

Vì này cho biết, trên thực tế, địa phương chỉ có một số cơ sở chế biến macca theo hộ gia đình, trong khi nguồn nguyên liệu dồi dào. Nguồn lao động trẻ nhưng lại không có "nghề", không có kiến thức chế biến, không dám đầu tư máy móc trang thiết bị… khiến sản phẩm chỉ bán ở dạng thô.

"Nếu lao động được đào tạo chuyên sâu, thì chắc chắn sẽ có thay đổi suy nghĩ trong sản xuất, sản phẩm làm ra có giá trị cao, góp phần phát triển kinh tế địa phương", vị này khẳng định.

Được biết, năm 2016, địa phương này cũng xin mở hai lớp dạy nghề cho lao động địa phương, đào tạo về nghề chế biến nông sản sau thu hoạch nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai do chưa có giáo viên.

Thiếu giảng viên đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp  - 3

Phần lớn các mô hình sản xuất cà phê sạch tại Đắk Nông do người trẻ làm và tự học hỏi, tích lũy kinh nghiệm

Anh Nguyễn Đức Thái, chủ một trang trại cà phê tại Đắk Nông cũng tự mày mò, tìm hiểu để sản xuất cà phê. Tốt nghiệp đại học một ngành kinh tế, với đam mê với sản xuất nông nghiệp sạch, anh đã xây dựng một cơ sở trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cà phê theo hướng hữu cơ.

Theo anh Thái, phần lớn là kinh nghiệm do tự trau dồi, tìm hiểu trên mạng và bạn bè vì thực tế hiện nay tại địa phương vẫn chưa có một lớp học nào đào tạo, dạy cho người dân cách chế biến cà phê để đạt hiệu quả cao nhất.

Cà phê sản xuất ra, bà con nông dân chủ yếu chỉ phơi, sấy theo các truyền thống rồi bán xô cho các đại lý. Rất ít người dám đầu tư để sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ, khép kín vì không có kinh nghiệm, đặc biệt là trong công đoạn thu hái, ủ và phơi sấy, chế biến.

"Nếu được đào tạo bài bản, các nông hộ sẽ biết liên kết với nhau, sản xuất theo hướng bền vững chứ không nhỏ lẻ, thủ công như hiện tại", anh Thái nhận định.

Thiếu giảng viên đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp  - 4
Thanh niên nông thôn Đắk Nông đang học nghề sửa chữa nông cụ sản xuất

Theo một lãnh đạo UBND huyện Đắk G'Long (tỉnh Đắk Nông), hiện nay nhu cầu đào tạo việc làm trên địa bàn huyện rất lớn, phần lớn là lao động trẻ, có sẵn tư liệu sản xuất.

Tuy nhiên, do trình độ còn hạn chế, chưa tiếp cận hoặc chưa biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên nông sản làm ra không có giá trị cao, thậm chí không đủ sức cạnh tranh với các thị trường mạnh.

"Qua nắm bắt thực tế, rất nhiều thanh niên tại địa phương có nhu cầu đào tạo về chế biến, bảo quản nông sản; trồng trọt và bảo vệ thực vật; chăn nuôi thú y; dịch vụ nông nghiệp… Tuy nhiên, số lượng các lớp đào tạo vẫn còn hạn chế so với nhu cầu của người lao động", vị này đánh giá.

Thiếu giảng viên đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp  - 5
Khó khăn lớn nhất tại địa phương này là thiếu người dạy và thiếu kinh phí

Trong khi đó, đại diện Phòng Lao động - Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông) cho rằng, nhu cầu đào tạo nghề liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp của địa phương rất lớn. Tuy nhiên, một trong những khó khăn vướng mắc để triển khai các lớp đào tạo sơ cấp là phải có giảng viên, giáo viên cơ hữu theo quy định.

"Vì không có giáo viên cơ hữu nên tỉnh phải mời các giáo viên trong vùng hoặc cán bộ từ các đơn vị liên quan về giảng dạy. Tuy nhiên kinh phí đứng lớp thấp nên không thể mở lớp thường xuyên. Chính vì vậy cần có chính sách, cơ chế để tăng mức hỗ trợ cho người dạy và cả học viên tham gia các lớp học", vị này nói.