"Thật phiến diện nếu nói không mặc đồng phục là hư, không có nề nếp"

Tuệ Nhi

(Dân trí) - Học sinh có nhất thiết phải mặc đồng phục đến trường hay không đang là chủ đề được một số diễn đàn phụ huynh thảo luận sôi nổi.

Xoay quanh câu chuyện đồng phục học sinh luôn có những quan điểm khác nhau. Một số cho rằng, đồng phục là cần thiết, giúp quản lý và xây dựng hình ảnh nhà trường. Nhưng số khác thì bày tỏ, đồng phục với chất liệu kém chất lượng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh.

Phát ốm vì phải mặc đồng phục trong thời tiết "nóng như đổ lửa"

Nhớ lại quãng thời gian "ngày hai buổi cắp sách đến trường", Nguyễn Hải Yến (Hà Nội) khá ngán ngẩm với việc phải mặc đồng phục, đặc biệt là vào mùa hè.

Theo chia sẻ của Hải Yến, trước đây, đồng phục của trường gồm áo sơ mi dài tay, đồ thể dục và áo khoác mùa đông. Vào các buổi học chính khóa, học sinh buộc phải mặc đồng phục theo mùa.

Vào mùa hè, bất kể là thời tiết "nóng như đổ lửa" vẫn phải mặc sơ mi trắng dài tay với quần âu. Nếu mặc đồng phục thể dục trong những tiết học quy định, hoặc ngược lại, đều bị nhắc nhở và trừ điểm, dẫn đến lớp mất điểm thi đua, tụt thứ tự trên bảng xếp hạng toàn trường.

Thật phiến diện nếu nói không mặc đồng phục là hư, không có nề nếp - 1
Nữ sinh trong bộ đồng phục từng nổi tiếng khắp mạng xã hội năm 2019 (Ảnh: FB Thanh Hằng).

"Giờ đã qua thời học sinh rồi nhưng nghĩ lại em vẫn thấy bức bối vì bộ đồng phục mùa hè. Ở Hà Nội, với mức độ bê tông hóa, mật độ dân số cao, chưa kể lớp học đông, lúc nào cũng mặc áo dài tay kèm quần âu quả thật như tra tấn vậy.

Bạn bè em cũng nhiều người phàn nàn là mặc đồng phục của trường vào mùa hè thì nóng, mùa đông lại rét, vì chất vải là sợi tổng hợp, pha nhiều nilon", Yến nhớ lại.

Tương tự Hải Yến, Ngọc Anh (học sinh tại Nghệ An) cũng có những trải nghiệm không thoải mái với bộ đồng phục.

Là học sinh cuối cấp, Ngọc Anh chạy đua cùng các kỳ thi với lịch học dày đặc. Hầu như suốt cả tuần em rời khỏi nhà lúc sáng sớm và trở về vào chiều muộn. Nhà xa, buổi trưa Ngọc Anh thường ở lại trường để kịp giờ học buổi chiều.

"Vì không về nhà buổi trưa nên ít khi em thay đồng phục, thành ra suốt cả ngày phải mặc áo dài tay rất nóng nực. Cơ địa em đổ khá nhiều mồ hôi nên em thường phải mang theo một chiếc quạt nhỏ để quạt mát.

Có lần em quên quạt ở nhà, trưa lại bị mất điện, mà đồng phục thì khó thoát mồ hôi nên cả người nóng hầm hập, mồ hôi thấm ngược trở lại và ốm một trận nhớ đời.

Thời tiết miền Trung vào mùa hè vốn đã nóng nực, nền nhiệt cao, kèm thêm việc mặc đồng phục dài tay, chất liệu nhiều nilon như thế này thì em nghĩ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh", Ngọc Anh kể lại.

Ngoài ra, theo học sinh này, việc mặc đồng phục không giúp học sinh có cảm giác mình thuộc về trường.

