Thầy cô không chỉ cho em con chữ
(Dân trí)- Trong lần ghé thăm Trung tâm phục hồi chức năng trẻ tàn tật Thụy An mới đây, tôi có dịp tìm hiểu về công việc của các giáo viên ở đây. Không chỉ dạy con chữ, các thầy cô còn dạy chức năng sống, chức năng sinh hoạt, rồi dạy nghề phù hợp cho các em.
Trung tâm phục hồi chức năng trẻ tàn tật Thụy An (xã Thụy An, Ba Vì, Hà Nội) được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thành lập năm 1976 với mục đích nuôi dưỡng, điều trị và dạy nghề hướng nghiệp cho trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt như con thương binh, liệt sỹ và người nghèo.


Ngoài những thầy cô tận tình chăm sóc trẻ khuyết tật, tại Trung tâm còn có các tình nguyện viên nước ngoài đến tham gia chăm sóc và dạy các em.
Tôi gặp cô gái 26 tuổi người Đức, Maggy Paul, thuộc Tổ chức Giao lưu Văn hóa Thanh niên Quốc tế (ICYE) đang cho một cháu ăn bữa chiều. Maggy vừa tốt nghiệp chuyên ngành Công tác Xã hội tại Đức và tình nguyện đến nơi hẻo lánh này 1 năm để chăm sóc, dạy dỗ cho các cháu khuyết tật và chia sẻ kinh nghiệm với các thầy cô giáo tại đây.
“Bọn trẻ rất đáng thương và cần được giúp đỡ,” Maggy chia sẻ. “Các em cũng dạy tôi khá nhiều điều về cuộc sống”. |
Cạnh đó, lớp học của cô Nguyễn Thị Thu Hà khá “sôi nổi” với các cháu bị chậm phát triển trí tuệ thể nặng đang học các kỹ năng sinh hoạt như gấp quần áo, tắm rửa, gội đầu… Cô Hà là giáo viên trẻ, mới biên chế vào trung tâm được khoảng 2 năm.
“Hiện tại em đang phụ trách 2 lớp gồm các em chậm phát triển thể nặng nhất,” Hà nói. “Với những đối tượng này, lẽ ra mỗi cô chỉ phụ trách 3-5 trẻ nhưng do trung tâm thiếu giáo viên nên 2 lớp của em đều có sĩ số trên 10 em. Khó hơn nữa là lớp bao gồm các cháu bị những bệnh khác nhau như down, tự kỷ, thiểu năng trí tuệ ở những mức độ khác nhau nên việc dạy cũng rất khó.”

Thăm quan lớp học một lúc mới thấy công việc của các thầy cô cần sự ân cần và kiên nhẫn đến nhường nào.
Thầy Trần Ngọc Khánh nguyên là hiệu trưởng một trường cấp I trong xã nay chuyển về làm phó Phòng Giáo dục Chuyên biệt tại Trung tâm và kiêm dạy 1 lớp các em bị dị tật vận động. Lớp của thầy có 9 học sinh nhưng thầy phải dạy đồng thời 3 chương trình lớp 4, lớp 2 và lớp 1 do có 3 em vào sau và chưa đủ sĩ số để tách lớp. Học sinh lớp thầy chủ yếu là bị dị tật vận động, một số em thể chất yếu nên tiếp thu chậm, việc viết bài và nói năng cũng rất khó khăn. Tuy nhiên, thầy cũng vui vẻ kể về những em phục hồi tốt trong quá trình chữa bệnh và hoàn thành chương trình tiểu học, ra hòa nhập rất tốt với cộng đồng.

Trăn trở tìm nghề cho trẻ khuyết tật
Ngoài việc dạy chữ, Trung tâm phục hồi chức năng trẻ tàn tật Thụy An cũng luôn duy trì các lớp hướng nghiệp dạy nghề như: cắt may, thêu, tin học văn phòng, sản xuất hương thơm, sản xuất tranh đá quý. Sau thời gian học tập, phần lớn các em đã nắm bắt được những kiến thức cơ bản về nghề học, đặc biệt có một số em đã có thể tự lập được cuộc sống bằng chính nghề nghiệp đã được đào tạo.
Thầy Nguyễn Như Liêm, Trưởng phòng Hướng nghiệp dạy nghề, là một trong những học viên đầu tiên của trung tâm từ năm 1976. Thầy là con liệt sỹ, bị khuyết tật vận động và sau thời gian điều trị phục hồi tại đây, thầy đã theo học ĐH Tổng hợp chuyên ngành Xã hội học và trở lại Trung tâm làm việc cho đến nay. Ở vị trí của mình, thầy chia sẻ những trăn trở trong việc tìm được một nghề phù hợp cho người khuyết tật.
“Chúng tôi đã từng đi tìm hiểu công việc của rất nhiều làng nghề của tỉnh Hà Tây cũ như: nhồi thú bông ở Hiệp Thuận, mây tre đan Phú Vinh… để dạy cho các em nhưng việc áp dụng rất khó vì không phù hợp với sức khỏe của các em, thiếu vốn đầu tư, thiếu đầu ra…,” thầy Liêm nói. “Hiện tại có nghề may là vẫn ổn định nhất và được sự giúp đỡ của một số nhà hảo tâm, chúng tôi mới đưa thêm vào 2 nghề là sản xuất hương thơm và tranh đá quý.”

Theo một báo cáo tổng kết sau 35 năm hoạt động của Trung tâm, số trẻ được phục hồi chức năng tại đây là 1.935 cháu. Anh Trần Văn Lý - giám đốc Trung tâm hi vọng trong tương lai nơi này sẽ có điều kiện giúp đỡ nhiều đối tượng hơn nữa khi dự án thành lập Bệnh viện Điều dưỡng & Phục hồi chức năng Thụy An đã được Bộ cơ bản phê duyệt và đang trong quá trình hoàn thiện phần thiết kế. “Chúng tôi hi vọng công trình này sẽ được khởi công sớm để thầy trò tại đây có điều kiện làm việc, điều trị và học tập tốt hơn” - anh Đức chia sẻ.
Bài và ảnh: Lan Hiếu