Tháo chạy khỏi trường vì con bị cô lập, chặn đường đi vệ sinh

Hạnh Nguyên

(Dân trí) - Chỉ còn khoảng một tháng nữa là hết năm học nhưng chị Thúy Hoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) phải tính chuyện xin chuyển trường vì con "khủng hoảng" tinh thần do bị một nhóm bạn âm thầm bắt nạt.

Chặn đường không cho bạn đi vệ sinh

Chia sẻ với PV Dân trí sáng 27/4, chị Hoa ứa nước mắt cho biết, hóa ra con chị (đang học cấp 1) bị bắt nạt một thời gian dài nhưng bố mẹ không lường được hậu quả.

"Thời điểm khoảng tháng 10/2022 - tức vào năm học mới được hơn một tháng, tôi thấy con gái không còn vui vẻ khi đến lớp. Tan học, con vội vã chạy ngay về nhà.

Khi tôi gặng hỏi chuyện ở trường, con bảo mình bị một nhóm bạn nữ hay kiếm cớ gây sự".

Chị Hoa nói rằng mình biết người cầm đầu nhóm bạn nữ này bởi trước đây hai gia đình từng hợp tác làm ăn nhưng do không hợp nên ngừng lại.

"Chuyện gì đến đã đến, một bạn gái chơi với con tôi cũng bị nhóm này ra mặt bắt nạt, kiếm cớ gây sự, thậm chí bị chặn đường khi đi vệ sinh.

Tôi lo lắng bảo chồng lên gặp nhà trường nhưng anh bảo "chuyện trẻ con", đừng làm ầm ĩ. Thế nên tôi gặp riêng, kể chuyện với cô chủ nhiệm.

Tháo chạy khỏi trường vì con bị cô lập, chặn đường đi vệ sinh - 1

Con gái chị Thu Hương - một trong những nạn nhân bị bạn cô lập vì không có điện thoại thông minh (Ảnh: M.H).

Tất nhiên từ đó, vấn đề bắt nạt công khai đỡ hơn nhưng nhóm trẻ này vẫn lôi kéo bè nhóm để cô lập con một cách âm thầm.

Đặc biệt mấy hôm nay con bảo với mẹ, các bạn này có khả năng lên cấp 2 lại vào cùng trường với con khiến tôi hốt hoảng.

Tôi quyết định xin chuyển qua trường khác để con sớm chấm dứt cơn ác mộng", chị Hoa tâm sự.

Chị Nguyễn Thị Huyền (TPHCM) cũng chia sẻ, chị đang nhờ người xin chuyển trường cho con được không vì run rủi con vào học đúng trường với nhóm học sinh bắt nạt.

Điều khiến chị "tiến thoái lưỡng nan" là con đang học cấp 3, việc chuyển trường vô cùng khó khăn.

Nếu gia đình tâm sự với giáo viên để nhà trường nhắc nhở, chị sợ con bị âm thầm bắt nạt mạnh hơn nữa.

Học sinh bị cô lập vì không có điện thoại thông minh

Câu chuyện mà hai phụ huynh nói trên đây không phải hiếm ở các trường học hiện nay.

Có lẽ câu chuyện của nữ sinh Trường THPT chuyên thuộc ĐH Vinh (Nghệ An) tự vẫn mới đây vì nghi vấn là nạn nhân của bạo lực học đường vẫn còn gây bàng hoàng dư luận.

Tất nhiên bản chất thật ra sao còn chờ kết luận từ cơ quan chức năng nhưng đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh với nạn bạo lực học đường.

Trao đổi với PV Dân trí, chị Thu Hương (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay, ở trường con chị cũng bị nhóm bạn nhà giàu "cô lập", đơn giản vì con không có điện thoại thông minh.

"Tôi nói với con rằng, nếu dùng điện thoại 'cục gạch', con hãy cố học thật giỏi để các bạn nể, phải nhờ con giảng bài. Và rồi con tôi làm được. Mặc dù vậy con vẫn tâm sự với mẹ rằng mình buồn vì bị 'bật' ra khỏi 'đường ray' của nhóm bạn ấy", chị Hương buồn bã nói.

Tháo chạy khỏi trường vì con bị cô lập, chặn đường đi vệ sinh - 2

Không đơn giản chỉ gặp kẻ bắt nạt thì con cái sẽ được giải quyết (Minh họa: Bích Diệp).

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục- ĐHQG Hà Nội) cho rằng, trẻ bị bạo lực học đường dễ có nguy cơ kết thúc cuộc đời bởi các em luôn ở trong trạng thái căng thẳng, mất tự tin, lo lắng, sợ hãi. Các em cảm thấy mình không đáng được yêu thương, không có giá trị và không tin tưởng vào người khác. Tất cả những trải nghiệm này dẫn đến cá nhân các em bị rơi vào lo âu, trầm cảm…

Trẻ bị cô lập tách biệt khỏi bạn bè và giáo viên, thành tích học tập đi xuống, không muốn đi học.

Khi đứa trẻ đã dũng cảm tiết lộ nhưng sự việc không được giải quyết, hành vi bắt nạt vẫn tiếp diễn, thậm chí tăng cường độ khiến các em tuyệt vọng và trường hợp xấu là có khả năng tự vẫn.

"Gia đình và nhà trường nghĩ rằng sẽ gặp kẻ bắt nạt, nói vài câu hòa giải hoặc chỉ trích trừng phạt, thậm chỉ chuyển kẻ bắt nạt đi là xong.

Tôi cho rằng không đơn giản như vậy, bởi lẽ cách làm nửa vời đó chỉ làm cho kẻ bắt nạt thêm ấm ức và hành vi bắt nạt đi vào bí mật với nhiều hành vi leo thang hơn mà thôi.

Tất cả những suy nghĩ, diễn biến tâm lý như vậy có thể là những cú hích cuối cùng dẫn đến những lựa chọn rất cực đoan kết thúc cuộc sống của mình từ các bạn trẻ", TS Trần Thành Nam nói.

Theo chuyên gia này, để hạn chế bạo lực học đường, về tổng thể cần giáo dục nhân cách cho các em, giúp các em trở thành người tự tin, biết tự định hướng trong ứng xử, biết quan tâm đến mọi người và các vấn đề xã hội.

Ngoài việc tuyên truyền tới giáo viên và học sinh, chúng ta cần cải thiện văn hóa học đường, thiết lập quy tắc ứng xử dựa trên yêu thương, tôn trọng và an toàn; cần triển khai triệt để vai trò của phòng tham vấn tâm lý học đường - Kiến trúc sư của ngôi trường hạnh phúc.