"Thật phiến diện nếu nói không mặc đồng phục là hư, không có nề nếp"

"Đồng phục thật nhàm chán" là lời than thở của M.T (học sinh tại Ninh Bình) khi nhắc đến chuyện mặc gì đi học.

Xuất phát từ thực tế, đồ mặc ở nhà cũng như đồ mặc đi học thêm, đi chơi của M.T đẹp hơn đồng phục của trường khiến em có cái nhìn không mấy thiện cảm với trang phục quy định từ trường.

Thật phiến diện nếu nói không mặc đồng phục là hư, không có nề nếp - 2
Học sinh THPT ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) trong một lễ khai giảng năm học mới (Ảnh: Viết Hảo).

"Đồng phục cả nam và nữ đều chung màu sắc, chung kiểu dáng, không có sự cách điệu nên thật sự em không thích một chút nào. Mỗi học sinh sẽ có 2 cái áo sơ mi, cứ giặt rồi phơi khô, mặc liên tục nên rất dễ bị sờn, đổi màu và mất thẩm mỹ.

Suốt cả tuần phải mặc đồng phục, o ép bản thân trong trang phục không yêu thích thật sự cũng ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh.

Suy cho cùng, ăn mặc đẹp là nhu cầu chính đáng của mỗi người, tụi em mặc đẹp cũng chẳng ảnh hưởng gì tới việc học cả. Thời trang giúp bạn trẻ thể hiện cá tính riêng, vậy tại sao lại bóp nát sáng tạo ấy chỉ vì một bộ đồ?", em nói.

Ngoài ra, M.T nhìn nhận, một bộ đồ không biểu lộ gì về tính cách của bất cứ ai. Em giải thích: "Nếu nói học sinh không mặc đồng phục nghĩa là hư, không có nề nếp thì thật phiến diện. Đôi khi vẻ bề ngoài trái ngược với tính cách một người mà. Hơn nữa, nhà trường, cha mẹ cũng nắm được tình hình thông qua kết quả học tập của tụi em rồi".

Thầy Nguyễn Văn Quý (giáo viên tại một trường THCS ở Hà Tĩnh) cũng có những trăn trở, suy nghĩ về việc học sinh có nhất thiết phải mặc đồng phục đến trường hay không. Theo đó, vị giáo viên này cảm thấy một bộ đồng phục không có tác động quá tích cực đến quá trình tiếp thu kiến thức của học sinh.

Thầy Quý bày tỏ: "Tôi thích học sinh được tự do lựa chọn trang phục đến trường. Khi các em cảm thấy thoải mái thì sẽ có sự hứng thú hơn với việc học hành. Tất nhiên, tự do ở đây không có nghĩa là muốn mặc như thế nào cũng được, mọi thứ phải đảm bảo phù hợp với từng hoàn cảnh thực tế.

Ở ngôi trường tôi đang công tác, học sinh mặc đồng phục 2 buổi/tuần. Các ngày còn lại các em sẽ được lựa chọn trang phục, phù hợp với sở thích, môi trường. Nhìn nhận ở mặt tích cực, việc không ép buộc đồng phục cũng giúp các em giải tỏa một phần tâm lý căng thẳng.

Có lẽ cũng đã đến lúc các trường cần có sự nhìn nhận thực tế về câu chuyện đồng phục học sinh để điều chỉnh cho phù hợp".

Một số học sinh cho rằng, đồng phục giúp các em biểu thị niềm tự hào của mình với ngôi trường đang theo học. Trong khi đó, số khác lại cảm thấy "ngán ngẩm" vì đồng phục đã chặn đứng sự sáng tạo trong thời trang, chưa kể đến sự bất tiện, đặc biệt là vào mùa nắng nóng.

Mời bạn đọc chia sẻ câu chuyện, ý kiến đóng góp tại ô bình luận bên dưới hoặc gửi về email: giaoduc@dantri.com.vn. Trân trọng cảm ơn!